Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội - Thái Nguyên tiên phong tạo tài khoản số

Tâm An 06:36 13/02/2023

Thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước là một yêu cầu thiết thực cần được triển khai nhanh chóng và toàn diện.

chi-tra-an-sinh-16723139983451754056244.jpg
Thúc đẩy CĐS trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. (Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn)

Thúc đẩy CĐS trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thời gian qua, hệ thống chính sách ASXH đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội.

Nhìn chung các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài Nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công. Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành chính sách còn chậm. Việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa Trung ương và địa phương nên việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu (CSDL) về ASXH đã được triển khai, kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này.

Để tăng cường ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy CĐS trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy CĐS trong thực hiện chính sách ASXH, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xây dựng và hoàn thiện CSDL về các đối tượng được hưởng chính sách ASXH, kết nối, chia sẻ dữ liệu ASXH với CSDL quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH ngay trong năm 2022.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ Nhà nước…

Ngày 23/12/2022, Bộ LĐTB&XH cũng đã có Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách ASXH.

Bộ LĐTB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai thực hiện theo hướng dẫn. Trong đó, chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn chỉ đạo cán bộ LĐTB&XH phối hợp với công an cấp xã thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của các đối tượng trên địa bàn, ưu tiên các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương.

Công tác thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng phấn đấu hoàn thành trong Quý I/2023.

Đặc biệt, việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng ASXH…

Thái Nguyên tiên phong tạo tài khoản số an sinh xã hội

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác ASXH, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng CĐS trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, ứng dụng CĐS, chi trả không dùng tiền mặt đã được tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong 2 năm gần đây.

Đặc biệt, nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, xuất phát từ chủ trương của tỉnh để người dân được tiếp nhận quà Tết và các nguồn hỗ trợ ngay trong dịp Tết đến, đảm bảo trên 36.700 hộ nghèo và cận nghèo đều được đón Tết đủ đầy, ấm áp hơn, Sở TT&TT là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở LĐTB&XH và Viettel Thái Nguyên đã nhanh chóng bắt tay ngay vào việc thu thập, đồng bộ dữ liệu ASXH, hỗ trợ tạo tài khoản cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.

an-sinh-xa-hoi-1.jpg
Phần mềm An sinh xã hội đã được tích hợp trên C – Thái Nguyên.

Với tài khoản này, ngay trong dịp Tết Nguyên đán, quà Tết và các hỗ trợ đã được chuyển tới trên 36.700 hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh. Cùng với đó, tài khoản này sẽ tiếp tục được sử dụng với mục đích lâu dài trong việc mở rộng thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai cấp tài khoản ASXH số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đơn vị, tổ chức đã gặp phải những khó khăn nhất định, như: Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, ASXH là những đối tượng yếu thế, hạn chế trong việc giao tiếp xã hội nên việc tuyên truyền tạo tài khoản số còn gặp nhiều vướng mắc; nhiều đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo không tạo được tài khoản số do không có mặt tại địa phương; thiếu các điều kiện mở tài khoản số (không có số điện thoại, hạn chế về nhận thức...).

Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, Sở TT&TT cũng đã trực tiếp làm việc với các phòng LĐTB&XH, UBND các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, phối hợp, tập trung tư vấn, tuyên truyền về lợi ích của việc cấp tài khoản ASXH số.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với Sở LĐTB&XH, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố trên cơ sở danh sách đối tượng hưởng chính sách, hướng dẫn và mở tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách đồng thời có chính sách miễn giảm phí khởi tạo tài khoản, phí giao dịch chuyển tiền, phí SMS… cho các đối tượng trên.

Hiện nay, toàn tỉnh có 76.381 người thuộc đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động, tuy nhiên số người chuyển lương hưu qua ngân hàng vẫn còn thấp (11.303 người, chiếm tỷ lệ 14,8%) do đối tượng hưởng lương là người cao tuổi, việc tiếp cận công nghệ hạn chế và vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt là chính.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở TT&TT, việc mở tài khoản số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của 9 huyện, thành phố có tổng số tài khoản cần mở là 34.914, số hồ sơ đã tiếp nhận là 23.995, số tài khoản đã mở là 12.077.

Đối với những hộ nghèo, cận nghèo không tạo được tài khoản số do không có mặt tại địa phương, thiếu các điều kiện mở tài khoản, Sở TT&TT cũng đề nghị các huyện, thành phố có phương án mở tài khoản đầu mối ở cấp xã để hỗ trợ tiếp nhận và thực hiện chi trả cho các đối tượng.

Về cơ bản, ứng dụng CĐS, chi trả không dùng tiền mặt đã được tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong những năm gần đây. Trong đó, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, chương trình CĐS của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50% và sẽ đạt trên 80% vào năm 2030, nhằm phát triển xã hội số.

Theo Sở TT&TT Thái Nguyên, tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó tỉnh sẽ triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, CSDL, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp ASXH, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp./.

Bài liên quan
  • Thái Nguyên: đi chợ tết không cần mang theo tiền, vì đã có… chợ 4.0
    Quên mang theo tiền khi đi chợ không phải một tình huống quá hiếm với các bà các mẹ, khi trong bộn bề cuộc sống, nhiều người thỉnh thoảng lại rơi vào trạng thái “não cá vàng”. Nhưng giờ đây, tại một số khu chợ ở Thái Nguyên, các bà, các mẹ có thể đi chợ mà không cần phải … mang theo tiền. Bởi vì, những khu chợ này đã vận hành theo mô hình Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội - Thái Nguyên tiên phong tạo tài khoản số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO