CIO Bản Việt: "Chuyển đổi số ngân hàng - không theo phong trào, đi vào thực chất"

Trường Thịnh| 20/10/2021 14:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển ngân hàng số là một cấu phần nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh tổng thể, tuy nhiên cần có lộ trình phù hợp, thậm chí "cá thể hóa" theo từng ngân hàng thì việc chuyển đổi số mới có thể hiệu quả và phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Theo khảo sát của Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (2020), đến nay 95% các ngân hàng ở Việt Nam đã hoặc đang thực hiện chuyển đổi số. Tuy vậy, hiệu quả của việc chuyển đổi số của các ngân hàng thương mại hiện nay vẫn đang là một "ẩn số".

Có thể kể đến hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhiều ngân hàng coi đây là giai đoạn đầu tư, nên chưa có đóng góp gì nhiều cho sự tăng trưởng; thứ hai, hệ sinh thái số ở Việt Nam chưa thực sự đồng bộ và phát triển nên chưa phát huy hết hiệu quả của việc phát triển ngân hàng số.

Hơn nữa, hầu hết các ngân hàng thương mại cũng chỉ vừa mới qua giai đoạn số hóa sản phẩm dịch vụ và quy trình hoặc mới qua phần "tự động hóa" nên chưa thể phát huy đầy đủ những ưu việt của việc chuyển đổi số một cách toàn diện.

Theo các chuyên gia, muốn chuyển đổi số thành công, không chỉ là nỗ lực đầu tư mà còn cần triển khai các giải pháp đồng bộ trong hệ sinh thái số, như hạ tầng, logistics, sự thích ứng và tương tác từ phía khách hàng…

Đặc biệt, chuyển đổi số là một quá trình chứ không chỉ là câu chuyện từ điểm xuất phát đến một đích cụ thể. Vì thế, cần có tầm nhìn chiến lược và kế hoạch triển khai theo lộ trình dài hạn phù hợp với năng lực và sứ mệnh của mỗi ngân hàng.

Chia sẻ về điều này, theo ông Phan Việt Hải - Giám đốc khối Công nghệ thông tin (CIO), ngân hàng Bản Việt, điều quan trọng nhất là phải căn cứ trên năng lực, bám sát các mục tiêu kinh doanh và đối tượng khách hàng cụ thể, từ đó đánh giá và ưu tiên triển khai các dự án mang lại lợi ích nhanh chóng nhất cho các đối tượng này.

Để minh họa rõ nét hơn về quan điểm này qua câu chuyện của một ngân hàng, cụ thể là Bản Việt, phóng viên báo Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Việt Hải.

CIO Bản Việt:

Ông Phan Việt Hải - Giám đốc khối Công nghệ thông tin, ngân hàng Bản Việt.

Ông nhận định thế nào về công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra trong ngành ngân hàng hiện nay? Theo ông, cần làm gì để việc chuyển đổi số thực sự hiệu quả?

Ông Phan Việt Hải: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng, đơn vị nào đi sau trong xu hướng này chắc chắn sẽ gặp một số bất lợi trong cạnh tranh ngay lập tức. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi số ở từng ngân hàng sẽ khác nhau vì chiến lược kinh doanh mỗi ngân hàng mỗi khác. Do đó, để việc chuyển đổi số hiệu quả và đem lại kết quả tích cực nhất, tôi cho rằng cần phải bám sát các mục tiêu kinh doanh và đối tượng khách hàng cụ thể, từ đó đánh giá và ưu tiên triển khai các dự án mang lại lợi ích nhanh chóng nhất cho các đối tượng này.

Như vậy hiệu quả của việc đầu tư mới được hiện thực hóa nhanh chóng. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số phải xuyên suốt, liên tục từ ngoài vào trong - khi khách hàng tiếp cận, yêu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm, và từ trong ra ngoài - khi tổ chức cung cấp dịch vụ, sản phẩm đến khách hàng. Không khách hàng nào muốn khởi đầu được số hóa thuận tiện nhưng sau đó quá trình bàn giao dịch vụ, sản phẩm lại không tương đồng hoặc chí ít là gần tương đồng như vậy. Ở Bản Việt, chúng tôi lựa chọn các dự án nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng.

Như ông đánh giá, yếu tố quan trọng là "chuyển đổi số có chọn lọc để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng". Vậy, quá trình đó đang diễn ra như thế nào tại Bản Việt?

- Có thể nói, quá trình này đang diễn ra liên tục và nhanh chóng tại Bản Việt. Chúng tôi thiết kế lại trải nghiệm trên ở tất cả các điểm tương tác (touch-point) với khách hàng, bắt đầu từ các giao dịch Online, sau đó đến các giao dịch tại quầy, tiến tới là triển khai thêm các kênh giao dịch "tự phục vụ" để đảm bảo khách hàng được phục vụ nhanh chóng và an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, người dùng luôn yêu cầu các dịch vụ phải được bảo mật cao, nhưng cùng đó lại đòi hỏi phải nhanh hơn, thuận tiện hơn... Trong khi đó, càng đặt ra nhiều hàng rào bảo mật thì thường là việc sử dụng càng bất tiện hơn. Ông có thể chia sẻ câu chuyện của Bản Việt - ngân hàng đã làm gì để đáp ứng yêu cầu này mà không phải "hy sinh" bất cứ yếu tố nào?

Ông Phan Việt Hải: Đúng là theo quan điểm thông thường thì bảo mật hơn sẽ đi kèm với bất tiện hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu chúng ta vẫn áp dụng thêm các biện pháp bảo mật vào các quy trình truyền thống và công nghệ cũ. Ở Bản Việt, chúng tôi thiết kế lại các quy trình phục vụ để ứng dụng công nghệ hiệu quả, giúp khách hàng có thể có giao dịch thuận tiện hơn mà vẫn đáp ứng được các yêu cầu bảo mật của ngành.

Cụ thể, các công nghệ định danh, xác thực tự động đang được sử dụng hiệu quả để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa vào các công nghệ giám sát giao dịch tự động để cảnh báo khách hàng kịp thời về những rủi ro có thể xảy ra.

Để có những bước tiến vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, Bản Việt chọn "bạn đồng hành" như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Việt Hải: Ngay từ đầu, chúng tôi nhận thức rõ, chuyển đổi số là nhu cầu và áp lực thực sự, nên xác định không đầu tư kiểu "theo phong trào". Đứng trước nhiều lời mời gọi của các đối tác công nghệ, Bản Việt xác định rõ mục tiêu là tìm giải pháp công nghệ phù hợp, không nặng tính trình diễn và đem lại hiệu quả cao cả về mặt đầu tư cũng như vận hành. Qua tìm hiểu kỹ càng, chúng tôi đã chọn được đối tác Cisco, mà cụ thể là sử dụng Hệ thống ACI của Cisco.

CIO Bản Việt:

Hệ thống ACI của Cisco.

Ngoài tên tuổi đã được khẳng định là một trong những hãng công nghệ hàng đầu về việc cung cấp giải pháp toàn diện đối với hệ thống Core Network, Cisco còn có đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên sâu và chuyên nghiệp. Đó là điều chúng tôi hết sức cần trong suốt quá trình đổi mới công nghệ để chuyển mình về hoạt động kinh doanh.

Vậy hệ thống này đã giải quyết được bài toán mà Bản Việt đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Việt Hải: Bản Việt chọn mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, mục tiêu chính là nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản và "gia cố" cho hệ thống cơ sở dữ liệu, vừa có độ bảo mật cao, vừa có sự liên thông linh hoạt trong các trung tâm dữ liệu tại chỗ và trên điện toán đám mây, trên các sàn giao dịch và trong các hoạt động chi nhánh. Với các yêu cầu này, hệ thống hạ tầng và công nghệ được đầu tư từ khá lâu nên đã trở thành lạc hậu và không thể đáp ứng được.

Để giải quyết bài toán này, hệ thống ACI của Cisco gồm 5 giải pháp chính giúp đơn giản hóa, tối ưu hóa, và tăng cường cơ sở dữ liệu hạ tầng cho Bản Việt. Đó là phân tích và xử lý lỗi tại một điểm duy nhất; tập trung dữ liệu theo quy mô từ trung tâm và khu vực địa lý; tích hợp liền mạch các mạng lưới để tối ưu hóa việc quản lý; thiết lập API nhằm tạo ra một môi trường làm việc tích hợp Tất-cả-trong-một, và cơ sở dữ liệu còn được bảo mật bởi hệ thống an ninh tối ưu nhất. Cùng đó, các lỗi tấn công đều được phát hiện và xử lý tự động đáp ứng các nguyên tắc bảo mật hiện hành.

Nhờ đó, không chỉ giảm thời gian "đóng băng" trong quá trình bảo trì, mà còn nâng cao khả năng chịu tải của hệ thống. Đồng thời, giúp tối ưu hóa Hệ thống của ngân hàng cốt lõi (Core Bank); tăng cường bảo mật, tự động hóa, tích hợp và tối ưu hóa hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, công nghệ của Cisco cũng giúp tăng cường khả năng giám sát và phân quyền sử dụng linh hoạt đối với nhóm người dùng và thiết bị đầu cuối cho ngân hàng.

Với việc hoạch định lộ trình công nghệ thông tin rõ ràng và chọn giải pháp phù hợp, chúng tôi đã có bước đầu thành công trong quá trình chuyển đổi số của mình, tự tin bước vào các giai đoạn tiếp theo của tiến trình chuyển đổi số.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
CIO Bản Việt: "Chuyển đổi số ngân hàng - không theo phong trào, đi vào thực chất"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO