Covid-19: Khởi đầu cho chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam

Lan Phương| 11/05/2020 09:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT đã chia sẻ những thông tin về tình hình ứng dụng CNTT trong tháng 3, 4/2020 tại Việt Nam khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra và Chính phủ thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là cơ hội cho chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam.

Covid-19: Đại thao diễn lĩnh vực ứng dụng CNTT

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước ngành TT&TT 4 tháng đầu năm 2020 mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, cho biết: Covid-19 được xem là lần đại thao diễn cho lĩnh vực ứng dụng CNTT. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngành TT&TT đã huy động, hiệu triệu 16 doanh nghiệp (DN) CNTT của Việt Nam, với khoảng 1000 kỹ sư chuyên môn để tạo ra 22 sản phẩm phần mềm. Có những phần mềm được tạo ra trong thời gian ngắn kỷ lục đo bằng giờ, ngày và nhiều nhất là 7 ngày.

"Chúng ta vừa phát triển, vừa tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, rất nhiều nội dung của các phần mềm Việt Nam sản xuất đã kịp đi cùng với thế giới như để truy vết người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 chúng ta có tới 4 ứng dụng. Hai tháng vừa qua có thể được xem là một cuộc tập dượt, thực chiến của lĩnh vực CNTT", ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng thông tin, trong 2 tháng 3 và 4/2020 đã ghi nhận tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVC TT) mức độ 3 tăng từ 26 - 32%, DVC TT mức độ 4 tăng từ 11 - 14%. Đặc biệt so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ DVC TT phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi, tức là tăng từ 12 – 24%, cho thấy trong 2 tháng chúng ta đạt được thành quả bằng tất cả thời gian trước đấy cộng lại.

Đây thực sự là cơ hội cho chuyển đổi số khi Bộ TT&TT đã ban hành văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các loại hồ sơ TTHC và phấn đấu đưa 100% các DVC trực tuyến lên mức độ 3, 4. Trong 2 tháng, một số bộ, ngành, địa phương đã làm rất tốt nội dung này.

Covid-19: khởi đầu cho chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Trên cơ sở đó, ông Dũng cho biết: các DN CNTT Việt Nam cần vào cuộc, hỗ trợ các bộ ngành, địa phương đưa DVC TT lên mức độ 3, 4 ngay trong năm 2020 này. Đây sẽ là một tiền đề tốt.

Điểm đáng chú ý nữa, theo ông Dũng, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều người làm việc từ xa, nhu cầu tích hợp chia sẻ dữ liệu nhiều, số bộ ngành kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng gấp đôi, từ 40 bộ/tỉnh lên 70 bộ/tỉnh, trong đó số Bộ/ngành địa phương phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu bộ/tỉnh tăng gấp đôi, từ 27% lên 44%.

Để kiến tạo thị trường và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ông Dũng cho biết: Bộ TT&TT đặt mục tiêu trong năm 2020 là 100% các bộ/tỉnh có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu bộ/tỉnh và 100% kết nối với NGSP (hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương). Trong Quý 2 này, Cục sẽ cùng kết nối các DN và địa phương triển khai nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu này với bộ ngành/địa phương để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 42.000 cơ sở giáo dục, 14.000 cơ sở y tế, 24 triệu hộ gia đình với thị trường 100 triệu dân thì đây là các nền tảng cho cơ hội chuyển đổi số. "Chúng ta phải nhận thấy đây là thời cơ cho chuyển đổi số, phải đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số và để đẩy nhanh hơn tiến trình này thì bắt buộc phải dùng các nền tảng", ông Dũng cho hay.

Vừa qua một loạt nền tảng đã được khai trương, phát động sử dụng như nền tảng quản lý dạy và học trực tuyến, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, mã bưu chính Việt Nam Vpostcode, thúc đẩy TMĐT, logistics, dịch vụ công. Bộ TT&TT sẽ tiếp tục ra mắt nền tảng học trực tuyến do các DN Việt Nam phát triển cũng như các công tác khác phục vụ chuyển đổi số.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, việc ra mắt các nền tảng này mới chỉ là bắt đầu cho một tiến trình. Bộ TT&TT và các DN sẽ cùng tận dụng khởi đầu này để làm tốt hơn và mang những nền tảng vào cuộc sống được nhiều hơn.

Chuyển đổi số là một quá trình

Theo ông Dũng, chuyển đổi số thực ra là một quá trình đã diễn ra nhiều năm với các mức độ khác nhau. Việc đầu tiên là số hoá thông tin, số hoá toàn bộ các văn bản. Tiếp theo là số hoá một số quy trình nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để nâng cao quy trình nghiệp vụ. Quá trình này có thể gọi là tin học hoá. Còn chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi toàn bộ một tổ chức từ thông tin, quy trình nghiệp vụ đến thay đổi căn bản toàn diện cách thức sống, quản lý, vận hành. Chúng ta chuyển đổi hoàn toàn từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ không gian truyền thống sang không gian mạng.

Bộ TT&TT đã trình Chính phủ Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, chuyển đổi số có những yếu tố dẫn dắt là nhận thức, thể chế, chính sách, quy định. Tiếp theo là yếu tố DN công nghệ và phát triển trụ cột số.

Bên cạnh những yếu tố dẫn dắt, chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng nhấn mạnh đến các yếu tố mang tính nền tảng như là hạ tầng số, hệ thống nền tảng số, nhân lực, đổi mới sáng tạo, an toàn an ninh mạng và cùng tham gia vào tiến trình này là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thay đổi nhận thức để chuyển đổi số thành công

Để thành công trong chuyển đổi số, ông Dũng chia sẻ cách nghĩ rất quan trọng. Chuyển đổi số sẽ thất bại nếu thực hiện theo ba cách nghĩ dưới đây.

Đầu tiên là cách nghĩ chuyển đổi số bằng cách tạo ra một đơn vị nhỏ, hoặc một công ty khởi nghiệp trong lòng DN lớn. "Cách nghĩ này thường dẫn đến thất bại, ví như tổ chức của chúng ta là một con thuyền lớn và chúng ta tạo ra một đơn vị nhỏ chuyển đổi số để dẫn dắt việc này thì không khác nào chúng ta dùng một xuồng cao tốc để chuyển hướng một con tàu lớn. Con xuồng cao tốc thì vẫn chạy nhưng việc chuyển hướng con tàu này không thể làm giống con xuồng cao tốc".

Cách nghĩ thứ hai là tiến hành một loạt sự kiện chuyển đổi số cùng một lúc theo kiểu "trăm hoa đua nở". Việc này thường dẫn đến một số thực tiễn nhất thời nhưng cũng nhanh chóng kết thúc và không tạo ra sự bền vững.

Cách nghĩ thứ ba có thể dẫn đến thất bại là ứng dụng công nghệ để tăng giá thành, tăng tính hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, nó không dẫn đến sự thay đổi tận gốc chuyển đổi số của tổ chức và vì vậy thất bại.

Dẫn chứng cho việc này, ông Dũng cho rằng các hãng taxi nếu chỉ nghĩ đến ứng dụng công nghệ vào hoạt động taxi truyền thống thì sẽ thất bại khi đã có những DN như Uber và Grab.

Theo ông Dũng, hình ảnh minh hoạ trực quan nhất và tốt nhất là hình ảnh từ con ngài chuyển đổi thành con bướm cất cánh bay lên.

"Quá trình chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện cách thức sống, cách thức quản lý, vận hành, cách thức ứng xử từ bên trong của chính tổ chức đó... Chuyển đổi số thất bại nếu chúng ta chỉ mua sắm trang thiết bị đến quy trình nhưng không làm thay đổi tận gốc cách thức vận hành và cách nghĩ, cách làm của một tổ chức".

Theo các chuyên gia trong và ngoài nước, từ khoá quan trọng cho chuyển đổi số là "Digital to the Core" tức là chuyển đổi số tận gốc. "Chúng ta chỉ thành công trong chuyển đổi số khi coi chuyển đổi số bao trùm lên mọi lĩnh vực, mọi quyết định".

"Dịch Covid-19 có thể coi là hồi chuông, nút nhấn bắt đầu cho tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam để chúng ta chuyển đổi xã hội thành xã hội số, chuyển đổi kinh tế thành kinh tế số, và quan trọng nhất, trọng tâm nhất và tác động mạnh mẽ nhất là chúng ta chuyển đổi chính phủ thành chính phủ số", ông Dũng cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Covid-19: Khởi đầu cho chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO