Truyền thông

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển đảo Việt Nam

Lê Đạt 14:31 09/12/2024

Hiện nay, các thế lực xấu vẫn không ngừng xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ chủ quyền biển đảo, hòng gây mất niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong bảo vệ và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông.

Lợi dụng Internet và mạng xã hội (MXH) ngày càng phát triển, các thế lực thù địch, phản động, một số tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn đang không ngừng phát tán tin giả, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chúng vu cáo Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam “không kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển”, “lúc nào cũng chỉ muốn đối thoại, đàm phán hòa bình nên để nước ngoài lấn tới...”; "không đủ năng lực và không đủ quyết tâm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”... Từ đây, chúng hạ thấp vị thế và vai trò của Quân đội, âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

picture10.png
Nhà giàn DK1-21 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh: Tạp chí cộng sản)

Các đối tượng ra sức xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia có biển trong khu vực biển Đông, tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động chống đối Đảng và Nhà nước. Chúng kêu gọi Đảng, Nhà nước ta phải từ bỏ chính sách đối ngoại quốc phòng “4 không”, đòi Đảng ta “thực hiện liên minh quân sự” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển...

Có thể kể đến những sự kiện bị thế lực xấu lợi dụng và lặp lại nhiều lần hành động xuyên tạc nhằm gây hoang mang dư luận như: tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp năm 2011 và 2012; dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông năm 2014; Mỹ và các nước đồng minh ngày càng can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông; sự cố môi trường do Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung…

picture11.png
Ảnh minh họa. Nguồn: vov.vn

Đặc biệt, khi tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp hoặc khi đến đến dịp kỷ niệm các sự kiện diễn ra trên biển, đảo thì các kênh như BBC, RFA, RFI, các trang web, MXH của các tổ chức, đối tượng phản động lại tăng cường phát tán tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc về vấn đề này.

Ví dụ, cứ đến ngày 14/3 hằng năm, các thế lực xấu lại tung ra những hình ảnh, phát tán nội dung xuyên tạc cho rằng trận chiến bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa ngày 14/3/1988, Việt Nam mất Gạc Ma là do có lệnh không được nổ súng, bưng bít thông tin chuyện mất đảo…

picture12.png
Đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Lê Văn Hùng

Ngoài ra, các sự kiện khác như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979), cuộc hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974), cũng bị các thế lực thù địch bóp méo sự thật và phán tán thông tin để lấy cớ kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

Gần đây, các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục lợi dụng sự kiện Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động bất hợp pháp tại bãi đá Tư Chính thuộc vùng thềm lục địa của Việt Nam để tuyên truyền những luận điệu sai trái, thù địch, quy chụp Đảng, Nhà nước “không lo bảo vệ biển đảo”, né tránh, lãng quên những vấn đề này; lấy cớ việc tổ chức “tưởng niệm” để lôi kéo, kích động chống phá, tổ chức các hoạt động tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự tại các địa điểm công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội và một số thành phố lớn khác…

picture13.png
Hình ảnh những người lính trên đảo Trường Sa. (Ảnh: vov.vn)

Quan điểm xuyên suốt của Đảng về bảo vệ biển đảo Việt Nam

Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Chỉ cần là vấn đề liên quan đến chủ quyền dân tộc, toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta luôn quyết chí, đồng lòng, quyết tâm bảo vệ từng vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Thực tiễn cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước là luôn tăng cường bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo. Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định hiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm 1986 - 1990 là: “Tăng cường tổ chức bảo vệ chủ quyền và giữ vững các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo”.

Đến Đại hội lần thứ XI, Đảng ta xác định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời...”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tiếp tục nêu rõ: Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII năm 2021 cũng tiếp tục nhấn mạnh việc “xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo”.

picture14.png
Lễ Thượng cờ sáng 2/4/2024 chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang. Ảnh: Thành An

Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng nâng cao nhận thức chính trị của mình về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng ta đã xây dựng và hình thành một hệ thống các quan điểm, chính sách rõ ràng, nhất quán về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; đặc biệt là đã thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Việt Nam thường xuyên lên tiếng hoặc lên án đối với các hành vi, hoạt động xâm lấn trái phép trên Biển Đông của Trung Quốc và các nước khác trong khu vực; phản đối công khai, rộng rãi và vận động dư luận quốc tế, sự ủng hộ của các nước; tăng cường trao đổi, tích cực đối thoại song phương. Trong một số trường hợp, Việt Nam đã gửi Công hàm phản đối, bày tỏ lập trường rõ ràng, nhất quán của Việt Nam...

Chủ trương giải quyết vấn đề biển đảo của Việt Nam luôn được thống nhất, đó là: “Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành dựa trên cơ sở của UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển, tại các vùng biển được xác lập theo công ước. Việt Nam mong các nước sẽ nỗ lực đóng góp, thực hiện mục tiêu, nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.

Cùng với đó, các văn bản về quản lý và bảo vệ biển đảo cũng được ban hành như: Bộ Luật Hàng hải năm 1991; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991; Luật Dầu khí năm 1993; Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997; Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 1998; Luật Biển Việt Nam 2012; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015...

Trong giai đoạn đất nước bước và thời kỳ hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, biển đảo và kinh tế biển càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế và an ninh - quốc phòng trọng yếu: vừa là tuyến đường hàng hải - hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực, vừa là tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ Tổ quốc.

Trong các kỳ đại hội mà gần nhất là Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo

Hiện nay, Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển và lực lượng kiểm ngư vững mạnh, với trang bị, phương tiện ngày càng đồng bộ, hiện đại đủ sức quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các lực lượng nêu trên luôn có tinh thần, quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì, kiên cường thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, không có chuyện “không kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển”... như kẻ xấu xuyên tạc, vu cáo.

picture15.png
Đoàn kiều bào ra thăm đảo Trường Sa. Ảnh: vov.vn

Công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo luôn được đẩy mạnh để để người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và sự quản lý thực tế của Việt Nam trên các vùng biển, đảo ở Biển Đông; hiểu rõ quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.

Từ đó, xây dựng niềm tin, ý chí quyết tâm, tạo đồng thuận của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Bảo vệ biển, đảo chính là bảo vệ một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển, đảo sẽ góp phần giữ vững chủ quyền của đất nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là điều kiện, nội dung giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển đảo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO