Chấn chỉnh vi phạm đi đôi với xây dựng chính sách để báo chí phát triển

Bình Minh| 20/07/2022 20:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Đi kèm với tiêu chí nhận diện và chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hoá" tạp chí; "báo hoá" trang thông tin điện tử, mạng xã hội; biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí thì thời gian tới, Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đặt trọng tâm tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện báo chí phát triển lành mạnh.

Chấn chỉnh vi phạm đi đôi với Xây dựng chính sách để báo chí phát triển - Ảnh 1.

Nhiều lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tham gia diễn đàn chuyển đổi số báo chí năm 2022. Ảnh: Bình Minh

Theo thống kê của Cục Báo chí, hiện nay, cả nước có 815 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó 138 báo, 504 tạp chí chuyên ngành và 311 tạp chí khoa học.

Bên cạnh những mặt tích cực thì tình trạng "báo hóa" tạp chí chủ yếu xảy ra với tạp chí điện tử. Tạp chí nhưng thể hiện gây hiểu nhầm là báo.

Để nhận diện tình trạng "báo hóa" theo Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, các biểu hiện thường thấy là không tuân thủ quy định pháp luật. Nhà báo, phóng viên của tạp chí nhưng tác nghiệp ngoài phạm vi lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép. "Báo hóa" tạp chí để đăng tin "rửa nguồn" cho trang thông tin điện tử, nhưng nguồn lực hạn chế, không tự sản xuất được số lượng tin, bài lớn, dẫn đến liên kết nội dung trá hình, gây nên tình trạng tư nhân tác động, can thiệp vào hoạt động báo chí. Thậm chí, có dấu hiệu của hoạt động báo chí tư nhân thông qua việc một số cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động.

Về hình thức, tạp chí có dấu hiệu báo hóa thường trình bày gây hiểu nhầm như: Mẫu trình bày tên gọi ấn phẩm, mẫu trình bày giao diện trang chủ không ghi hoặc ghi "tạp chí" rất nhỏ gây khó khăn trong việc nhận biết hoặc gây hiểu nhầm cho bạn đọc; tên các chuyên mục thể hiện như báo: Thời sự, chính trị, điều tra theo đơn bạn đọc, phóng sự điều tra… Trong khi chuyên trang không thể hiện thuộc tạp chí mà thể hiện độc lập với tạp chí, chỉ thể hiện thuộc cơ quan chủ quản.

Về nội dung, tạp chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích như: Phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép (đơn cử, tạp chí thuộc lĩnh vực môi trường phản ánh về đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục); tạp chí khoa học nhưng có tỷ lệ thông tin phản ánh sự kiện, bề nổi nhiều hơn, chênh lệch so với thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành; tạp chí khoa học nhưng thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành hạn chế.

Về tác nghiệp, tạp chí cũng thực hiện điều tra theo đơn thư bạn đọc như báo. Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng cử phóng viên, nhà báo tác nghiệp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích thể hiện như: Điều tra theo đơn thư bạn đọc không phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích. Thêm nữa, việc cấp giấy giới thiệu, không thuộc phạm vi tôn chỉ, mục đích hoặc cấp giấy giới thiệu không ghi cụ thể nơi đến làm việc, phóng viên đề nghị cung cấp thông tin không thuộc tôn chỉ, mục đích; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà. Chưa kể, hoạt động tác nghiệp thường đi thành nhóm. một phóng viên liên hệ nhưng khi đến làm việc là cả một nhóm phóng viên thuộc nhiều tạp chí.

Về tổ chức, tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành nhưng lại mở nhiều văn phòng đại diện, có nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương. Văn phòng đại diện không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động vẫn được cơ quan báo chí thành lập. Trong khi đó, tạp chí sử dụng số lượng nhân sự không tương xứng quy mô hoạt động, tính chất của tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học. Số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí…

Để chấn chỉnh tình trạng "báo hóa" tạp chí như những nhận diện trên, theo Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Thanh Lâm, trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Bộ TT&TT sẽ ban hành Tiêu chí nhận diện "báo hoá" tạp chí, "báo hoá" trang thông tin điện tử, mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Kế hoạch chấn chỉnh, xử lý tình trạng "báo hoá" tạp chí, "báo hoá" trang thông tin điện tử, mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí. Đi kèm với đó là tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện báo chí phát triển lành mạnh.

Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, Bộ TT&TT và các Sở TT&TT đã xử phạt vi phạm về báo chí với 84 trường hợp, số tiền 2.378,7 triệu đồng. Trong đó, số tạp chí bị xử phạt: 39 trường hợp với số tiền 1.427,1 triệu đồng; đã đình bản 3 tạp chí và thu hồi thẻ nhà báo 3 trường hợp. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ TT&TT đã kết thúc 02 cuộc thanh tra; xử phạt đình bản 03 tháng đối với 01 cơ quan báo và 01 tạp chí.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh vi phạm đi đôi với xây dựng chính sách để báo chí phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO