Cộng đồng dân tộc bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh

Kiến Lập| 20/12/2021 14:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay người dân tộc bản địa chỉ chiếm hơn 6% dân số thế giới. Tuy nhiên, họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ 80% đa dạng sinh học còn lại trên toàn cầu, nhân tố then chốt đối với những chương trình chống biến đổi khí hậu, giữ gìn môi trường và phát triển bền vững.

Cộng đồng cư dân bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh - Ảnh 1.

Người bản địa Nam Mỹ sử dụng máy bay không người lái để giám sát rừng. (Ảnh: CNN)

Việc bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai sẽ phụ thuộc một phần vào các giải pháp do cộng đồng cư dân bản địa sử dụng. Họ kết hợp sự am hiểu sâu sắc của mình về đất đai, điều kiện tự nhiên, môi trường với các kiến thức khoa học và công nghệ mới, từ đó đề ra giải pháp giữ gìn các hệ sinh thái đang dạng, nguyên thủy còn lại của hành tinh.

Ngoài ra, cộng đồng cư dân bản địa cũng cần phải được trang bị kiến thức, công cụ kỹ thuật số phù hợp để giữ gìn nền văn hóa truyền thống, đồng thời thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ.

Bảo vệ các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ

Kiến thức bản địa và quan hệ đối tác đã giúp tạo ra một số công nghệ đáng chú ý, với các trường hợp sử dụng khác nhau, từ y tế, pháp y đến môi trường. Đồng thời, nhiều cộng đồng đã sử dụng công nghệ mới nhất để giúp bảo vệ di sản của họ và vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu.

Chẳng hạn, người bản địa Awajún của Peru và Achuar sống tại Ecuador đã bắt đầu sử dụng các công cụ không gian địa lý (geospatial) để ngăn chặn việc lấn chiếm đất đai và khai thác gỗ bất hợp pháp. Họ đã được đào tạo và hiện được hỗ trợ thông qua chương trình Quan sát Trái đất để Quản lý Đất đai do Người bản địa quản lý (EO4IM), một dự án hợp tác của tổ chức phi chính phủ Conservation International và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA).

Tương tự, tại các khu rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, người dân bản địa Awapy Uru Eu Wau Wau đã sử dụng máy bay không người lái để theo dõi và báo cáo nạn phá rừng.

Cộng đồng này vốn vẫn cách biệt với thế giới bên ngoài cho đến những năm 1980, sống trong một khu rừng nhiệt đới được bảo vệ hợp pháp trải dài 7.000 dặm vuông ở bang Rondonia, phía tây Brazil. Họ sống dựa vào rừng để trồng trọt, hái lượm lương thực, săn bắn, đánh cá và làm thuốc.

Từ năm 2019, 5 cộng đồng bản địa, bao gồm người Awapy Uru Eu Wau Wau đã tham gia khóa đào tạo vận hành máy bay không người lái do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), Brazilian NGO và Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Kaninde Ethno, tổ chức.

Cộng đồng cư dân bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh - Ảnh 2.

Máy bay không người lái giúp cộng đồng Awapy Uru Eu Wau Wau giám sát khu vực rộng hơn và tránh gặp nguy hiểm. (Ảnh: CNN)

Máy bay không người lái chụp được hình ảnh có độ phân giải cao, video và dữ liệu bản đồ GPS có thể được sử dụng làm bằng chứng khi báo cáo các hoạt động bất hợp pháp cho chính quyền. Thiết bị này cho phép cộng đồng bản địa giám sát một khu vực rộng lớn, đồng thời tránh đối đầu nguy hiểm với những kẻ khai thác gỗ và chiếm đất bất hợp pháp.

Ngoài việc bảo vệ rừng nhiệt đới, các cộng đồng bản địa sử dụng máy bay không người lái để xác định vị trí cây hạt quả hạch Brazil, loài cung cấp nguồn thực phẩm và mang lại thu nhập, đồng thời theo dõi các loài quan trọng, chẳng hạn như đại bàng harpy - loài chim thiêng liêng đối với Awapy Uru Eu Wau Wau.

Ngăn chặn nguy cơ động vật tuyệt chủng

Không riêng tại Nam Mỹ, việc áp dụng công nghệ của cộng đồng cư dân bản địa có thể giúp giải quyết các thách thức sinh thái ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn thế giới.

Tại Cape York của Australia, một nhóm chủ sở hữu đất người bản địa và các nhà khoa học đã kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và kiến thức truyền thống để bảo vệ những chú rùa con có nguy cơ tuyệt chủng.

Máy ảnh gắn trên máy bay không người lái và máy bay trực thăng quét các bãi biển để tìm dấu vết của rùa và động vật ăn thịt. Hàng nghìn hình ảnh sau đó được xử lý và phân tích bằng máy học, AI và điện toán đám mây.

Được trang bị máy theo dõi và cập nhật vị trí theo thời gian thực chính xác, các kiểm lâm bản địa có thể di chuyển đến những nơi rùa làm tổ. Họ bảo vệ tổ bằng lồng, lưới và hàng rào chắc chắn để ngăn động vật ăn thịt tấn công, nhưng có khoảng trống đủ lớn để con non chui qua.

Rùa và trứng của chúng là nguồn thực phẩm truyền thống bền vững cho người dân bản địa trong nhiều thiên niên kỷ. Trong tự nhiên, có loài chó và thằn lằn đặc hữu là kẻ thù, nhưng chúng tác động không đáng kể đến số lượng rùa.

Cộng đồng cư dân bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh - Ảnh 3.

Loài rùa được được người bản địa giám sát vào bảo vệ với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. (Ảnh: Microsoft)

Tuy nhiên, thời gian gần đây một quần thể lợn rừng du nhập phát triển ngoài kiểm soát. Chúng là hậu duệ của vật nuôi được người châu Âu mang đến Australia từ 2 thế kỷ trước.

Nếu một con lợn đói tìm thấy ổ rùa, tỷ lệ sống sót của trứng và rùa con gần như bằng không. Ngoài việc bảo vệ an toàn cho quần thể rùa, các nhà khoa học và cư dân bản địa còn sử dụng công nghệ để tính toán số lượng lợn rừng, từ đó đưa ra kế hoạch tiêu diệt chúng nhằm tránh tình trạng phát triển mất kiểm soát, tổn hại đến hệ sinh thái.

Hỗ trợ cộng đồng cư dân bản địa ứng phó biến đổi khí hậu

Hiện tại, khí hậu toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng đang đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với cuộc sống của người dân bản địa.

Ở Bắc Cực, nơi đã nóng lên nhanh gấp 3 lần so với toàn bộ hành tinh, các công nghệ mới và trí tuệ lâu đời đang giúp các cộng đồng người Inuit an toàn khi đi du lịch và săn bắn trên lớp băng mỏng.

Cảm biến tĩnh được lắp vào băng và cảm biến di động được kéo phía sau xe trượt tuyết theo dõi độ dày của băng và tuyết trong thời gian thực.

Cộng đồng cư dân bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh - Ảnh 4.

Công nghệ hiện đại hỗ trợ người Inuit thích ứng với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Arctic Eider Society)

Dữ liệu được cung cấp vào một ứng dụng có tên SIKU, có nghĩa là "băng biển" trong ngôn ngữ Inuit truyền thống. Ứng dụng kết hợp dữ liệu cảm biến với hình ảnh vệ tinh và kiến thức cộng đồng cập nhật để hướng dẫn người Inuit di chuyển an toàn.

Chính phủ Canada cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng bản địa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại khu vực Kivalliq, khoa học và qaujimajatuqangit (hay kiến thức truyền thống của người Inuit) đang được khai thác để nghiên cứu mối liên hệ giữa khí hậu, thảm thực vật cùng sự di chuyển của đàn tuần lộc và giải quyết những lo ngại của cộng đồng về an ninh lương thực.

Earth Defenders Toolkit là sáng kiến được tại ra bởi các tổ chức dân chủ kỹ thuật số, cung cấp công nghệ cần thiết cho người dân bản địa và các cộng đồng xung quanh. Trong đó, ứng dụng Mapeo giúp thu thập bằng chứng về các vấn đề môi trường và ghi lại địa điểm. Terrastories, hoạt động ngoại tuyến, là một nền tảng được dùng để ghi lại lịch sử truyền miệng của người bản địa.

Bộ công cụ này nhằm mục đích hỗ trợ quyền tự chủ của địa phương và chủ quyền dữ liệu, dựa trên tiền đề rằng tất cả dữ liệu được tạo ra đều thuộc về cộng đồng.

Thúc đẩy sự hòa nhập của người bản địa vào thế giới kỹ thuật số

Khi mọi người ở khắp mọi nơi chuyển sang sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cuộc sống hàng ngày, cộng đồng bản địa cũng cần có sự thích ứng nhất định. Bảo vệ các kỹ năng và giá trị truyền thống không có nghĩa là bị bỏ lại phía sau, tạo ra khoảng cách về tiến bộ kỹ thuật số ngày càng rộng.

Tại khu vực San Diego, phía tây nam Mỹ, dự án Tribal Digital Village thực hiện từ 2001, đang kết nối các cộng đồng bộ lạc và cư dân nông thôn chưa được tiếp cận Internet băng thông rộng. Mạng lưới này hiện phục vụ hơn 500 km đường liên kết "điểm tới điểm" và "điểm tới đa điểm" hỗ trợ 86 văn phòng và trường học.

Mặc dù mọi người đều cần cơ sở hạ tầng đầy đủ, người dân bản địa cũng cần có khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số theo cách riêng của họ. Mikaela Jade, một phụ nữ Cabrogal, địa phương nói tiếng Dharug của Australia, ủng hộ phương pháp đồng thiết kế để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số.

Công ty Indigital của cô cung cấp các khóa đào tạo cho cộng đồng người Australia bản địa về thực tế tăng cường, thực tế hỗn hợp, AI, học máy, Internet of Things và công nghệ không gian địa lý. Các buổi học dựa trên kiến thức văn hóa và ngôn ngữ truyền thống để gắn kết với các trường học và cộng đồng bản địa.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng dân tộc bản địa dùng công nghệ để bảo vệ hành tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO