Chiến lược phát triển Nông thôn số của Trung Quốc và khuyến nghị đối với Việt Nam
Tháng 5/2019, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Cương lĩnh phát triển Chiến lược Nông thôn số Trung Quốc”.
Tóm tắt:
* Mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược phát triển Nông thôn số của Trung Quốc
- 3 Mục tiêu.
- 10 nhiệm vụ: (i) Thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nông thôn; (ii) Phát triển
kinh tế số nông thôn; (iii) Cung cấp các ý tưởng sáng tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; (iv) Xây dựng nông
thôn xanh, nông thôn thông minh; (v) Phát triển mạng lưới văn hóa ở nông thôn; (vi) Hiện đại hóa công tác quản
lý, điều hành ở nông thôn; (vii) Giảm nghèo thông tin cho người dân; (viii) Phát huy nội lực của chấn hưng nông
thôn; (ix) Internet với hoạt động xoá đói, giảm nghèo; (x) Rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.
* Khuyến nghị đối với Việt Nam.
Nông thôn số được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng Quốc gia số của Trung Quốc, đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ, tạo động lực phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn hiện đại.
Đẩy nhanh số hóa và giải phóng sức lao động, chú trọng xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế nông thôn, hợp nhất cơ sở dữ liệu với những kiến thức mới, những ý tưởng sáng tạo mới nhất về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Xây dựng thể chế kinh tế nông thôn hiện đại; chú trọng nâng cao kết cấu hạ tầng tối ưu hóa; chú trọng xây dựng và đổi mới mô hình quản trị, hệ thống quản lý, điều hành hiện đại, thông minh ở nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển kết nối xuyên suốt giữa nông thôn và thành thị.
Nông thôn số được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng Quốc gia số của Trung Quốc, đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ, tạo động lực phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn hiện đại.
Mục tiêu Chiến lược phát triển Nông thôn số của Trung Quốc
- Đến năm 2025, công cuộc xây dựng và phát triển Nông thôn số có những dấu mốc quan trọng: sóng 4G và các ứng dụng 5G được phủ cập rộng khắp ở nông thôn; rút ngắn “khoảng cách số” giữa thành thị và nông thôn.
- Đến năm 2035, công cuộc xây dựng và phát triển Nông thôn số có những bước tiến ổn định và lâu dài; rút ngắn hẳn “khoảng cách số” giữa thành thị và nông thôn; năng lực và nhận thức của người dân về chuyển đổi số được nâng cao rõ rệt.
- Đến những năm giữa thế kỷ XXI, hoàn thiện công cuộc xây dựng và phát triển Nông thôn số, góp phần thúc đẩy toàn diện chấn hưng nông thôn, đạt được mục tiêu “Nông thôn vững mạnh, nông thôn xanh, nông thôn giàu có”.
Nhiệm vụ chính của Chiến lược phát triển Nông thôn số của Trung Quốc
i) Thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) ở nông thôn
Nâng cao chất lượng mạng Internet ở nông thôn; củng cố cơ sở hạ tầng dùng chung; đẩy nhanh tốc độ phát triển hệ thống Internet băng thông rộng, mạng di động, mạng Internet ở nông thôn [1].
Hoàn thiện chất lượng dịch vụ cung ứng các thiết bị đầu cuối. Khuyến khích chế tạo và sản xuất các nền tảng Internet di động, sản phẩm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, các thiết bị đầu cuối phù hợp với “Tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) đến từng ngõ, xóm, thôn, bản và từng hộ gia đình, thành một hệ thống cung cấp dịch vụ tổng hợp cho nông thôn.
ii) Phát triển kinh tế số nông thôn
Hoàn thiện bản đồ viễn thám giám sát tài nguyên, môi trường cùng với nền tảng giám sát, quản lý tổng hợp để tiến hành hoạt động giám sát động đối với đất nông nghiệp. Thiết lập và xây dựng các thiết bị vệ tinh viễn thám; phát triển hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu và các ứng dụng phân tích, quan trắc môi trường đất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thiết lập trung tâm dữ liệu nông nghiệp, nông thôn và hệ thống dữ liệu các đơn vị cung ứng nông sản tạo cơ sở dữ liệu dùng chung của nông nghiệp, nông thôn [2].
Thúc đẩy chuyển đổi mô hình nông nghiệp số, đưa vào vận hành và sử dụng điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình sản xuất nông nghiệp [3].
Tăng cường sử dụng các ứng dụng kỹ thuật mới về chăn nuôi, đánh bắt, trồng trọt, gia công nông sản, tạo môi trường chăn nuôi thông minh, thúc đẩy việc số hóa nông nghiệp [4].
Phổ cập rộng khắp các điểm bưu điện xã và điểm giao, nhận, trung chuyển hàng hóa; xây dựng chuỗi trung tâm điều phối hàng hóa, kho vận thông minh. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở nông thôn, xây dựng những thương hiệu nông sản uy tín trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Xây dựng các chuỗi cung ứng xanh, áp dụng AI, dữ liệu lớn trong các cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở nông thôn [5].
iii) Cung cấp các ý tưởng sáng tạo khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới
Tăng cường sử dụng các thiết bị nông nghiệp thông minh; ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất các thiết bị nông nghiệp, chế tạo và sản xuất các thiết bị nông nghiệp thông minh [6].
Thiết lập các cửa hàng giao dịch, trao đổi các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử. Hoàn thiện hệ thống tư vấn, hỗ trợ, cung cấp thông tin trực tuyến về các ứng dụng khoa học, kỹ thuật nông nghiệp, để người dân có thể được tư vấn và giải đáp những thắc mắc từ các chuyên gia qua hệ thống này.
iv) Xây dựng nông thôn xanh, nông thôn thông minh
Khuyến khích nông dân sử dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp xanh, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong nông nghiệp.
Thiết lập hệ thống quản lý giám sát điện tử để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của nông sản; tăng cường sử dụng các mô hình ứng dụng IoT trong nông nghiệp, thực hiện quan trắc độ ẩm của đất để dễ dàng cảnh báo nông dân sử dụng nước tiết kiệm [7].
Xây dựng các khu sản xuất, nuôi trồng xanh, hiện đại nhằm phát triển nông nghiệp xanh.
Áp dụng chuyển đổi số trong việc nâng cao trình độ quản lý, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn; thiết lập hệ thống quan trắc hệ sinh thái nông nghiệp, nông thôn toàn quốc nhằm quản lý hệ thống dữ liệu môi trường [8].
v) Phát triển mạng lưới văn hóa ở nông thôn
Xây dựng mạng lưới các thiết chế văn hóa nông thôn; tuyên truyền, giáo dục bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tư tưởng đạo đức của chủ nghĩa xã hội thông qua mạng Internet; thiết lập các điểm giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử truyền thống nông thôn; sử dụng các thiết bị ứng dụng CNTT tại các xóm, làng, thôn, bản.
Xây dựng các trung tâm truyền thông đa phương tiện cấp huyện [9]; sử dụng công nghệ phát thanh, truyền hình số và các thiết bị truyền thanh thông minh ở nông thôn.
Số hóa dữ liệu về văn hóa, lịch sử, truyền thống đưa vào “kho dữ liệu văn hóa số” và “bảo tàng số” của nông thôn, nhằm bảo vệ và lưu truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp cho các thế hệ sau [10].
Khuyến khích sáng tác các nội dung văn hóa lấy chủ đề liên quan đến “Tam nông” để tuyên truyền và khơi dậy niềm tự hào dân tộc đến người dân nông thôn. Tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về chính sách dân tộc, tôn giáo, lên án hành động sai trái của các thế lực thù địch, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, những tư tưởng, văn hóa tiêu cực thông qua mạng lưới thiết chế văn hóa ở nông thôn [11].
vi) Hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành ở nông thôn
Thúc đẩy chiến lược “Internet với công tác xây dựng Đảng”; hoàn thiện hệ thống thông tin liên quan đến công tác xây dựng Đảng được phân cấp ở nông thôn; tối ưu hóa và nâng cấp công tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trên toàn quốc thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến.
Công khai các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền và công tác tài chính trên mạng nhằm tạo được lòng tin từ người dân [12].
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương theo tiêu chuẩn hiện đại hóa. Xây dựng các mô hình chính quyền nông thôn kiểu mẫu, triển khai các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và giáo dục người dân bằng hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh và phát huy vai trò của “Internet với cộng đồng” ở nông thôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ cộng đồng ở nông thôn thông qua việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin [13].
Thiết lập và quy hoạch hệ thống dữ liệu, thông tin nông thôn phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền nông thôn. Thúc đẩy “Internet với các dịch vụ công”, giảm bớt các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, với mô hình “xử lý không chạm mặt” đối với các dịch vụ công [14].
vii) Giảm nghèo thông tin cho người dân
Lắp đặt Internet băng thông rộng cho những trường học quy mô nhỏ và trường học nội trú ở những thôn, bản vùng núi xa xôi. Đẩy mạnh chiến lược “Internet với giáo dục”; trao đổi đội ngũ giáo viên phổ thông ở thành phố về nông thôn công tác, giúp học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận đầy đủ các kiến thức phổ thông.
Đảm bảo dịch vụ cung cấp thông tin cho người dân thông qua công tác bảo trợ xã hội đến từng thôn, xóm của nông thôn; thiết lập những hệ thống trợ giúp xã hội trực tuyến.
viii) Phát huy nội lực của chấn hưng nông thôn
Hỗ trợ việc thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với các hợp tác xã và người dân nông thôn trên môi trường mạng.
Đẩy mạnh và khuyến khích việc người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
ix) Internet với hoạt động xoá đói, giảm nghèo Phát triển theo chiều sâu các hoạt động hỗ trợ xoá đói, giảm nghèo qua mạng; hỗ trợ người dân định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm trực tuyến; sử dụng big data để hỗ trợ các cán bộ làm công tác xoá đói, giảm nghèo theo dõi, phân tích, củng cố các hoạt động xoá đói, giảm nghèo.
Phát huy hiệu quả vai trò của Internet với hoạt động xoá đói, giảm nghèo, giảm thiểu các hoạt động tiêu cực trong công tác xoá đói, giảm nghèo. Duy trì những chính sách ổn định để mở rộng hoạt động xoá đói, giảm nghèo qua mạng, nâng cao kỹ năng cho các hộ nghèo, các nhóm người nghèo, tạo niềm tin để phát huy nội lực, cố gắng lao động sản xuất, tạo nên nhiều giá trị lao động.
x) Rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn
Đẩy mạnh xây dựng các hạ tầng số, không gian sinh thái số ở nông thôn đồng bộ với xây dựng đô thị thông minh. Hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối từ thành thị tới nông thôn để thuận tiện cho việc học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển.
Khuyến khích sử dụng và chia sẻ nguồn dữ liệu chung của quốc gia; thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu dùng chung đến tận làng, xóm, thôn, bản, nhằm thúc đẩy sự trao đổi và kết nối giữa nông thôn và thành thị, nông thôn với thế giới.
Khuyến nghị đối với Việt Nam
Một là, Việt Nam đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu những nội dung cơ bản trong Chiến lược phát triển Nông thôn số của Trung Quốc để tham mưu, đề xuất lãnh đạo chính quyền địa phương có thể tham khảo, vận dụng những nội dung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở nông thôn, xây dựng hạ tầng số nông thôn, phát triển kinh tế số nông thôn, góp phần rút ngắn “khoảng cách số” giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền của đất nước.
Hai là, đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, các cơ quan quản lý ở Trung ương và các tỉnh, thành phố có thể nghiên cứu, tham khảo mô hình hoạt động của Trung tâm truyền thông đa phương tiện cấp huyện của Trung Quốc là kinh nghiệm hữu ích trong việc tổ chức chuyển đổi hoạt động của đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện sang mô hình hoạt động truyền thông đa phương tiện từ nay đến năm 2025 theo định hướng Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin.
Tài liệu tham khảo
[1] Tính đến tháng 8/2022, 100% đơn vị hành chính cấp xã được kết nối Internet, cáp quang; tỷ lệ bình quân sử dụng 4G đạt 99%. Cả nước đã xây dựng được 1.968.000 trạm 5G; tỷ lệ phủ sóng đến tận thôn, bản, làng, xóm đạt 96%.
[2] Trên cơ sở dữ liệu Big data về giống cây trồng, thiết lập và vận hành kho dữ liệu DNA thực vật đầu tiên trên thế giới; thiết lập nền tảng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về nông nghiệp và hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc cây trồng trực tuyến quốc gia.
[3] Tính đến tháng 8/2022, trên cả nước tỷ lệ số hóa thông tin về đất trồng đạt 21,8%; tỷ lệ số hóa thông tin về hạ tầng canh tác đạt 25,3%; tỷ lệ số hóa thông tin về chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 34%; tỷ lệ số hóa thông tin về vật nuôi dưới nước đạt 16,6%.
[4] Các mô hình nông trại không người hoặc ít người được áp dụng phổ biến và đạt được những hiệu quả nhất định tại các địa bàn như: Vùng khô hạn miền Bắc, Phật Sơn (Quảng Đông), Minh Hưng An (Khu tự trị Nội Mông), An Huy...; thí điểm mô hình sản xuất cây trồng, chăn nuôi khép kín số hóa thông minh với 13 công đoạn; áp dụng công nghệ để đánh giá chất lượng đất, kiểm soát lượng nước, dự báo nguy hại cho cây trồng, vật nuôi, chọn lọc sản phẩm đầu ra, định lượng phân bón, nước... Kết quả thực tế cho thấy, mô hình này đã được áp dụng tại 150.000 mẫu đất ruộng, sản lượng sản xuất cây trồng tăng 32,5%, giảm 16,8% lượng phân bón hóa học và 38% thuốc bảo vệ thực vật; doanh thu bình quân từ 1 mẫu đất tăng hơn 500 NDT, năng suất lao động của người lao động tăng 30%. Chi phí thuê nhân công giảm trên 15%; chi phí đóng gói, vận chuyển thành phẩm giảm 20%.
[5] Các dự án thí điểm của các sàn thương mại điện tử hỗ trợ nông thôn đã triển khai tại 1.489 huyện. Các sàn thương mại điện tử xây dựng hơn 2.600 điểm giao dịch, cung cấp dịch vụ và trung tâm điều phối giao hàng tại các huyện trên cả nước. Tính đến tháng 8/2022, lượng hàng hóa được chuyển đến khu vực nông thôn thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 37 tỷ kiện. Các sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của người dân khu vực khó khăn để tránh các hoạt động đầu cơ, tính đến thời điểm năm 2022, đã có hơn 20.000 hộ cung ứng từ những khu vực khó khăn thông qua 832 nền tảng, giá trị giao dịch đạt hơn 13,65 tỷ NDT, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
[6] Số lượng thiết bị định vị vệ tinh Bắc Đẩu được sử dụng tại các nông trại trên cả nước hơn 8.300 bộ; diện tích đất được định vị hơn 60 triệu mẫu. Nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy kéo 5G chạy bằng pin nhiên liệu khí hydro đầu tiên trong nước; máy gặt đập liên hợp năng suất 8 - 12kg/giây; máy kéo điện không người lái... Nâng cấp tính năng của máy nông nghiệp tự động lái có thể tự động tránh chướng ngại vật, tự động dừng, chủ động di chuyển trên cung đường quy định.
[7]. Tính đến tháng 6/2022, nền tảng quản lý dữ liệu truy xuất chất lượng hàng hóa nông sản quốc gia đã kết nối với hệ thống quản lý của 31 tỉnh, thành phố và nền tảng quản lý đất trồng, hiện có 465.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký trên các nền tảng này. Đến tháng 8/2022, nền tảng số quản lý và giám sát phân bón hóa học quốc gia đã truy xuất được nguồn gốc của 100% chủng loại phân bón hóa học được sử dụng trong nông nghiệp.
[8] Đến tháng 6/2022, đã có 3.005 thôn, xóm của 31 tỉnh, thành phố được lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng không khí; 4.688 huyện, thị được trang bị điểm đánh giá chất lượng nước.
[9] Trung tâm truyền thông đa phương tiện cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chính quyền cấp huyện, tổ chức hoạt động truyền thông qua các loại hình: báo chí, phát thanh, truyền hình, truyền thanh thông minh, mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương đến người dân trong huyện, phản ánh kịp thời các vấn đề của đời sống xã hội, những sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm bao gồm: Ban Lãnh đạo; Phòng Thư ký biên tập; Phòng chuyên đề; Phòng Phát thanh; Phòng Truyền hình; Phòng Quảng cáo dịch vụ; Phòng Truyền thông đa phương tiện; Phòng kỹ thuật; Phòng quản lý phát sóng. Biên chế của mỗi Trung tâm từ 30 - 40 người.
Tính đến tháng 8/2022, cả nước đã thành lập và vận hành 2.585 Trung tâm truyền thông đa phương tiện cấp huyện; sản xuất 1.443 chương trình phát thanh, 1.682 chương trình truyền hình/năm tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung về công cuộc chấn hưng nông thôn Trung Quốc.
[10] Trong năm 2021 và 2022, Chính phủ hỗ trợ các địa phương 300 triệu NDT dành cho các hạng mục đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu đám mây về văn hóa, lịch sử truyền thống; 140 triệu NDT đầu tư để xây dựng hệ thống thư viện thông minh.
11 Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng và cung cấp thông tin trên môi trường mạng, xử lý 83.000 trường hợp vi phạm về việc cung cấp, lan truyền thông tin xấu độc trên môi trường mạng ở nông thôn. Trong năm 2021 và 2022, các dữ liệu về lịch sử, văn hóa truyền thống của các địa danh lịch sử ở nông thôn và nguồn tư liệu về 364 di sản phi vật thể ở địa phương đã được số hóa; dữ liệu của 6.819 làng, thôn, bản đã được cập nhật vào hệ thống dữ liệu của Bảo tàng quốc gia.
[12] Tỷ lệ công khai các hoạt động Đảng vụ ở nông thôn đạt 78.4%. Hoàn thiện, nâng cấp giáo trình đào tạo, bồi dưỡng Đảng viên trực tuyến.
[13] Tính đến năm 2022, tỷ lệ lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh tại các địa điểm công cộng ở nông thôn đạt 80,4%.
[14] Toàn quốc đã xây dựng 355 nền tảng cung cấp dịch vụ công cấp huyện; extranet chính phủ điện tử quốc gia đã phủ khắp 100% đơn vị hành chính cấp huyện, 96,1% thôn, xóm. Hiệu quả xử lý các dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, định hướng nghề nghiệp... của các huyện, thị trên cả nước đạt 68,2%.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)