Tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, phát triển đô thị thông minh thực sự là một “cuộc chơi lớn”; trong đó, cần có những “người cùng chơi” có “tầm nhìn” và “tiềm lực”, hướng tới mục tiêu nhân văn là cuộc sống hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ môi trường và thiết lập hệ sinh thái đô thị phát triển bền vững.
Việt Nam xác định đây là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia.
Trước hết, phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu này cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và thay đổi nhận thức từ mỗi người dân.
Theo thống kê từ Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, Việt Nam đã có 35 đô thị triển khai các hoạt động theo định hướng đô thị thông minh.
Thế nhưng, để đi vào thực chất, phát huy được tối đa các ưu thế của đô thị, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực thì cần lộ trình rõ ràng và cách làm phù hợp với hiện trạng từng đô thị.
Các mục tiêu cụ thể để xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gồm: đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030 hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với các đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045 cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đi đầu thuộc nhóm khu vực châu Á có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh...
Những mục tiêu đặt ra rất lớn nhưng với nền tảng công nghệ và phát triển của các đô thị của Việt Nam hiện nay vẫn đang cần một lộ trình phù hợp.
Trước những băn khoăn này, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái khẳng định, Đề án của Chính phủ đã xác định các mốc cơ bản, vậy thì từ nay đến năm 2025 sẽ xác định tập trung những cơ sở nền tảng về mặt pháp lý - đây là yếu tố quan trọng để có thể thực hiện được đô thị thông minh, đồng thời dựa trên cả cơ sở rút ra từ kinh nghiệm thế giới.
Chặng tiếp theo là thí điểm, phấn đấu mỗi vùng đô thị, mỗi vùng kinh tế sẽ có được một đô thị thông minh để dần dần hình thành được mạng lưới kết nối, chuỗi đô thị thông minh.
Để phát triển đô thị thông minh bền vững thì nguồn lực là yếu tố quan trọng không thể thiếu.
Nhìn vào các quốc gia trên thế giới có thể thấy, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) dành trên 230 triệu USD, Dubai (Tiểu Vương quốc Ả Rập) dự kiến đầu tư gần 8 tỷ USD và Chính phủ nước này đã quyết định sẽ phát triển khoảng 100 đô thị thông minh với kinh phí là 1,24 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay cả các công trình trọng yếu ở các đô thị hiện cũng đang khó khăn về vốn. Như vậy, bài toán nguồn lực cũng là câu chuyện phải tìm lời giải.
Ông Trần Quốc Thái chia sẻ, nhiều người đặt vấn đề đô thị Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề thì nên tập trung giải quyết trước rồi hẵng nghĩ đến việc thông minh. Tuy nhiên, câu chuyện tại Barcelona, tổng kinh phí đề ra là như vậy nhưng được chia ra làm nhiều block, mỗi block là 9m x 9m và họ làm thí điểm trước sau đó rút kinh nghiệm.
Với Ấn Độ, Chính phủ liên bang đầu tư 50% còn lại 50% là của thành phố, của địa phương nơi họ đề xuất. Do đó, vốn đầu tư cho đô thị thông minh của mỗi đô thị sẽ khác nhau.
Đầu tư phát triển thành phố thông minh hay đô thị thông minh sẽ đem lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm được các khoản chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý và các vấn đề mang lại trực tiếp từ lợi ích chi phí.
Đơn cử như giảm ùn tắc thì sẽ không bị ô nhiễm môi trường và có những hệ quả tích cực hơn. Đặc biệt, khi làm đô thị thông minh sẽ mở ra một thị trường mới và đấy là những cơ hội và lợi ích để đầu tư – ông Thái phân tích.
Một trong những lý do để theo đuổi mô hình đô thị thông minh là bởi những chính sách khi làm tốt sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, kể cả những người ở tầng lớp thấp nhất.
Ông Thái dẫn chứng, giao thông công cộng thuận lợi thì bất kể ai cũng có thể lên xe bus, không phân biệt giàu nghèo. Khi mọi người chia sẻ tốt trên mạng lưới hệ thống thông tin thì người bán rau cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh để mang lại lợi ích kinh tế cho họ.
Tuy nhiên, cần nhận thức đầy đủ, xây dựng đô thị thông minh không chỉ là việc riêng của Nhà nước mà phải có sự tham gia của tất cả các đối tác, thành phần kinh tế trong xã hội. Nhà nước tạo cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.
Là một trong những địa phương tiên phong trong việc xây dựng đô thị thông minh, ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, căn cứ vào dữ liệu phản ánh của người dân, các thông tin được phân phối theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh đến từng cơ quan xử lý.
Điều này khắc phục được tình trạng đi qua nhiều cấp và giảm thời gian xử lý đối với những phản ánh thông thường và có thể giúp chính quyền giải quyết hơn 60% phần việc so với trước đây.
Trong giải pháp dịch vụ đô thị thông minh được triển khai có cả các dịch vụ như phản ánh hiện trường, giám sát dịch vụ hành chính công, giám sát môi trường... Hiện nay, 100% các cơ quan chức năng của Thừa Thiên Huế đã cùng tham gia xử lý nghiệp vụ trực tuyến thông qua các dữ liệu được liên kết.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Giảng viên ngành phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức cho rằng, khi nói đến thành phố thông minh hay vùng thông minh sẽ liên quan đến rất nhiều câu chuyện.
Gần đây mọi người nói nhiều đến công nghệ nhưng trước hết nên hiểu thông minh là những lựa chọn khôn ngoan hơn của tất cả mọi người. Đặc biệt, cấp độ đô thị thì liên quan đến sự lựa chọn của cả một hệ thống mà người định hướng trước hết là những nhà lãnh đạo của thành phố.
Thông minh cần được hiểu theo nghĩa là những lựa chọn tốt hơn trong các lựa chọn. Dựa vào công nghệ hay vào xã hội thì đều có được kết quả giống nhau. Nhưng rõ ràng, công nghệ giờ nhanh và hiện đại nên có lợi thế.
Thành phố thông minh sẽ là một trong những động lực phát triển mới để chuyển sang một nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số.
Hiện nay hệ thống đô thị của Việt Nam đang trong quá trình phát triển với tổng số hơn 800 đô thị trên cả nước. Bên cạnh các thành tựu đạt được cũng còn nhiều tồn tại, các vấn đề bất cập, bức xúc nên khi làm đô thị thông minh cũng cần xác định rõ ưu tiên trong từng giai đoạn.
Kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP. Nếu phát triển được đô thị thông minh sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên việc phát triển đô thị thông minh còn phụ thuộc vào chính năng lực mỗi nguồn lực và sức tăng trưởng của từng đô thị. Không thể phát triển đô thị thông minh như một phong trào, bởi sẽ cho hiệu quả thấp và lãng phí lớn.
Câu chuyện “liệu cơm gắp mắm” của từng đô thị trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn là sự chung tay của tất cả các cấp ngành. B
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, hiện đang thiếu cơ sở pháp lý cho đô thị thông minh thì nhiệm vụ thời gian tới là sẽ xây dựng những công cụ quản lý, định chế, quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch, công trình thông minh trong đô thị... hành lang pháp lý sẽ đảm bảo việc điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị thông minh trong cả nước một cách đồng bộ thống nhất, hiệu quả./.