Diễn đàn

Chiến lược “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc và tác động với khu vực ASEAN

Trần Văn Liệu 07/05/2023 08:24

Năm 2013, Trung Quốc công bố sáng kiến “Vành đai - Con đường” (The Belt and Road Initiative - BRI), đánh dấu nước này tham gia định hình luật chơi toàn cầu trong thế kỷ 21 thông qua nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng bên ngoài (Trung Quốc).

Tóm tắt:
- 4 ý nghĩa chiến lược của “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR - Digital Silk Road): (i) Tạo lợi thế cạnh tranh công nghệ; (ii) Mở rộng mô hình quản trị số Trung Quốc; (iii) Kiểm soát dữ liệu toàn cầu; (iv) Phát triển công nghệ lưỡng dụng dân sự - quân sự.

- Mỹ và phương Tây đối phó với DSR của Trung Quốc: Mỹ ngăn chặn “công nghệ Trung Quốc” từ trong nước; Mỹ củng cố “đồng minh công nghệ” cùng kiềm chế Trung Quốc.

- Ảnh hưởng DSR tại khu vực ASEAN.

Sự hình thành của chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”

Tháng 3/2015, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp ban hành “Tầm nhìn và Hành động thúc đẩy cùng xây dựng Vành đai - Con đường” (gọi tắt là sách trắng Vành đai - Con đường), kêu gọi “cùng thúc đẩy xây dựng các tuyến cáp quang xuyên biên giới và các mạng trục thông tin liên lạc, nâng cao mức độ kết nối quốc tế, thông suốt con đường tơ lụa thông tin; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cáp quang xuyên biên giới song phương, quy hoạch xây dựng các dự án cáp quang biển xuyên lục địa, cải thiện kênh thông tin không gian (kênh vệ tinh), mở rộng hợp tác và trao đổi thông tin”. Đây là lần đầu tiên khái niệm “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR - Digital Silk Road) được đề cập.

Tháng 3/2015, báo Tân Hoa Xã tóm tắt mục đích xây dựng DSR gồm: Cải thiện kết nối khu vực và quốc tế trên năm khía cạnh là cơ sở hạ tầng, thương mại, tài chính, chính sách và “lòng dân”; Thúc đẩy đổi mới các ngành công nghiệp và việc làm truyền thống ở các nước dọc BRI bằng việc mở cửa thị trường số Trung Quốc; Tối ưu hóa phân bố nền công nghiệp khu vực, xây dựng cộng đồng khu vực chung lợi ích để tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Giai đoạn đầu, DSR được xem như là định hướng về việc đưa công nghệ tiên tiến trong nước (Trung Quốc) trong triển khai sáng kiến BRI.

Trong bài phát biểu vào tháng 5 năm 2017 tại lễ khai mạc Diễn đàn BRI ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Chúng ta nên theo đuổi sự phát triển dựa trên đổi mới và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tiên phong như kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và điện toán lượng tử; thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu lớn, điện toán đám mây và thành phố thông minh để biến chúng thành con đường tơ lụa kỹ thuật số”.

Tháng 12/2017, tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ 4 (tổ chức tại Ô Trấn, Thượng Hải), Trung Quốc lần đầu công bố chiến lược DSR ra thế giới. Cũng tại hội nghị này, các nước Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Lào, Serbia, các Tiểu vương quốc Ả Rập… cùng ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về DSR để “cùng nhau mở rộng mạng lưới băng thông rộng, thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích hợp tác thương mại điện tử, hoạch định các chính sách nhằm tạo ra một nền kinh tế số minh bạch, thúc đẩy hợp tác tiêu chuẩn hóa quốc tế”. Thời điểm này, quốc tế chưa chú ý nhiều đến DSR, cho rằng nó tương đối “mơ hồ” vì nội hàm chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể các dự án cần triển khai và vai trò của chính phủ Trung Quốc là gì.

Ý nghĩa chiến lược của DSR đối với Trung Quốc

DSR cung cấp tùy chọn chi phí thấp để triển khai các dự án công nghệ, nên nó được nhiều nước, trong đó có các quốc gia phát triển đón nhận. Trung Quốc đã nắm bắt lợi thế cạnh tranh của mình trong lĩnh vực công nghệ như một cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp Mỹ. Việc xây dựng DSR tương thích với các kế hoạch như “Made in China 2025” (năm 2015), “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (năm 2020), “Xây dựng cơ sở hạ tầng mới” (năm 2020), đã nâng cao năng lực cạnh tranh công nghệ của nước này trên phạm vi toàn cầu.

DSR thường tập trung vào các bên tham gia BRI và các nền kinh tế đang phát triển, nhưng phạm vi tiếp cận của DSR không giới hạn. Thông qua hợp tác công nghệ, DSR tạo ra một thế giới số hóa hơn nữa trải dài từ Serbia đến Mexico và Myanmar. Một thế giới số hóa không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty mà còn cả chính phủ Trung Quốc.

Đến năm 2020, DSR đã trở thành một trong những ưu tiên trong chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc. Theo dự báo, đến năm 2030, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ cần khoảng 26 nghìn tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khoản vay của Trung Quốc là một trong những lựa chọn tốt nhất để các nước đang phát triển cải thiện thành công cơ sở hạ tầng công nghệ của mình.

Theo giới phân tích, DSR đem lại cho Trung Quốc bốn ý nghĩa chiến lược.

Một là, tạo lợi thế cạnh tranh công nghệ: DSR tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các công nghệ thế hệ tiếp theo như AI, robot, IoT, blockchain... Việc thiết lập các tiêu chuẩn sẽ mang lại lợi thế chiến lược đáng kể cho Trung Quốc trong tương lai. DSR giúp các công ty công nghệ Trung Quốc nhận được tài trợ từ chính phủ, từ đó cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá thành thấp hơn hoặc được chính phủ hậu thuẫn trong các thương vụ M&A.

Hai là, mở rộng mô hình quản trị số Trung Quốc: Trung Quốc có quan điểm quản trị kỹ thuật số rất chặt chẽ, thực thi các hạn chế nghiêm ngặt đối với không gian mạng trong nước, khác với quan điểm tự do của phương Tây. Do đó, các nước khi hợp tác công nghệ với Trung Quốc sẽ sao chép mô hình quản lý của nước này như “địa phương hóa lưu trữ dữ liệu”, “chấm điểm công dân”, “Internet và giám sát”. Việc Trung Quốc triển khai càng nhiều nền tảng công nghệ ra thế giới thì nước này càng củng cố hơn nữa vị trí của mình trong trật tự kỹ thuật số toàn cầu.

Ba là, kiểm soát dữ liệu toàn cầu: Dữ liệu được coi là “yếu tố sản xuất mới” của nền sản xuất. Các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường “tích tụ” dữ liệu toàn cầu, tương tự như dầu mỏ, than đá, kim loại của thời kỳ trước. Đây được coi là “con bài” có giá trị lớn, ảnh hưởng đến phát triển toàn cầu trong tương lai.

Bốn là, phát triển công nghệ lưỡng dụng dân sự - quân sự: DSR liên quan nhiều đến các lĩnh vực công nghệ có tính lưỡng dụng, nhất là công nghệ AI, điện toán đám mây, giao tiếp giữa người - máy, cảm biến, xe không người lái, thị giác máy tính, Trung Quốc có thể tận dụng điều này để tạo ra lợi thế trước các đối thủ, đặc biệt là Mỹ.

untitled.jpg

Mỹ và phương Tây đối phó với DSR của Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận rằng Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới mà nước này có thể phát huy sức mạnh địa chính trị của mình. Khi Trung Quốc vươn lên như một siêu cường toàn cầu và có khả năng trở thành bá chủ khu vực, không thể tránh khỏi sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Không quốc gia nào coi đối đầu trực tiếp, đặc biệt là đối đầu quân sự là lựa chọn tối ưu. Do đó, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ.

Những kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ của Trung Quốc trong đó có DSR, bên cạnh mục tiêu nâng cao khả năng đổi mới công nghệ, sản xuất và tiêu thụ trong nước, còn giúp nước này thực hiện tham vọng về một trật tự kỹ thuật số mới lấy Trung Quốc làm trung tâm. Trong nhiều thập kỷ qua, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ về kinh tế, công nghệ đã mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, hiện nay hai bên ngày càng coi nhau là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp và toàn diện, trong đó có chiếm lĩnh ưu thế công nghệ.

Giới chính trị phương Tây đánh giá, DSR của Trung Quốc là một giải pháp hấp dẫn đối với các quốc gia đang tìm cách tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ. Trái lại, với tầm ảnh hưởng có phần đi xuống của phương Tây dọc theo BRI, thì sự mở rộng các dự án BRI, trong đó có DSR, là mối đe dọa lớn nhất đến lợi ích của phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong “Chiến lược an ninh quốc gia 2017”, Mỹ coi năng lực công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế, an ninh và quân sự của nước này. Trong báo cáo “Đánh giá mối đe dọa thường niên của cộng đồng tình báo Mỹ” công bố tháng 4/2021, Mỹ coi Trung Quốc đang dần trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng, thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, quân sự và công nghệ. Theo đó, Mỹ điều chỉnh chính sách, gia tăng phối hợp với các đồng minh trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ ngăn chặn “công nghệ Trung Quốc” từ trong nước: Tháng 8/2018, Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019, theo đó các sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE bị cấm sử dụng trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu của Mỹ, bắt đầu cuộc chiến công nghệ toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tháng 5/2019, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh tuyên bố cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị được sản xuất bởi những công ty đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, theo đó hơn 140 công ty, chi nhánh ở nhiều quốc gia của các công ty công nghệ Trung Quốc bị liệt vào “Danh sách thực thể không tin cậy”.

Tháng 8/2020, Mỹ khởi động Chương trình mạng sạch (Clean Network Program), lôi kéo nhiều nước và các công ty công nghệ toàn cầu tham gia nhằm tạo hiệu ứng “tẩy chay” sản phẩm, ứng dụng, công nghệ Trung Quốc.

Tháng 6/2021, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Đổi mới và cạnh tranh Mỹ năm 2021, cho phép cấp ngân sách 190 tỷ USD để tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Mỹ, củng cố khả năng cạnh tranh, không để Trung Quốc vượt trong cuộc đua công nghệ.

Mỹ củng cố “đồng minh công nghệ” cùng kiềm chế Trung Quốc: Năm 2018, Mỹ đề xuất chương trình “Đối tác kết nối số và An ninh mạng (Digital Connectivity and Cybersecurity Partnership - DCCP)” thuộc khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tổ chức đối thoại về chính sách không gian mạng, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nước, trong đó có các quốc gia ASEAN, nhằm tăng khả năng của Mỹ trong định hình tương lai kỹ thuật số ở các nước đang phát triển.

Năm 2019, Mỹ đề xuất cơ chế “Hành động đa phương về công nghệ nhạy cảm (MAST)”, hợp tác cùng 15 nước có nền công nghiệp phát triển, để áp đặt các hạn chế đối với các công ty công nghệ Trung Quốc.

Tháng 5/2019, 32 quốc gia từ Bắc Mỹ, châu Á, Tây và Đông Âu, Úc và Israel đã tổ chức hội nghị bảo mật 5G tại Praha, Séc (ngoại trừ chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc, Nga), “Đề xuất Praha” được thông qua tại hội nghị ngụ ý rằng các doanh nghiệp và thiết bị Trung Quốc gây ra rủi ro an ninh quốc gia.

Tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2021, G7 đưa ra sáng kiến “Đối tác vì Cơ sở hạ tầng Toàn cầu” (B3W) do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhằm mục đích tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và công nghệ ở các nước đang phát triển như một giải pháp thay thế cho sáng kiến BRI. B3W đặt mục tiêu thu hút 40 tỷ USD tài trợ từ khu vực tư nhân vào năm 2035 để đầu tư vào các dự án tuân theo các tiêu chuẩn cao về môi trường và công bằng. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, sáng kiến B3W chỉ đạt được tiến bộ nhỏ trong việc thu hút đầu tư. Các chuyên gia cũng nhận định, thực chất B3W là “nhằm bắt các quốc gia lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Kể từ năm 2018 đến nay, hoạt động kiềm chế của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc đã tác động không nhỏ đến chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Huawei bị ảnh hưởng lớn nhất, năm 2020 doanh thu chỉ tăng 3,8% (thấp hơn nhiều so với 19% của năm 2019), trong đó 65% là nguồn thu trong nước, mảng smartphone từ vị trí thứ 2 tụt xuống vị trí thứ 6 thế giới, mảng viễn thông chỉ tăng 0,2%.

Các công ty như Tencent, ByteDance, ZTE, Xiaomi... cũng trải qua thời kỳ khó khăn tại thị trường Mỹ và một số nước. Một số công ty công nghệ Mỹ và châu Âu đã rút dây truyền sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc, chuyển sang các nước khu vực Đông Nam Á hoặc Ấn Độ để loại bỏ nhãn mác nguồn gốc sản xuất Trung Quốc.

1(1).jpg

Ảnh hưởng DSR tại khu vực ASEAN

Sự trưởng thành của nền kinh tế kỹ thuật số trong nước của Trung Quốc dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn, các công ty công nghệ Trung Quốc coi DSR là cơ hội để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính và chính trị từ chính phủ nước này nhằm thâm nhập các thị trường mới, trong đó có thị trường ASEAN.

Để tạo điều kiện phối hợp chính sách liên quan đến DSR, Trung Quốc và các nước đối tác ASEAN phát triển các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và song phương bằng cách tổ chức các cuộc họp, đàm phán biên bản ghi nhớ (MoU). Ngay từ năm 2014, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) của Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước láng giềng, trong đó đề xuất các tiêu chuẩn cho đường cao tốc thông tin giữa Trung Quốc và ASEAN.

Năm 2016, Trung Quốc đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng Cảng thông tin Trung Quốc - ASEAN, tiếp theo là Kế hoạch tổng thể Cảng thông tin Trung Quốc - ASEAN (Khu vực thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (năm 2019).

Gần đây, DSR gần như đã được lồng ghép hoàn toàn vào các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN. Trung Quốc cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với nhiều quốc gia thành viên ASEAN để tạo điều kiện hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tháng 5 năm 2018 tại Jakarta, Trung Quốc đã tổ chức Đối thoại Hợp tác Thương mại Điện tử Con đường Tơ lụa với các nước ASEAN. Tuy nhiên, hiện nay, sự phối hợp chính sách chủ yếu diễn ra song phương và khu vực ở cấp chính phủ quốc gia, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân vẫn còn khá hạn chế.

Chính phủ Trung Quốc đã tài trợ và triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số xuyên biên giới và đa phương theo DSR; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hơn 30 tuyến cáp đất liền xuyên biên giới và hơn 10 tuyến cáp ngầm quốc tế. Các dự án cáp ngầm này, nằm ở Philippines và Indonesia, nhằm mục đích tích hợp các hòn đảo bị chia cắt về mặt địa lý thông qua các kết nối kỹ thuật số. Dự án cáp quang xuyên biên giới Trung Quốc - Myanmar để truyền dữ liệu cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể.

Từ năm 2013-2017, dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc chảy vào ASEAN cho các dịch vụ truyền dữ liệu, phần mềm và công nghệ thông tin đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 70%. Các công ty tư nhân của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei, Alibaba và SenseTime, đang đi đầu trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và đặt các trung tâm kinh doanh trên khắp Đông Nam Á, ví dụ:

Thái Lan: Vào năm 2017, Huawei đã thành lập OpenLab tại trụ sở khu vực của mình ở Bangkok như một phần của sáng kiến “Thái Lan 4.0”. OpenLab cung cấp tài nguyên trung tâm dữ liệu cho IoT, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, cùng với một nền tảng mở giúp thử nghiệm các giải pháp và tăng tốc đổi mới, đồng thời cung cấp dịch vụ đào tạo ICT cho khách hàng và doanh nhân ở Thái Lan.

Huawei cũng đã ra mắt mạng thử nghiệm 5G đầu tiên tại Thái Lan vào tháng 2 năm 2020. Ngoài ra, công ty cùng với các công ty công nghệ như Alibaba, JD.com và Tencent, đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông (ECC) của Thái Lan. Về mảng tài chính, Ant Financial đã đầu tư vào Ascend Money.

Tại Malaysia: Alibaba Holding Ltd đã phát triển thành phố thông minh ở Malaysia. Kuala Lumpur đã trở thành thành phố đầu tiên bên ngoài Trung Quốc áp dụng hệ thống thành phố thông minh của AliCloud. Đây là một hệ thống hỗ trợ AI tích hợp sử dụng nền tảng điện toán đám mây Apsara của Alibaba (AliCloud) để tiến hành thu thập dữ liệu theo thời gian thực và tích hợp dữ liệu giao thông và phản hồi khẩn cấp từ hàng trăm camera giao thông và các nguồn khác.

Trong khi đó, SenseTime giúp các công ty công nghệ Malaysia phát triển robot và hệ thống nhận dạng giọng nói, đồng thời bồi dưỡng nhân tài công nghệ. Malaysia là quốc gia đầu tiên đăng cai Nền tảng Thương mại Thế giới Điện tử (eWTP) do Alibaba triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại toàn cầu.

Tại Indonesia: Khía cạnh chính của DSR ở Indonesia là sự thâm nhập đầu tư của các công ty điện thoại thông minh, cơ sở hạ tầng công nghệ và thương mại điện tử. Sự mở rộng công nghệ của Trung Quốc được Indonesia hoan nghênh. Huawei đã ký hợp đồng với Indosat Ooredoo, công ty viễn thông lớn thứ hai của Indonesia, để lắp đặt cơ sở hạ tầng 5G ở một số khu vực của Indonesia, cùng với việc cung cấp đào tạo công nghệ 5G cho 100.000 người bản địa.

Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada, công ty hàng đầu về thương mại điện tử của Indonesia. Alibaba cũng đã đầu tư thêm vào ba trong số các công ty thương mại điện tử lớn khác là Bukalapak, DANA và Tokopedia, trong nỗ lực nhằm đảm bảo sự thống trị tại thị trường Indonesia trước bất kỳ trước các đối thủ phương Tây như Amazon.

Ngoài việc đầu tư vào thị trường thương mại điện tử đang phát triển của Indonesia, DSR của Trung Quốc tại Indonesia còn tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến 5G. Việc thành lập các trung tâm dữ liệu ở Indonesia cũng là một phần của DSR tại Quần đảo, với Tencent Cloud và Alibaba Cloud dẫn đầu lĩnh vực này. Chính phủ của Tổng thống Joko Widodo coi sự hợp tác giữa Huawei và ngành công nghệ, chính phủ và các trường đại học của Indonesia là trọng tâm để đạt được mục tiêu tạo ra một nền kinh tế sáng tạo và kỹ thuật số vào năm 2035 và một quốc gia “phát triển hơn” vào năm 2045.

Tại Myanmar: Bộ Giao thông và Truyền thông của nước này đã hợp tác với Huawei để phát triển dịch vụ băng thông rộng 5G từ năm 2018. Tại Myanmar, WeChat đã giúp thiết lập mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người mua, đồng thời tỏ ra đặc biệt phổ biến với những người buôn bán nông sản và tài nguyên thiên nhiên.

Tại Philippines: PayMaya, một ứng dụng thanh toán trực tuyến, cũng đã nhận được khoản đầu tư 120.000.000 USD từ chi nhánh khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ châu Á mới nổi của IFC và Tencent Holdings để mở rộng các dịch vụ tài chính trực tuyến và di động. Tháng 5 năm 2021, China Energy cũng đã ký Hợp đồng tháp di động chung của Philippines để xây dựng 1.000 tháp di động ở nước này.

Tại Singapore: Huawei đã ra mắt Phòng thí nghiệm Đổi mới AI vào tháng 4 năm 2019, như một phần của Chiến lược Quốc gia Thông minh của Singapore. Huawei cũng hợp tác với Trung tâm Phân tích Kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore (NUS BAC) để “nuôi dưỡng nhân tài và nâng cao kỹ năng cho sinh viên nhằm giúp Singapore lấp đầy khoảng trống nhân tài trong lĩnh vực công nghệ”.

Năm 2022, hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc tập trung vào các lĩnh vực như điều phối chính sách an ninh mạng, xây dựng cơ sở hạ tầng và chống tội phạm mạng; thể hiện xu hướng hợp tác ngày càng sâu rộng.

Đầu năm 2022, “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) có hiệu lực, tạo cơ sở để ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quản trị không gian mạng, thúc đẩy hơn nữa việc triển khai DSR tại khu vực ASEAN.

Ngày 28/1/2022, Hội nghị Bộ trưởng kỹ thuật số ASEAN - Trung Quốc lần thứ hai đã thông qua “Kế hoạch Hành động Thực hiện Quan hệ Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số ASEAN - Trung Quốc 2021-2025” và “Kế hoạch Hợp tác Kỹ thuật số ASEAN - Trung Quốc năm 2022”. Hai bên đã đạt được sự đồng thuận về tăng cường kết nối chính sách kỹ thuật số, công nghệ mới nổi, ứng dụng sáng tạo của công nghệ số, an ninh kỹ thuật số v.v..

Về xây dựng cơ sở hạ tầng, việc phát triển “Cổng thông tin ASEAN - Trung Quốc” đã đạt được những kết quả khả quan; thành lập các trung tâm đổi mới công nghệ như Trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo ASEAN - Trung Quốc (Huawei), Trung tâm đổi mới chuỗi khối ASEAN - Trung Quốc v.v..; xây dựng các trung tâm điện toán đám mây tại Lào, Campuchia, Myanmar; hình thành đầu mối thông tin hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây).

Để đối phó, Mỹ liên tục tăng cường triển khai các chương trình hợp tác Mỹ - ASEAN như: Chương trình “Chuỗi hoạt động kinh tế số”, thuộc khuôn khổ Khung kết nối Mỹ - ASEAN; thành lập “Đối tác Mỹ - ASEAN về các thành phố thông minh, (USASCP)” nhằm kết nối các thành phố của Mỹ với Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; tổ chức “Đối thoại chính sách mạng ASEAN - Mỹ” (ASEAN - USCyber Policy Dialogue) thường niên.

Trong triển khai chính sách tại ASEAN, Mỹ coi Singapore là đầu mối để lan tỏa ảnh hưởng kỹ thuật số tới các nước trong khu vực; coi Nhật Bản là đối tác chính để phối hợp kiềm chế DSR của Trung Quốc ở khu vực ASEAN bên cạnh các đồng minh khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc.

Đối với Liên minh châu Âu, hiện nay đang tích cực thiết lập các quy tắc luồng dữ liệu toàn cầu. “Kế hoạch tổng thể kỹ thuật số ASEAN năm 2025” (ASEAN Digital Masterplan 2025) đề xuất đảm bảo khả năng tương tác giữa các quy tắc quyền riêng tư xuyên biên giới của APEC và Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU để hai khu vực có thể chia sẻ dữ liệu một cách tự do.

Ngày 21/3/2022, Liên minh châu Âu đã đàm phán với Ấn Độ, Singapore và một số quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để xây dựng một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu toàn cầu; mục đích liên kết các khuôn khổ bảo mật dữ liệu của châu Âu và châu Á thông qua các nguyên tắc chung, từ đó đặt nền móng cho một trật tự kỹ thuật số mới. Đồng thời, EU thông qua dự án “Tăng cường hợp tác an ninh trong và với châu Á” (ESIWA) nhằm triển khai hợp tác quản trị không gian mạng với Ấn Độ, Việt Nam và các nước ASEAN khác.

Có thể thấy, bằng cách tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thương mại điện tử và các lĩnh vực khác, DSR có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến tương lai việc làm trong khu vực ASEAN. DSR kết nối ASEAN với thị trường khổng lồ Trung Quốc, cũng tạo các chuỗi giá trị mới cho các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, sự gia tăng các hoạt động DSR cũng sẽ mang lại các luồng dữ liệu xuyên biên giới thường xuyên hơn, đặt ra những thách thức chính sách mới trong các lĩnh vực quyền riêng tư, bảo mật, cạnh tranh và thuế. Điều này sẽ yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN để cùng nhau hợp tác về mặt pháp lý liên quan đến truyền dữ liệu xuyên biên giới, cơ chế giải quyết tranh chấp, cảnh báo rủi ro và an ninh mạng cũng như thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Việc Mỹ không tham gia sâu vào các hiệp định thương mại khu vực, tạo cơ hội để Trung Quốc ảnh hưởng nhiều hơn vào việc định hình kỹ thuật số ASEAN, do đó các nước ASEAN cũng có những lo ngại về việc phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ Trung Quốc./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc và tác động với khu vực ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO