Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước như một trận đánh trường kỳ

NK 11:00 27/07/2023

Theo đại diện Base.vn, chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như một trận đánh trường kỳ. Vì vậy, DNNN cần kiên nhẫn với chiến lược và kiên trì với từng hoạt động.

423-202307271026443.jpg
Ông Bùi Trung Thành: CĐS đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể

Thông tin trên được ông Bùi Trung Thành, Giám đốc tư vấn CĐS khu vực miền Bắc của Base.vn chia sẻ tại hội thảo “CĐS trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” được tổ chức ngày 26/7.

78% đơn vị không biết bắt đầu CĐS từ đâu

Tại hội thảo, những thách thức đối với CĐS trong DNN được bàn luận, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm góp phần thực hiện CĐS hiệu quả trong doanh nghiệp nhà nước cũng như phát động đẩy mạnh Chương trình CĐSố quốc gia.

CĐS trở thành một xu thế tất yếu, kích thích mọi doanh nghiệp (DN) phải “lao” theo nếu như không muốn tụt lại phía sau. Tuy nhiên, số lượng các DN thành công trong CĐS ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các DNNN mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế.

Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc tư vấn CĐS khu vực miền Bắc của Base.vn, cho biết, mặc dù nhu cầu CĐS rất lớn nhưng thực tế cho thấy 90% DN Việt Nam chưa hiểu rõ về CĐS và 78% đơn vị không biết bắt đầu từ đâu.

Vì vậy, DN Việt Nam mới đang CĐS trên bề nổi, biết là cần phải áp dụng công nghệ nhưng tầng sâu về phương pháp luận, bản chất cốt lõi của CĐS thì không rõ ràng. Điều này dẫn tới sự thất bại trong các dự án CĐS.

CĐS không phải là may sẵn mà là may đo

Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất rằng, các DNp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình CĐS để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho DN của mình.

Tùy thuộc vào mỗi đặc thù DN, CĐS có các xuất phát điểm khác nhau, DN cần đánh giá hiện trạng cụ thể để xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Với góc nhìn từ một đơn vị cung cấp nền tảng số cho DN nhỏ và vừa (SME) Việt Nam, ông Bùi Trung Thành cho biết, lý do khiến phần lớn DN thất bại không nằm ở yếu tố "số", mà nằm ở khâu "chuyển đổi" tư duy của con người, đặc biệt là tư duy lãnh đạo.

Do đó, lãnh đạo DN cần “đả thông tư tưởng” rằng CĐS là tập trung vào thay đổi thói quen làm việc và bộ máy vận hành nhằm xây dựng DN số chứ không đơn thuần là ứng dụng công nghệ, cập nhật tính năng mới.

Trong quá trình triển khai cho các DN, ông Thành từng chứng kiến nhiều trường hợp lãnh đạo mua ứng dụng công nghệ với mong muốn tối ưu vận hành, nhưng chỉ tham gia vào quá trình chi tiền, không tham gia vào giai đoạn triển khai mà giao phó nhiệm vụ này cho phòng hành chính tổ chức.

"Chính sự thiếu quyết liệt của người đứng đầu khiến nhân sự hoang mang, không hiểu rõ về giá trị của chuyển đổi số nên không thể tận dụng công nghệ, thậm chí là phản kháng với CĐS”, ông Thành giải thích.

Ông Bùi Trung Thành cũng thừa nhận, CĐS đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các DNNN.

Do đó, có thể nói, CĐS trong DNNN như một trận đánh trường kỳ, với đặc điểm quy mô lớn, được đầu tư từ khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài.

Vì vậy, để CĐS thành công, DNNN cần kiên nhẫn với chiến lược và kiên trì với từng hoạt động. Theo ông Thành, DN nên liên tục rà soát, theo dõi bộ máy vận hành, xác định rõ những bài toán nhỏ trong từng phòng ban và sử dụng công nghệ để giải quyết triệt để bài toán đó.

Vì vậy, một chiến lược mà Base.vn thường tư vấn cho SME là đánh nhanh thắng nhanh để tạo ra những chiến thắng nhỏ, tích tiểu thành đại nhằm tạo động lực cho đội ngũ trong những cuộc cách mạng lớn.

"Con người luôn là nòng cốt và lãnh đạo là nhân tố quyết định sự thành công trong mọi dự án CĐS”, ông Thành kết luận./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước như một trận đánh trường kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO