Chuyển đổi số Việt Nam phải dựa trên các nền tảng số trong nước
Chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số nhận thức mới, quan trọng tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 30/6.
Để tổ chức phát triển bền vững
Qua 6 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có những tổng kết và chia sẻ về những chiêm nghiệm cho công tác của ngành TT&TT, của Bộ TT&TT.
Chia sẻ đầu tiên của Bộ trưởng là về sự phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng, muốn phát triển bền vững, muốn đi nhanh, đi xa thì cần phải có lý luận, đặc biệt là đi xa. “Ứng biến, linh hoạt, ngắn hạn thì cũng phải kết hợp các định hướng, mục tiêu chung và dài hạn. Chỉ có như vậy thì các hành động ngắn hạn mới dẫn đến mục tiêu dài hạn”.
Lý luận không chỉ ở tầm quốc gia mà phải cả ở tầm tổ chức. Tổ chức 10 người, hay 10.000 người hoặc là 1 huyện, tỉnh, bộ. Theo phân tích của Bộ trưởng, trong một thế giới mọi sự đang thay đổi rất nhanh, rất khó đoán định, rất khó nhìn thấy hết ý nghĩa của những sự kiện, tức là một thế giới vạn biến thì các tổ chức, thậm chí các cá nhân phải tìm ra và giữ lấy một cái bất biến. “Đó có thể là lý luận, có thể là ngôi sao dẫn lối. Tức là càng thay đổi nhanh bao nhiêu, càng biến động bao nhiêu thì phải càng bám vào, níu, neo vào 1 cái, đặc biệt là các tổ chức lớn”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Để phát triển nhanh, bền vững và bao trùm thì công nghệ số phải là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số phải là một nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số phải là động lực cơ bản”.
CĐS là toàn dân, toàn diện, tức là phải phổ cập
Theo Bộ trưởng, đối với Ngành, muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải đi đều hai chân. Một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tầu. Từ cái mới triển khai thành công của các đầu tàu thì nhanh chóng biến cái cơ bản để phổ cập là công việc quan trọng của quản lý nhà nước.
Bộ trưởng cho biết Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đang chủ trì một số thí điểm, động viên một số người đi đầu về CĐS. Sau khi thí điểm thì cần biến thí điểm thành cơ bản để phổ cập ra đại chúng thì nó mới tạo ra CĐS.
Bộ trưởng phân tích CĐS là toàn dân và toàn diện tức là phải phổ cập. Đầu tàu và phổ cập phải đi liền với nhau. Từ đầu tàu rồi phải đến phổ cập. Đầu tàu phải dẫn đến phổ cập. “Đầu tàu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi và sẽ không có CĐS. Theo đó, phải đi cả hai chân, đặc biệt biến từ cái thử nghiệm thành công đó thành những cái cơ bản, có thể dưới dạng nền tảng để phổ cập ra toàn quốc là công việc của quan lý nhà nước”.
Phát triển mạnh mẽ bưu chính, hạ tầng số, 5G, đám mây
Cụ thể, đối với từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra những thông điệp.
Đối với lĩnh vực Bưu chính, Bộ trưởng cho biết bưu chính giờ đây gốc là phải tạo ra thương mại điện tử (TMĐT) và mua bán online, chuyển phát không phải là gốc. Không làm gốc mà chỉ làm ngọn thì không bền vững. “Công nghệ cũng vậy, sẽ khó bền vững nếu không làm gốc. Cuộc sống là vậy nếu làm ngọn thì khó bền”.
Về hạ tầng số, Bộ trưởng cho biết hạ tầng số Việt Nam thì bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ như là dịch vụ và các các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số với 4 cấu thành này là rất quan trọng của CMCN 4.0 để đưa công nghệ đến từng cá nhân với giá rất rẻ để cho từng cá nhân có thể sáng tạo và một số nền tảng có tính hạ tầng.
“Hạ tầng số Việt Nam thì dung lượng phải siêu lớn. Băng thông siêu rộng phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn và hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia phát triển kinh tế số - xã hội số và công dân số”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: 5G và đám mây là 2 thành tố quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay để đến năm 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và đám mây hiện đại. Thương mại hoá dịch vụ 5G tại Việt Nam là đồng thời với thương mại hoá thiết bị 5G Việt Nam. Như vậy, Việt Nam làm cùng một nhịp, là lần đầu tiên hạ tầng viễn thông khi triển khai một công nghệ mới thì có thiết bị Việt Nam. Trước đây không có và có thì sau 10 năm.
CĐS giúp rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước
Về CĐS, Bộ trưởng cho biết: “CĐS là một phương thức phát triển mới, giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) đất nước. CNH là CĐS lĩnh vực chế biến, chế tạo. HĐH là CĐS toàn diện cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường”.
Bộ trưởng cũng cho rằng: Thời CĐS thì phải có đầu tư tập trung. Thời CNTT thì mỗi cấp, mỗi đơn vị một hệ thống CNTT riêng biệt và vì vậy mà ngân sách CNTT chia hết cho từng bộ, ngành, từng địa phương, không còn ngân sách cho hệ thống dùng chung, nhưng đặc trưng cơ bản của thời CĐS là các nền tảng số dùng chung. Một nền tảng, một phần cứng, phần mềm dùng chung cho cả trung ương, cho cả các bộ ngành, các địa phương và cả hơn 10.000 xã dùng chung. Bởi vậy, đề xuất ngân sách CNTT phải dành 20% để đầu tư các nền tảng quốc gia dùng chung, sau đó còn lại mới chia ra cho các bộ, ngành và địa phương.
Cũng theo Bộ trưởng, “Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số người đó nắm dữ liệu và vì nắm dữ liệu mà người đó quyết định tất cả. CĐS Việt Nam phải dựa trên các nền tảng số Việt Nam để Việt Nam được hưởng lợi”.
Bộ trưởng cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà mạng Việt Nam là phải bảo vệ người dùng viễn thông, người dùng Internet. Trách nhiệm căn bản của nhà mạng là bảo vệ khách hàng của mình. Viettel, VNPT và MobiFone phải chú ý gánh trách nhiệm. Bảo vệ ở mức cơ bản thì miễn phí, giá trị tăng thêm thì thu phí.
Phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng phải đi từ dịch vụ cho tới tới công nghiệp rồi từ đó tới công nghệ. Không làm chủ, không phát triển công nghệ lõi thì không thể cường thịnh.
Báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ
Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ trưởng nhấn mạnh truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, bởi vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí. Báo chí bây giờ thì công cụ, vũ khí không chỉ là cây bút, trang giấy mà còn là công nghệ. Không có vũ khí hiện đại thì không thể chiến đấu trong thời hiện đại. Báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số.
Ra mắt nền tảng CĐS cho các cơ quan báo chí, nền tảng CĐS cho các trường dạy nghề và đại học, nền tảng số đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành TT&TT, nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân, Tổ CNSCĐ, cán bộ công chức. “Các công việc này cơ bản trong 6 tháng cuối năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trợ lý ảo trong hệ thống công chức, viên chức nhà nước là một bước tiến lớn của chính phủ số
Chia sẻ về sự phát triển đột phát của AI, Bộ trưởng cho biết một trong những ứng dụng hiệu quả nhất mà AI mang lại, nhất là từ khi xuất hiện AI tạo sinh (generative AI) dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn là trợ lý ảo. Trợ lý ảo là đặc biệt hữu dụng đối với các lao động dựa trên quy định. Với cả một “rừng” các quy định thì trợ lý ảo sẽ giảm gánh nặng, giảm rủi ro pháp lý cho các công chức, viên chức nhà nước.
“Trợ lý ảo đã được phát triển từ rất lâu nhưng chỉ khi xuất hiện mô hình ngôn ngữ lớn thì mới có sự phát triển mang tính đột phá. Khi trợ lý ảo được sử dụng trong hệ thống công chức, viên chức nhà nước sẽ là một bước tiến lớn của chính phủ số. Việc xây dựng trợ lý ảo cho công chức, viên chức nhà nước sẽ đi cùng với phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. Mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt là nền tảng để các DN phát triển các loại trợ lý ảo tiếng Việt khác”, theo Bộ trưởng./.