CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải

Thế Phương| 12/02/2021 16:50
Theo dõi ICTVietnam trên

CEO LOGIVAN Phạm Khánh Linh cho rằng, một trong những khó khăn đối với một cô gái lựa chọn khởi nghiệp trong ngành logistic - một lĩnh vực mà phù hợp với nam giới hơn, đó là việc gặp phải những định kiến cho rằng phụ nữ sẽ không đủ kiến thức trong ngành vận tải.

CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải - Ảnh 1.

CEO LOGIVAN Phạm Khánh Linh: Một trong những khó khăn khi khởi nghiệp trong ngành logistic, đó là việc gặp phải những định kiến cho rằng, phụ nữ sẽ không đủ kiến thức trong ngành vận tải.

Sau 3 năm, đã kết nối được hơn 60.000 chủ xe

Theo CEO LOGIVAN, giải pháp này được ra đời sau khi Linh tốt nghiệp Đại học Cambridge (Anh) và về nước làm việc trong một nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Trong thời gian làm việc, Linh nhận thấy xe tải nhà máy đi chiều về 100% trong tình trạng rỗng hàng, từ đó một ý tưởng khởi nghiệp về logistics đã nảy ra. Tuy nhiên, để ý tưởng khởi nghiệp có cơ sở chính xác hơn, Linh đã khảo sát các công ty vận tải và thấy rằng, với các tuyến ngắn, lượng xe tải rỗng chiều về lên tới 90%. Với các tuyến xa hơn, việc các lái xe tìm được hàng chiều về cũng rất khó khăn và có những thời điểm xe phải chờ đến cả tháng mới có hàng.

"Từ đó ý tưởng khởi nghiệp về một giải pháp giúp tiết kiệm và cắt giảm sự lãng phí trong ngành vận tải bắt đầu được nung nấu và thực hiện", Linh chia sẻ thêm.

Sau hơn 3 năm hoạt động, đến hiện tại LOGIVAN đã kết nối được hơn 60.000 chủ xe và 50.000 chủ hàng với hơn 100.000 đơn hàng trên hệ thống. Ngoài ra, điều tự hào nhất là việc dự án của công ty được sự công nhận của nhiều tổ chức quốc tế, bởi vì đây là vấn đề lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn xảy ra ở nhiều quốc gia khác.

Cũng theo CEO LOGIVAN, sản phẩm đã phát triển công nghệ giúp tối ưu tuyến đường vận chuyển, hướng dẫn tài xế chọn tuyến đường đi phù hợp nhất, tiết kiệm thời gian vận chuyển, tăng thu nhập lên đến 30%.

Đối với các doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ vào vận tải sẽ giúp tối ưu được nguồn nhân lực nhờ vào giảm thiểu các thao tác truyền thống. Ví dụ như việc số hóa chứng từ hóa đơn điện tử cũng làm giảm các thủ tục hành chính, chi phí in ấn cho doanh nghiệp. Cùng với tính năng theo dõi trực tiếp tuyến đường vận chuyển doanh nghiệp có thể an tâm về độ an toàn hàng hóa từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm lên đến hàng tỷ đồng trong công tác quản lý và vận hàng logistic.

Về kế hoạch sắp tới, LOGIVAN tham vọng sẽ dần thay đổi thói quen của khách hàng từ việc đặt xe vận tải theo cách truyền thống sang đặt xe thông qua ứng dụng để tiết kiệm thời gian và nhận được giá cạnh tranh.

Về mặt công nghệ LOGIVAN sẽ không ngừng tối ưu dữ liệu để liên kết càng nhiều càng tốt các chủ hàng đến các chủ xe và phát hiện ra các xe đang rỗng chiều về để tận dụng và giảm chi phí vận chuyển.

CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải - Ảnh 2.

Sau hơn 3 năm hoạt động, đến hiện tại LOGIVAN đã kết nối được hơn 60.000 chủ xe và 50.000 chủ hàng với hơn 100.000 đơn hàng trên hệ thống

Chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ dừng lại

Mặc dù Logistic là một lĩnh vực rất "chân tay", các chủ xe cũng là những người ít quan tâm và hiểu về CNTT. Vì thế, theo CEO Phạm Kháng Linh, để thuyết phục các chủ xe chuyển từ việc tìm hàng theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ, đội ngũ LOGIVAN đã gặp rất nhiều khó khăn khi hướng dẫn các tài xế tải ứng dụng. Để giải quyết các vấn đề này LOGIVAN đã phải tạo ra ứng dụng vô cùng thân thiện với người dùng với các thao tác rất đơn giản.

Bên cạnh đó là việc đào tạo đội ngũ nhân viên để tư vấn và hướng dẫn các chủ xe, tài xế khi sử dụng app và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh cho chủ xe. Rất nhiều lần, từ CEO cho đến đội ngũ LOGIVAN phải trực tiếp đến các bãi xe để giới thiệu và hướng dẫn các Bác Tài việc sử dụng ứng dụng. "Dù khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại mà ý tưởng ngày càng mãnh liệt khi thấy dữ liệu người dùng ngày một tăng, thấy những chuyến hàng thành công thông qua ứng dụng LOGIVAN", CEO Phạm Khánh Linh nói.

Chia sẻ về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình 3 năm thành lập công ty, Linh cho rằng, đó là câu chuyện những ngày đầu mới thành lập. Khi đó ứng dụng mới ra mắt chưa có người dùng, vì thế từ CEO cho đến những người đồng sáng lập phải lên khu vực gần biên giới Lạng Sơn phát tờ rơi, gặp và hướng dẫn trực tiếp các tài xế ở đây và thuyết phục họ sử dụng app. Vào thời điểm đó là dịp cận Tết Nguyên Đán năm 2018 nên việc vận chuyển hàng khá tấp nập, dẫn đến vấn đề kẹt biên đến hàng chục km, thời tiết cực lạnh và khắc nghiệt và Linh đã chứng kiến những khó khăn của các bác tài khi phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở Lạng Sơn để kiếm thêm ít tiền về quê ăn Tết.

CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải - Ảnh 3.

"Nhưng sau tất cả những khó khăn đó với sự quyết tâm và nỗ lực, Linh cùng đội ngũ của mình đã thuyết phục được 700 tài xế đầu tiên sử dụng ứng dụng. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất sau những khó khăn ban đầu sau 3 năm từ con số 700 người sử dụng đầu tiên hiện tại hệ thống đã có hơn 60,000 chủ xe sử dụng", CEO LOGIVAN chia sẻ thêm.

Cơ duyên gặp gỡ cựu CTO Uber và đồng sáng lập Paypal

Theo CEO Phạm Khánh Linh, khởi nghiệp với nữ giới bình thường đã khó khăn, thì việc khởi nghiệp trong ngành Logistics, một lĩnh vực phù hợp và thường được gắn với nam giới thì còn vất vả hơn nhiều. Đó là chưa kể đến việc còn gặp phải những định kiến cho rằng, phụ nữ thì sẽ không đủ kiến thức trong ngành vận tải.

Tuy nhiên, Linh cho rằng, điều may mắn và thuận lợi cho LOGIVAN là được sự cố vấn từ những người đi trước có chuyên môn CTO Uber Thuận Phạm hay đồng sáng lập Paypal Pete Thiel và những người đồng sáng lập cùng tham vọng, nhiệt huyết để thay đổi ngành vận tải Việt Nam.

Chưa kể đến, sự phát triển của công nghệ 4.0 và ra đời của các ứng dụng Grab, Uber đã giúp người dùng làm quen với việc đặt di chuyển, vận chuyển qua các ứng dụng công nghệ đó là những yếu tố thuận lợi cho LOGIVAN.

CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải - Ảnh 4.

Nhờ câu nói của cựu CTO Uber, CEO LOGIVAN đã đối diện và dũng cảm đối mặt với nỗi sợ của mình để xây dựng công ty vượt qua khó khăn trong 3 năm qua.

Chia sẻ về cơ duyên gặp gỡ với CTO Uber Thuận Phạm, theo CEO LOGIVAN, đó là khi giành được giải nhất của cuộc thi UberEXCHANGE - Khởi nghiệp thông minh, do Uber phối hợp với Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam tổ chức năm 2017. "Nhờ cơ hội đó mà tôi đã được sự cố vấn trực tiếp từ tổng giám đốc UBER, học hỏi được những kinh nghiệm trong việc phát triển công nghệ, cách tiếp cận thị trường và cách giải quyết những khó khăn mà UBER đã gặp phải để vận dụng vào LOGIVAN", CEO Phạm Khánh Linh nói.

CEO LOGIVAN nhớ nhất câu nói của CTO Thuận Phạm đã khuyên các bạn trẻ Việt Nam muốn khởi nghiệp: "Rào cản lớn nhất của những bạn trẻ làm khởi nghiệp ở Việt Nam có lẽ là nỗi sợ hãi. Bạn cần sự dũng cảm và dám thất bại. Nhờ câu nói này mà tôi đã đối diện và dũng cảm đối mặt với nỗi sợ của mình để xây dựng LOGIVAN vượt qua khó khăn trong 3 năm qua", Linh khẳng định.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
CEO LOGIVAN: Đã từng gặp khó vì định kiến phụ nữ sẽ không đủ kiến thức về vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO