Truyền thông

Chuyển đổi số báo chí cần rõ ràng, cụ thể, đơn giản mà hiệu quả

Bình Minh 09:09 12/12/2023

Các tòa soạn đều đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) theo Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Song, việc triển khai chiến lược cần rõ ràng, cụ thể, đơn giản mà hiệu quả. Việc CĐS từng công đoạn trong quản trị, tác nghiệp, sản xuất nội dung... chính là bước đệm hướng tới CĐS toàn diện, có hệ thống cho nền báo chí.

Cấp thiết xây dựng nguồn nhân lực báo chí CĐS bài bản, chất lượng

Xây dựng nguồn nhân lực báo chí CĐS toàn diện, bài bản, chất lượng cao đáp ứng Chiến lược “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ban hành vào ngày 06/04/2023 là cần thiết.

Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030, các cơ quan báo chí đạt 100% đưa nội dung lên các nền tảng số; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; 90% sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; tối ưu hóa nguồn thu.

bao-chi-so.jpg
Lãnh đạo một số cơ quan báo chí tham gia học tập, tìm hiểu hoạt động quản lý báo chí trên môi trường mạng của Bộ TT&TT

Theo các nhà nghiên cứu, Chiến lược đã gợi mở nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra cùng lúc nhiều bài toán khó như: Làm thế nào để sản xuất nội dung số, nâng cao trải nghiệm của công chúng? Nguồn lực để phát triển hệ thống báo chí theo hướng đa nền tảng một cách tối ưu? Việc quản trị tòa soạn số như thế nào để vừa thúc đẩy kinh tế báo chí, tối ưu hóa chi phí sản xuất, vừa hoạt động đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan, tổ chức?

Thực tế, nước ta hiện có khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ, đây là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quá trình CĐS báo chí tại Việt Nam. Theo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Vân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), để CĐS báo chí hiệu quả, điều cốt lõi phụ thuộc vào nhân lực ở tất cả các vị trí khác nhau trong cơ quan báo chí: lãnh đạo, quản lý các cấp cơ sở; đội ngũ biên tập, phóng viên; tổ chức hành chính...

Nhân lực trong các cơ quan báo chí số cần biết cách vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, rèn luyện tư duy số một cách có hệ thống. Chỉ cần một mắt xích trong tòa soạn số bị gián đoạn, quá trình vận hành CĐS sẽ trở nên kém hiệu quả, thậm chí là không thể hoạt động.

Theo các chuyên gia, 2 yếu tố đóng vai trò quyết định trong CĐS là: yếu tố con người và vai trò của nhà lãnh đạo. Việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực báo chí số đòi hỏi các trường đại học (ĐH) phải tư duy đổi mới về cách thức giảng dạy, liên tục cập nhật kiến thức trong giáo trình; bồi dưỡng lý thuyết, kỹ năng tác nghiệp báo chí số cho sinh viên ngay từ trên giảng đường.

Các chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH, khóa học nghiệp vụ chuyên biệt dành cho ngành báo chí số... cần bám sát xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Chương trình học cần phải đổi mới thường xuyên, tích cực “đưa tòa soạn số đến giảng đường”, đào tạo gắn với thực tiễn, tránh sáo rỗng, không có chiều sâu.

Đáp ứng những điều này, trong tương lai, nguồn nhân lực báo chí số sẽ được đồng bộ cả về kiến thức lẫn kỹ năng, đáp ứng mục tiêu Chiến lược CĐS báo chí quốc gia.

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo uy tín về báo chí truyền thông đã giảng dạy các học phần liên quan đến báo chí truyền thông số. PTIT là một cơ sở đào tạo đã mở ngành Báo chí từ năm 2022, lấy công nghệ làm nền tảng, sinh viên được trang bị các kỹ năng số, khi tốt nghiệp có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm.

Trường ĐH Khoa học Huế mở 2 mã ngành Báo chí và Truyền thông số, chương trình đào tạo định hướng ứng dụng, hướng tới việc truyền tải thông tin trong môi trường kỹ thuật số, tạo ra các sản phẩm truyền thông chất lượng dựa trên nền tảng số và truyền tải sản phẩm đó trên các thiết bị số...

Các cơ sở này sẽ góp phần làm tăng chất lượng của đội ngũ nhân lực báo chí số trong tương lai. Có những ý kiến cho rằng nhiều nhà báo vẫn có thể tác nghiệp, làm việc trong môi trường báo chí giỏi mà không cần học qua các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông. Điều này không sai, tuy nhiên, để có thể làm việc trong môi trường báo chí số thì nhà báo đòi hỏi phải có tố chất tốt, khả năng tự học, rèn luyện lâu dài, bền bỉ và vất vả.

Nếu được đào tạo bài bản kết hợp tự học, tự rèn luyện ở trường ĐH hoặc các cấp học cao hơn thì con đường học hỏi làm nghề sẽ được rút ngắn. Để xác định hướng tới một nền báo chí CĐS chuyên nghiệp thì không nên chỉ lệ thuộc vào sự may mắn và mang tính bị động chờ đợi.

Tương lai, báo chí số sẽ còn phát triển và trở thành xu thế tất yếu, do vậy, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực báo chí CĐS toàn diện, bài bản, chất lượng cao. Theo phân tích của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Vân, thực tế, báo chí tác động tới công chúng trong nhiều lĩnh vực, nhiều vùng miền khác nhau, do vậy báo chí không thể nằm ngoài xu thế CĐS, thậm chí còn cần “đi trước đón đầu”.

"Báo chí số đang từng bước phát triển để có thể bắt kịp xu thế của công nghệ hiện tại, đáp ứng tốt nhiệm vụ thông tin, truyền thông trong tình hình mới. Để làm được điều này, việc tạo không gian thực hành CĐS cho người làm báo là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng".

Hỗ trợ báo chí CĐS thiết thực

Sau khi ban hành “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tháng 06/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí (trực thuộc Cục Báo chí) nhằm tạo không gian thực hành chuyển đổi số cho lĩnh vực này. Trung tâm là đầu mối cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn, hỗ trợ huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để giúp các cơ quan báo chí đạt mục tiêu Chiến lược trên đã đề ra.

Bộ TT&TT cũng đã ra mắt Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn/, Cổng thông tin điện tử https://pdt.gov.vn/ được tích hợp công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ CĐS của các cơ quan báo chí. Điều này cho thấy Nhà nước đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thực hành CĐS cho các cơ quan báo chí truyền thông.

Tuy vậy, công cuộc tạo không gian thực hành CĐS còn không ít vướng mắc, đầu tiên là việc đồng bộ các văn bản, quy định của pháp luật. Không thể có công thức chung cho việc CĐS tại tất cả các cơ quan báo chí, có những cơ quan áp dụng CĐS rất thành công, trong khi đó có những đơn vị đồng thời áp dụng cách thức trên lại hoàn toàn không hiệu quả.

Do vậy, nhà quản trị, các cơ quan quản lý báo chí cần tìm ra phương án CĐS phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả cho đơn vị của mình. Một số cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực hiện nay như Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN), Báo Nhân Dân, Báo Công an nhân dân, Báo Quân đội nhân dân cần tiên phong dẫn đầu trong việc CĐS, để từ đó tạo động lực, tiền đề cho các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương khác học hỏi, triển khai mô hình tòa soạn số hiệu quả, phù hợp với điều kiện của tổ chức.

“Đầu tư vào CĐS trước tiên cần hiểu biết, quyết tâm nhưng cũng không thể thiếu nguồn lực tài chính. Đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi việc mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hạ tầng số phục vụ quá trình tác nghiệp. Thay vì chỉ chờ đợi nguồn ngân sách, các tòa soạn số có thể tính toán, xây dựng cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của các công ty công nghệ đầu ngành để được trang bị những hệ thống máy móc, ứng dụng công nghệ mới nhất vào quy trình quản trị, tác nghiệp, tạo cơ hội cho các nhà báo, phóng viên được “thực học, thực hành, thực nghiệp”. Khi nhà báo, phóng viên, biên tập được tiếp cận với công nghệ, công cụ hiện đại thì việc đổi mới sáng tạo trong hoạt động CĐS sẽ diễn ra nhanh chóng, năng động, đạt hiệu quả cao”, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Vân tin tưởng.

Cùng với việc giải bài toán về trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao... thì việc tập trung hỗ trợ nâng cao nội dung chất lượng cũng vô cùng cần thiết. Để tạo nên một nội dung hay thì yếu tố then chốt là con người, và cụ thể hơn là sự thay đổi trong cách làm, tư duy của người làm báo. Do vậy, các nghiên cứu cho rằng, mô hình các diễn đàn, hội nhóm, câu lạc bộ quy tụ các chuyên gia phân tích, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý báo chí... cũng đồng thời nên được ưu tiên. Cách làm này tạo điều kiện cho các nhà báo, phóng viên trẻ được học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia đầu ngành, chủ động chia sẻ thông tin, thể hiện quan điểm.

CĐS hướng tới thế hệ tương lai, do vậy những mô hình này sẽ tạo môi trường cho các phóng viên, nhà báo trẻ được tiếp cận các phương thức tác nghiệp hiện đại để đổi mới, sáng tạo trong cách làm nghề của bản thân và xa hơn là đưa cơ quan báo chí tiến đến gần với hoạt động CĐS… Như vậy, quá trình nghiên cứu chỉ ra rằng, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, CĐS là điều tiên quyết, giúp các cơ quan báo chí hướng tới sự chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đảm bảo đồng thời vai trò định hướng dư luận xã hội và vai trò đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng.

Các tòa soạn đều đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu CĐS theo Chiến lược “CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, hoạt động CĐS báo chí vẫn còn khá mới mẻ, đòi hỏi việc triển khai chiến lược cần rõ ràng, cụ thể, đơn giản mà hiệu quả. Việc CĐS từng công đoạn trong quản trị, tác nghiệp, sản xuất nội dung... chính là bước đệm hướng tới CĐS toàn diện, có hệ thống cho nền báo chí chuyên nghiệp của Việt Nam./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số báo chí cần rõ ràng, cụ thể, đơn giản mà hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO