Chương trình được Bí thư Nguyễn Thanh Hải và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chủ trì cùng trên 3.000 đại biểu tham dự. Chương trình diễn ra trong các ngày 01-02/10 và ngày 08-09/10/2021, được tổ chức kết hợp cả hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối 191 điểm cầu truyền hình từ các thành phố, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Thái Nguyên.
Quyết tâm CĐS giúp Thái Nguyên đạt, vượt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc Chương trình, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: "CĐS là xu thế phát triển tất yếu, mang tính đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, có tác động mạnh mẽ đến tất cả các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. CĐS quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), phát triển kinh tế số, xã hội số và chuẩn bị nguồn nhân lực cho CĐS là một trong những nội dung trọng tâm mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra".
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX nhiệm kỳ 2021 - 2025 cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng một Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế - công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc và của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, trong đó xác định phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Quán triệt tinh thần đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 31/12/2020 đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030. Tỉnh Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về CĐS và đồng thời là tỉnh đầu tiên trên cả nước có Ngày CĐS (31/12).
Bí thư Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: "Điều đó thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời, nắm bắt thời cơ và khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng".
Trong đại dịch COVID-19, với các công cụ CĐS như trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), ứng dụng (app) C-Thái Nguyên với 100.000 lượt tải về,… Bí thư Nguyễn Thanh Hải cho biết Thái Nguyên có thể kiểm soát người ra vào tỉnh, các biển số xe, khu cách ly đảm bảo không có có lây nhiễm chéo. CĐS cũng đã giúp cho bà con nông dân trong tỉnh tiêu thụ các nông sản như na La Hiên, có đặc thù chín rộ trong 10 - 15 ngày nên cần phải bán ngay đến tay người dùng với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên chở.
Cũng theo Bí thư Nguyễn Thanh Hải, trong 9 tháng đầu năm kinh tế Thái Nguyễn vẫn phát triển tốt, vào top các tỉnh dẫn đầu cả nước và đứng thứ nhất khu vực, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 610.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ, giá trị xuất khẩu đạt 21,31 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ và đứng thứ 3 toàn quốc. Thu ngân sách nhà nước đạt 11.599 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch, riêng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 5 toàn quốc, hiện đạt 88%.
Có được kết quả này, Bí thư Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh CĐS đã giúp tỉnh đạt và vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Sau 9 tháng triển khai Nghị quyết 01 của Tỉnh uỷ, cả ba trụ cột chính trong Chương trình CĐS (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) của tỉnh được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thanh Hải cũng chia sẻ CĐS còn không ít những khó khăn, thách thức cần được sự vào cuộc chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của lãnh đạo, người đứng đầu các cấp.
CĐS để tăng giá trị cho các hoạt động kinh tế - xã hội
Truyền đạt kiến thức về CĐS tại Chương trình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày những kiến thức cơ bản, những cách hiểu gần gũi nhất về CĐS, CPĐT, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo Thứ trưởng, CĐS hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số. Quá trình CĐS thực chất đã được thực hiện mấy chục năm nay ở các mức độ khác nhau nhưng sự thay đổi lớn nhất diễn ra khi chúng ta chuyển toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, từ đó sẽ thay đổi về mô hình hoạt động, các mối quan hệ và hành vi xã hội.
CĐS gồm 3 trụ cột: CĐS trong công tác của cơ quan nhà nước (CQNN), CĐS trong hoạt động kinh tế và CĐS trong các hoạt động xã hội.
Chính quyền số là chuyển đổi các hoạt động của các CQNN, từ CPĐT lên chính phủ số. Thứ trưởng cho biết xây dựng CPĐT là một hành trình dài và không có điểm kết thúc, mặc dù yếu tố 4 "không" đã được đảm bảo nhưng mức độ triển khai CPĐT ở mỗi cơ quan, địa phương có khác nhau và các cán bộ CQNN cần có trách nhiệm đẩy cao mức độ triển khai. Theo đó, người dân ở nhà cũng có thể giải quyết trọn vẹn TTHC, nhận kết quả TTHC tại nhà mà không phải đi đâu.
Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Thứ trưởng cho biết phải tìm cách để người dân nhận thấy sử dụng DVCTT rẻ hơn dịch vụ công bằng giấy. Việc này rất thiết thực đối với người dân. Ví dụ, Singapore khuyến khích người dân nộp DVCTT chỉ phải trả phí ít hơn so với nộp hồ sơ giấy và được CQNN trả lời nhanh trong vòng 24 giờ thay vì trả lời hồ sơ giấy phải 5 ngày. Với cách làm như vậy, người dân thấy có sự hấp dẫn, động cơ, thôi thúc để nộp hồ sơ trực tuyến.
Trong khi đó, chính phủ số là CPĐT thêm 4 "có", nghĩa là chính phủ 100% trực tuyến; khả năng cung cấp các dịch vụ mới, nhanh; có khả năng giúp Chính phủ đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu; giải quyết được những bài toán mà trước đây không thể.
Về CĐS trong kinh tế, theo Thứ trưởng, là hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh, hoạt động cung cấp dịch vụ để làm gia tăng hàm lượng công nghệ "thấm sâu" trong các hoạt động kinh tế. Ví dụ, Nhật Bản, Israel đã làm tăng được giá trị của nông sản lên rất lớn như quả dưa lưới của Nhật Bản lên đến cả ngàn USD nhờ áp dụng công nghệ trong trồng dưa. "Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thực hiện được và không giống bất cứ quốc gia nào vì chúng ta có nhiều sản phẩm đặc thù của Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Cuối cùng là CĐS trong mối quan hệ, hành vi của người dân trong xã hội để người dân sử dụng công nghệ số nhiều hơn và hạnh phúc hơn. Hiện nay người dân tại xã Yên Hoà, Yên Mô, Ninh Bình đã có thể kết nối với ứng dụng khám chữa bệnh từ xa qua smartphone để nhận được tư vấn của bác sỹ ngay trong đêm khi người nhà có bệnh mà không phải đến cơ sở y tế hoặc phải về Hà Nội khám chữa bệnh.
Thứ trưởng nhấn mạnh: "CĐS cần quyết tâm, dám làm, bởi chờ đợi thì không làm được và phải từ chính thực tiễn của địa phương. CĐS là phải đi giải quyết nỗi đau của xã hội".
Thứ trưởng mong muốn tỉnh Thái Nguyên, từ đại dịch COVID-19, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ để nắm bắt cơ hội phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Biến "cơn bão" COVID-19 để vụ mùa sau sẽ bội thu.
"Tỉnh Thái Nguyên có thể bắt đầu bằng việc đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa lên môi trường số, thúc đẩy thanh toán số, đầu tư vào dữ liệu và dữ liệu mở để kiến tạo cho tỉnh phát triển", Thứ trưởng kiến nghị.
Chương trình bồi dưỡng tại Thái Nguyên cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa Bộ TT&TT với UBND tỉnh Thái Nguyên về hợp tác phát triển TT&TT giai đoạn 2020 – 2021.Chương trình bồi dưỡng thực hiện 05 chuyên đề cụ thể: Chuyên đề CĐS và phương pháp luận 2-3-5; Chuyên đề CĐS cho địa phương; Chuyên đề CĐS DN; Chuyên đề Năng lực số đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chính quyền và Chuyên đề Xã hội số và tác động của CĐS đối với người dân. Chương trình còn có sự tham dự của GS. TS Hồ Tú Bảo, TS. Nguyễn Nhật Quang./.