Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong các nền kinh tế ASEAN
Tại khu vực Đông Nam Á, chênh lệch về giới vẫn tồn tại trong khu vực tư nhân, bao gồm cả trong các tập đoàn lớn và các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME).
Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), năm 2018 tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới trên toàn ASEAN thấp hơn 23% so với nam giới.
Phụ nữ hiện đóng vai trò không thể thiếu với tư cách là chủ DN ở cấp địa phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực phi chính thức liên quan đến các dịch vụ thực phẩm và chăm sóc. Ước tính có khoảng 61,3 triệu phụ nữ làm chủ và điều hành DN trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, tỷ lệ này tại các quốc gia trong ASEAN cũng có sự khác nhau, ví dụ thống kê vào năm 2018 cho thấy 69% DN ở Philippines và 64% ở Thái Lan có sự hiện diện của phụ nữ trong quyền sở hữu DN. Như vậy, bất bình đẳng giới vẫn là một đặc điểm của các nền kinh tế khu vực ASEAN và tiếp tục là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế.
Việc thiếu sự tham gia của lao động nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành khiến các nền kinh tế khu vực thiệt hại ước tính hàng năm từ 7% thu nhập bình quân đầu người ở Campuchia (mức thấp) tới 26% thu nhập bình quân đầu người ở Brunei (mức cao).
Gặp khó khăn về khả năng tiếp cận tín dụng
Đối với nhiều chủ DN nhỏ, khả năng tiếp cận tín dụng là một trở ngại lớn đối với sự tăng trưởng của DN.
Theo Diễn đàn Tài chính DN nhỏ và vừa, một tổ chức chuyên hỗ trợ khả năng tiếp cận tài chính cho các DN nhỏ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có 45% DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên thế giới phải đối mặt với một số hạn chế tài chính – tức là gặp khó khăn để có được tín dụng.
Tại Việt Nam và Malaysia, hai quốc gia có khoảng cách về tài chính cho DN nhỏ lớn nhất trong khu vực, các SME do nam giới làm chủ thiếu hụt khoảng 34 triệu USD vốn. Đối với các DN do nữ giới làm chủ, hai nước thiếu hụt khoảng 11 triệu USD vốn.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi phụ nữ làm chủ DN, họ cũng thường gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo hạn mức tín dụng so với nam giới.
"Một trong những lý do khiến các công ty do nữ giới làm chủ có quy mô nhỏ hơn so với các công ty do nam giới làm chủ là họ thường bị từ chối cấp tín dụng. Ví dụ, nhiều người cho vay nhỏ thường yêu cầu tài sản thế chấp, trong khi đó tại nhiều quốc gia ASEAN, tài sản thế chấp hộ gia đình, đặc biệt là đất đai, thường do người chồng đứng tên", Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp fintech Lucy, Debbie Watkin, cho biết.
Hỗ trợ các doanh nhân nữ tại ASEAN
Vào đầu năm 2020, một công ty khởi nghiệp fintech có tên Lucy được thành lập với mục đích hỗ trợ các doanh nhân nữ bị "coi thường, đánh giá thấp và không được ngân hàng hỗ trợ".
Nhóm nghiên cứu tại Lucy hiện đang triển khai thử nghiệm các chương trình của mình, và có kế hoạch tung ra các dịch vụ đầy đủ vào cuối năm nay. Sau khi bắt đầu cung cấp các dịch vụ tại Singapore, Lucy có kế hoạch mở rộng khắp Đông Nam Á. Công ty cho biết việc sử dụng công nghệ để đầu tư hiệu quả cho các chủ DN nữ có thể giúp họ mở rộng hoạt động của mình.
Theo Giám đốc điều hành của Lucy, Debbie Watkins, công ty sẽ tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng thông qua một ứng dụng di động giúp theo dõi các thông tin quan trọng.
"Chúng tôi sẽ cung cấp một loạt các dịch vụ tài chính - từ giữ an toàn và tiết kiệm, đến chuyển tiền và tín dụng. Mỗi dịch vụ trong số này sẽ lấy khách hàng làm trung tâm. Chúng sẽ được điều chỉnh để giải quyết những thách thức cụ thể của các phân khúc (kinh tế) khác nhau mà chúng tôi sẽ phục vụ", Watkins cho biết.
Công ty cũng có kế hoạch thúc đẩy cộng đồng và kết nối với các chủ DN khác trên toàn khu vực.
"Một phần quan trọng của Lucy sẽ là cộng đồng - kết nối các nữ doanh nhân trong tất cả các nhóm kinh tế - xã hội để giúp họ chia sẻ những kinh nghiệm và lời khuyên thiết thực cho nhau", Watkins bổ sung thêm.