Cơ hội và thách thức khi chuyển đổi số trong ngành tài chính
Việt Nam đang phát triển nhanh với mục tiêu trở thành quốc gia có nền kinh tế số vào năm 2030. Chuyển đổi số trong ngành tài chính không chỉ là một yêu cầu cấp bách, mà còn mở ra nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất, tăng trưởng kinh tế và mang lại sự tiện lợi cho người dân.
Cơ hội
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành tài chính Việt Nam, giúp nâng cao hiệu quả, tăng cường sự minh bạch và mang lại lợi ích cho cả các tổ chức tài chính lẫn khách hàng. Đối với các tổ chức tài chính, chuyển đổi số giúp tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, từ đó nâng cao hiệu suất hoạt động của các tổ chức tài chính.
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot tự động hóa quy trình (RPA)… cho phép các tổ chức tài chính thực hiện các giao dịch nhanh chóng hơn, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm chi phí vận hành. Bên cạnh đó, việc số hóa các quy trình kế toán, kiểm toán và quản lý dữ liệu giúp các tổ chức tài chính dễ dàng truy cập, quản lý và phân tích thông tin hơn. Các hệ thống quản lý hiện đại, không chỉ giúp giảm tải công việc thủ công, mà còn tăng cường tính chính xác và đáng tin cậy của dữ liệu.
Điều này đồng nghĩa với việc các quyết định tài chính có thể được đưa ra nhanh chóng và chính xác hơn, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Một trong những cơ hội lớn nhất mà chuyển đổi số mang lại cho ngành tài chính là khả năng mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ, đặc biệt tại các vùng nông thôn hoặc các khu vực khó tiếp cận. Nhờ sự phát triển của các ứng dụng ngân hàng trực tuyến và di động, các dịch vụ tài chính có thể được cung cấp 24/7 mà không phụ thuộc vào thời gian hay địa điểm. Ngoài ra, các công nghệ như blockchain, hợp đồng thông minh, chữ ký số... cho phép các giao dịch tài chính diễn ra một cách minh bạch và an toàn hơn, giảm thiểu các rào cản pháp lý và chi phí giao dịch.
Cùng với sự hỗ trợ của các công nghệ số, trải nghiệm khách hàng trong ngành tài chính đang ngày càng được cải thiện rõ rệt. Dữ liệu lớn (Big Data) và các công nghệ phân tích dữ liệu cho phép các tổ chức tài chính nắm bắt rõ hơn hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa. Công nghệ blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và an toàn trong các giao dịch tài chính. Đặc biệt, trong các hoạt động như vay vốn, bảo hiểm hay các giao dịch tài chính phức tạp khác, blockchain và hợp đồng thông minh có thể được sử dụng để tự động hóa các thỏa thuận và thực thi giao dịch mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro về pháp lý và giảm bớt chi phí trung gian mà còn tăng cường độ tin cậy và tính bảo mật của hệ thống tài chính.
Nhờ vào sự phát triển của các công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, các tổ chức tài chính có thể tối ưu hóa khả năng quản lý rủi ro và đưa ra các dự báo tài chính chính xác hơn. Trong đầu tư, các hệ thống AI có thể dự đoán xu hướng thị trường dựa trên các mô hình phân tích phức tạp, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong các tình huống biến động thị trường. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành tài chính phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới.
Sự phát triển của fintech tại Việt Nam là một minh chứng cho cơ hội lớn từ chuyển đổi số trong ngành tài chính. Các công ty fintech đang tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ tài chính mới, cung cấp các sản phẩm nhanh chóng, dễ tiếp cận và có tính cạnh tranh cao. Những nền tảng như ví điện tử, dịch vụ thanh toán trực tuyến, hay các giải pháp tài chính cá nhân hóa đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Chuyển đổi số trong ngành tài chính Việt Nam đã và đang mang lại nhiều cơ hội lớn cho các tổ chức tài chính và khách hàng. Để tận dụng hết các cơ hội này, ngành tài chính cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng công nghệ, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng số.
Thách thức
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chuyển đổi số trong ngành tài chính là sự thiếu đồng bộ và hạn chế của hạ tầng công nghệ. Để các dịch vụ tài chính số hoạt động hiệu quả, cần có một hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ, bao gồm các trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ, mạng internet tốc độ cao và hệ thống an ninh mạng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự phát triển của hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các dịch vụ tài chính số, đồng thời làm hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ này của một bộ phận lớn dân cư.
Hơn nữa, các tổ chức tài chính vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc tích hợp các hệ thống cũ với các nền tảng công nghệ mới; Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số cũng đang gấy áp lực đáng kể. Chuyển đổi số đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ nhân sự có trình độ cao về công nghệ thông tin và quản lý hệ thống số.
Tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đang là một thách thức lớn đối với các tổ chức tài chính. Phần lớn nhân sự hiện tại trong ngành tài chính chưa được đào tạo đầy đủ về các công nghệ mới như AI, blockchain, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu.
Khi chuyển đổi số, ngành tài chính đối diện với các thách thức nghiêm trọng về bảo mật thông tin và an ninh mạng. Những vụ tấn công vào hệ thống của các tổ chức tài chính có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và uy tín. Hơn nữa, sự thiếu đồng bộ trong các tiêu chuẩn bảo mật giữa các tổ chức tài chính khác nhau và giữa các quốc gia cũng tạo ra lỗ hổng cho hệ thống. Nhiều tổ chức tài chính ở Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống bảo mật đủ mạnh để chống lại các nguy cơ từ tội phạm công nghệ cao. Các công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu, hệ thống phát hiện xâm nhập, và kiểm soát truy cập vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Điều này đặt ra nguy cơ rủi ro lớn khi các tổ chức tài chính chuyển đổi sang môi trường số.
Hiện tại khung pháp lý của Việt Nam chưa thực sự theo kịp với tốc độ phát triển của chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Các quy định pháp lý về thanh toán điện tử, giao dịch số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, và phòng chống gian lận tài chính số chưa đầy đủ và đồng bộ. Hiện nay việc xây dựng và ban hành các quy định pháp lý tại Việt Nam thường gặp phải sự chậm trễ, tạo ra khoảng trống pháp lý trong quản lý và điều hành các dịch vụ tài chính số như blockchain, fintech, hay các hình thức tiền mã hóa…
Sự phát triển mạnh mẽ mang tính cạnh tranh của các công ty công nghệ tài chính (fintech) và doanh nghiệp nước ngoài đang tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt trong ngành tài chính. Các công ty fintech với các giải pháp tài chính linh hoạt, sáng tạo và dễ tiếp cận đã và đang dần chiếm lĩnh thị. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam trong việc giữ chân khách hàng và cạnh tranh về dịch vụ.
Các doanh nghiệp tài chính nước ngoài với tiềm lực tài chính và công nghệ vượt trội cũng đang gia nhập thị trường Việt Nam, tạo ra sức ép lớn cho các tổ chức tài chính trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ có lợi thế về vốn mà còn có kinh nghiệm dày dặn trong việc áp dụng công nghệ số vào dịch vụ tài chính, điều này khiến các tổ chức tài chính Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và phát triển./.