Chuyển đổi số, Bưu chính Việt Nam phấn đấu Top 40 quốc gia dẫn đầu

Lan Phương| 29/01/2020 21:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong toàn Ngành tập trung thực hiện các mục tiêu trọng tâm, trong đó có lĩnh vực Bưu chính.

Duy trì tăng trưởng 30%

Trong 3 năm gần đây, Bưu chính luôn duy trì được mức tăng trưởng cao với chỉ số tăng trưởng hằng năm đạt mức trung bình trên 30%.

Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018; tăng 12 bậc so với 2016); về điểm số, Việt Nam đạt 51,79 điểm (tăng 0,06 điểm so với năm 2018; tăng 3,94 điểm so với 2016). Theo đó đánh giá, xếp hạng, Việt Nam đều đạt được số điểm cao hơn so với điểm bình quân thế giới.

Bưu tá Bưu điện trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân qua dịch vụ bưu chính công ích

Năm 2019, tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính ước đạt 34.311 tỷ đồng, tăng 22,65% so với năm 2018. Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.230 tỷ đồng tăng 5,63% so với năm 2018.

Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018).

Bộ đã ban hành Thông tư số 11/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung bãi bỏ một số điều của Thông tư số 17/2013/TT-BTTTT quy định hoạt động của Điểm Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế. Qua đó không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bưu chính nói chung mà còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với mạng bưu chính công cộng và đẩy mạnh hoạt động của BĐ-VHX.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT cũng đã hoàn thành viên nghiên cứu các đề xuất sửa đổi Công ước UPU; các phương án tham gia của Việt Nam; đánh giá tác động của các nội dung sửa đổi với nội luật và kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định thư bổ sung lần thứ 2 Công ước UPU để ủng hộ đổi mới mạnh mẽ hơn hệ thống thanh toán thù lao giữa Bưu chính các nước; góp phần củng cố Liên minh và duy trì một mạng lưới bưu chính duy nhất toàn cầu ổn định; cân bằng lợi ích của các nước trong kỷ nguyên phát triển bùng nổ thương mại điện tử (TMĐT).

Đối với lĩnh vực tem bưu chính, năm 2019, Bộ đã phát hành 15 bộ tem bưu chính với 36 mẫu và 06 blốc. Trong đó các bộ tem đặc biệt như: “Chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội" và “Chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019” để chào mừng 02 sự kiện nổi bật mang tầm cỡ quốc tế không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam mà còn gửi thông điệp về hòa bình đến bạn bè khắp năm châu.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TTTT, lĩnh vực bưu chính vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính ngày càng khốc liệt. 

Tính đến hết ngày 15/9/2019, hiện đang có 435 doanh nghiệp (DN) bưu chính hoạt động; tăng 14% so với số lượng DN năm 2018. Trong đó, số DN bưu chính được cấp mới và đi vào hoạt động trong năm 2019 là 54 DN. 

Trong khi đó trên 95% DN bưu chính Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; Các nguồn lực (tài chính, trang thiết bị, lao động, công nghệ…) hạn chế; Khả năng cạnh tranh thấp (kể cả các DN có thị phần lớn cũng cũng gặp rất nhiều khó khăn trước DN (DN bưu chính có vốn nước ngoài).

Bên cạnh đó, còn có những hạn chế như hạ tầng đường bộ, đường sắt kém; tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng ở các đô thị; năng lực vận chuyển hàng hóa đường hang. Một số loại phương tiện vận chuyển chuyên dụng, thân thiện với môi trường, phù hợp với việc vận chuyển, phát hàng TMĐT và thường được sử dụng ở Nhật Bản, Trung Quốc (xe máy điện 3 bánh có thùng chứa gói, kiện hàng hóa nhỏ) nhưng lại không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Các DN logistics (trong đó có DN bưu chính) chưa khai thác triệt để các phương thức vận tải hàng hóa khác nhau nhằm phân tải cho vận tải đường bộ cũng như giảm chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các DN cũng như giữa các nước trong khu vực. Bình quân chi phí logistics/GDP ở Việt Nam là khoảng 25%, Thái Lan là 9%, Malaysia là 13%, Singapore là 8%.

Hiện nay việc thanh toán chủ yếu vẫn bằng tiền mặt nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về dịch vụ phát hàng-thu tiền (COD) nên nhiều DN bưu chính không bị ràng buộc khi triển khai dịch vụ này, dẫn đến rủi ro cho khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của các DN làm ăn chân chính.

Việt Nam cũng đang thiếu các cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển TMĐT (kiểm tra chuyên ngành, hải quan, thuế nhập khẩu, chứng từ khi lưu thông trên đường...). Hiện nay vẫn đang áp dụng chung quy định của hàng hóa thông thường cho hàng hóa TMĐT nên người sử dụng dịch vụ cũng như DN bưu chính rất khó đáp ứng vì hàng hóa TMĐT thường là hàng nhỏ, lẻ do các cá nhân mua để tiêu dùng.

Chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính

Để khắc phục những hạn chế này, năm 2020, Bộ TTTT tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh; Nhà nước chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ, đồng hành” cùng DN để thúc đẩy thị trường bưu chính phát triển trong bối cảnh kinh tế số.

Bộ cũng sẽ tăng cường trao đổi, thảo luận, đối thoại, phát hiện, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trên thực tế của cá nhân, doanh nghiệp mà pháp luật chưa quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, năm 2020, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chỉ thị về định hướng, thúc đẩy lĩnh vực bưu chính phát triển trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số... Đồng thời hoàn thành việc xây dựng hệ thống mã bưu chính đến địa chỉ để các DN bưu chính có cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động bưu chính.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực bưu chính trong năm 2020 là hoàn thành việc xây dựng hệ thống mã bưu chính đến địa chỉ, gắn với bản đồ số V-map để các DN bưu chính có cơ sở đẩy mạng ứng dụng CNTT trong hoạt động bưu chính.

Cuối tháng 12/2019, Bưu điện đã ban hành kiến trúc CNTT tổng thể (phiên bản 1.0)

Đề án thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ hành chính công qua mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính công ích sẽ được hoàn thiện. Đồng thời, định hướng Chiến lược cho lĩnh vực bưu chính, chuyển đổi số cho các DN bưu chính của Việt Nam sẽ được xây dựng.

Đặc biệt Bộ TTTT cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025

Ngoài ra, năm 2020, Bộ cũng sẽ thực hiện kế hoạch triển khai Văn kiện Đại hội bất thường của UPU lần 3. Nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham dự Đại hội UPU lần thứ 27 tại Code D’voire.

Theo Chiến lược đến năm 2025 vừa được Bộ TTTT công bố, tốc độ tăng trưởng của bưu chính vẫn được duy trì ở mức cao, doanh thu dịch vụ bưu chính tăng gấp 3 - 4 lần (đạt 3-4 tỷ USD). Tiếp tục đóng góp vào tỷ trọng GDP quốc gia tối thiểu 0,5%.

Toàn ngành sẽ phát triển mạng điểm phục vụ rộng khắp cả nước, tiến tới đến năm 2025 có 85% số xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ và năm 2030 là 90% số xã.

Việt Nam cũng sẽ nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng phát triển bưu chính do UPU công bố. Đến hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 40 – 45 quốc gia dẫn đầu về Bưu chính. Đến hết năm 2025, Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới.

Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số và kinh tế chia sẻ trong bưu chính. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống (paper-based service) sang dịch vụ bưu chính “số”, trong đó, chú trọng các dịch vụ liên quan đến Chính phủ điện tử và các dịch vụ mang tính hỗ trợ/logistics cho TMĐT. DN chuyển dịch theo hướng DN công nghệ.

Bài liên quan
  • Hình ảnh của "tứ đại quốc khuyển" trên tem bưu chính
    Nhằm giới thiệu sự đa dạng sinh học ở Việt Nam và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn các giống chó bản địa có giá trị, ngày 11/10/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem bưu chính "Chó".
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số, Bưu chính Việt Nam phấn đấu Top 40 quốc gia dẫn đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO