"Ghi dấu" triển khai ngày CĐS
Điển hình cho chuỗi sự kiện trên, Đắk Nôngvừa tổ chức Chương trình Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng và ứng cứu sự cố năm 2022. Sự kiện do Sở TT&TT tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) và Viettel Đắk Nông thực hiện đã thu hút được đông đảo hơn 60 học viên là cán bộ chuyên trách ATTT các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh tham dự.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Thương, Giám đốc Sở TT&TT Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện nay, mặc dù tỉnh chưa ghi nhận các cuộc tấn công lớn nào vào hệ thống chính quyền điện tử, nhưng tuy nhiên, vẫn ghi nhận những cuộc tấn công vào các lỗ hổng trên hệ thống cũ, chưa được nâng cấp, đồng bộ, vá lỗi…
Do đó, Giám đốc Sở TT&TT Đắk Nông nhấn mạnh, diễn tập thực chiến ATTT mạng lần này có ý nghĩa sâu sắc, mở ra các cơ hội hữu ích góp phần trang bị thêm những kiến thức cần thiết, cơ bản để đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các đơn vị nắm bắt, hiểu rõ hơn về diễn biến, tình hình phức tạp, khó lường của các cuộc tấn công đang xảy ra trên không gian mạng, để từ đó kịp thời, nhanh chóng phát hiện những lỗ hổng về công nghệ, con người và quy trình; đồng thời, có giải pháp sẵn sàng ứng phó, khắc phụ khi có sự cố xảy ra trên hệ thống đang vận hành.
Chia sẻ thêm về việc triển khai ATTT trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở TT&TT Đắk Nông cũng cho biết, đến nay tỉnh đã triển khai kiểm tra, đánh giá ATTT cho 20/27 sở, ngành, UBND huyện (đạt tỷ lệ 74%); triển khai Hệ thống giám sát ATTT mạng (SOC) cho 15/15 máy chủ vật lý và 68/69 máy chủ ảo hóa tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và kết nối với hệ thống giám sát ATTT mạng quốc gia.
"Sau thời gian những nỗ lực tích cực trong công tác này, đến nay, số máy tính trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đã được triển khai phần mềm phòng, chống mã độc (đạt 28%)", ông Trần Văn Thương nhấn mạnh.
Tại buổi diễn tập, các đội được thực hành thông qua các tình huống xây dựng sát với thực tế, hiện trạng đang tồn tại trên địa bàn; các phương pháp, cách thức tin tặc tấn công vào hệ thống mạng, máy tính; các biện pháp khắc phục lỗ hổng…
Nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình cũng như những mong muốn, mục tiêu hướng đến việc thực hiện hiệu quả đảm bảo, bảo vệ ATTT mạng cho Đắk Nông cho hiện tại và tương lai, đại diệnVNCERT mong muốn địa phương cần tiếp tục phát huy và chú trọng mạnh mẽ hơn nữa cho công tác này, đặc biệt, cần tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, đồng thời, bám sát thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ TT&TT, trong đó, có hướng dẫn, tài liệu của Cục ATTT về việc kiểm tra ATTT đối với các lỗ hổng bảo mật phổ biến trên các ứng dụng, hệ thống mạng…
Những kết quả số được tạo ra
Cũng theo Giám đốc Sở TT&TT Đắk Nông, đây là năm đầu tiên tỉnh triển khai chương trình nhằm hưởng ứng mạnh mẽ ngày CĐS quốc gia 10/10 và nhằm thực hiện cụ thể hóa Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam, đồng thời thực hiện Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc lấy ngày 01/11 hàng năm là ngày CĐS của địa phương.
Trong thời gian qua, việc thực hiện công tác, nhiệm vụ CĐS của tỉnh Đắk Nông, đặc biệt trên các lĩnh vực: Nhận thức số; thể chế số; hạ tầng số; nhân lực số; chính quyền số; kinh tế số; xã hội số; triển khai vận hành Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Đắk Nông… đã luôn được tỉnh chú trọng thực hiện, đổi mới và thu được nhiều kết quả ấn tượng.
Điển hình kết quả đạt được ở ba trụ cột, lĩnh vực: Chính quyền số (CQS), kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Về CQS, tỉnh đã triển khai, sử dụng các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu ứng dụng dịch vụ phiên bản 2.0; sử dụng hệ thống quản lý văn bản, điều hành (phiên bản 5.0) đảm bảo việc kết nối giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước cấp tỉnh đến cấp xã và người dân (đạt 100%); số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt 28,3%), mức độ 4 (16,8%)…
Đối với lĩnh vực KTS dần được hình thành khi tỷ lệ DN nộp thuế điện tử và hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 100%); số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin (đạt 92,8%); tỷ lệ người dân tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động(đạt 25%)…
"Số lượng hồ sơ khởi tạo có tài khoản hồ sơ sức khỏe điện tử từ bảo hiểm xã hội (đạt 99,7%); thanh toán không dùng tiền mặt đối với các lĩnh vực trong các cơ sở giáo dục, trường học (đạt 65%); địa chỉ số gắn với bản đồ số (đạt 100%)…", kết quả điển hình đạt được trong lĩnh vực XHS.
Như vậy, có thể nói với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua trong công tác CĐS nói chung của địa phương, chúng ta luôn tin tưởng Đắk Nông sẽ tạo ra nhiều hơn nữa các giá trị, lợi ích trong công tác này. Đặc biệt, việc tỉnh lấy ngày 01/11 hàng năm là ngày CĐS của địa phương chính là cam kết, động lực của Đảng bộ, nhân dân, chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà ngày một hoàn thiện, bền vững./.