Truyền thông

Chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá để phát triển xe điện

Đoàn Ngọc Dũng 01/12/2024 14:38

Xe điện có thể thay thế xe xăng, dầu ở Việt Nam hay không, phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nhận thức của người dân. Nếu tất cả cùng nỗ lực, sẽ mở ra tương lai cho sự phát triển của xe điện.

Xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường

Tốc độ đô thị hóa nhanh đi cùng với đó là nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông đường bộ gia tăng không chỉ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu mà còn gây ra các vấn đề phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường.

Trước thực tế này, Việt Nam ngày càng chuyển hướng mạnh và được người dân quan tâm xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường, trong đó, khuyến khích phát triển các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, cồn nhiên liệu, điện...

anh-kem-bai-ttcs-30.jpg

Thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu - COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, Việt Nam đã có nhiều chính sách để thúc đẩy nhanh tiến trình này.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng xe ô tô điện. đặc biết chính sách ưu đãi về thuế với ô tô điện rất kịp thời trong thúc đẩy ô tô điện phát triển tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/2/2027, Chính phủ quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt về 3% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ, so với trước đây là 15%.

Nhờ có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho xe điện phát triển được ban hành kịp thời đã tạo bước chuyển mạnh mẽ. Đến nay, xe ô tô điện và xe máy điện đang dần trở thành xu hướng tiêu dùng thông minh. Dự báo đến năm 2050, trên đường chỉ có xe điện lưu thông với số lượng ôtô dự kiến 9,6 - 10,5 triệu xe.

Theo các chuyên gia, tiềm năng tăng trưởng thị trường xe điện ở Việt Nam là rất lớn. Nếu trước đây khái niệm xe điện hóa còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì nay đã được người tiêu dùng đón nhận. Ở các thành phố lớn, người dân đã dần quen thuộc với các dòng xe hybrid và xe thuần điện. Xu hướng sử dụng xe điện ngày càng phổ biến không chỉ mang lại những lợi ích về môi trường, còn giúp tiết kiệm chi phí và mang lại trải nghiệm lái xe mới cho người dùng.

Các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh đầu tư vào phát triển xe điện. Đi đầu là tập đoàn VinGroup đã thành lập công ty VinFast và đầu tư lớn vào sản xuất xe điện từa năm 2021, với nhà máy có công suất 250.000 xe tại Hải Phòng, vào cuối năm 2021 đã xuất xưởng mẫu xe điện thương hiệu Việt đầu tiên, đến nay VinFast đã có hoàn thiện dải sản phẩm thuần điện phủ kín các phân khúc SUV từ hạng A đến hạng D.

Thị trường cung ứng xe điện thêm đa dạng với nhiều nhà cung cấp mẫu xe hybrid và xe thuần điện như: Honda, Kia, Hyundai, BMW, Toyota, Audi, BMW, Mercedes-Benz… và một số hãng xe Trung Quốc BYD, SAIC, GAC… cũng đang tìm cách quay trở lại thị trường Việt Nam. Sự xuất hiện của các hãng xe đã giúp thị trường phân khúc xe điện ngày càng được mở rộng và làm tăng thêm sự đa dạng về sản phẩm.

Để khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn những phương tiện giao thông xanh, nhiều hãng xe điện tại Việt Nam đã chú trong lắp đặt các trạm sạc miễn phí cho người dân tại các khu vực công cộng như: Siêu thị, công viên, trung tâm thương mại… Đến nay VinFast phát triển được với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ôtô điện trên khắp cả nước.

Ngày càng nhiều người quan tâm lựa chọn tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc đi lại với mong muốn sử dụng xe điện trong tương lai. Các phương tiện giao thông điện đang được người tiêu dùng chấp nhận sử dụng ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là xe máy điện. Với thị trường ngày càng đa dạng người tiêu dùng tại Việt Nam có thể lựa chọn mẫu xe điện phù hợp với nhu cầu theo các tiêu chí về quãng đường, giá, hình thức sử dụng của pin...

Đây là cơ hội để người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, và trong tương lai tiềm năng này được dự báo còn rất lớn.

Thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh

Chuyển đổi phương tiện từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện được xác định là bước đi đầu tiên trong công cuộc xanh hóa ngành giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi xe xăng sang xe điện thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về chuyển đổi năng lượng xanh chưa đầy đủ, thiếu hạ tầng trạm sạc, thiếu cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng xe điện.

Để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thúc đẩy chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh với việc tận dụng tốt cơ hội lớn chuyển sang kỷ nguyên xe điện, theo Quyết định số 876/QĐ-TTg, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đường bộ giai đoạn 2022 - 2030 là thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

Năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đối với giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Để hiện thực được mục tiêu đó cần phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch với việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sang xe điện, năng lượng xanh;

Cùng với đó, xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh;

Chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh./.

Bài liên quan
  • Hồng Kông nâng cao dịch vụ ID số và giấy phép lái xe điện tử
    Đây là những hoạt động thể hiện cam kết của Hồng Kông trong việc chuyển đổi số các dịch vụ công. Việc triển khai thẻ căn cước điện tử e-HKIC và giấy phép lái xe điện tử e-DL không chỉ giúp cải thiện sự thuận tiện mà còn giúp người dân truy cập các tài liệu quan trọng một cách an toàn và kỹ thuật số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá để phát triển xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO