Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, số hóa của ngành Thuế

Bình Minh| 22/09/2022 10:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong các giải pháp về quản lý Nhà nước về Thuế, ngành Thuế đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, số hóa giúp đem lại nhiều kết quả quan trọng, khẳng định từng bước tiến vững chắc để cụ thể hóa Chiến lược xây dựng cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, số hóa của ngành Thuế - Ảnh 1.

Ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số. (Ảnh: VGP)

Hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử.

Tính đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai HĐĐT cho 100% doanh nghiệp (DN), tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Tính đến ngày 26/8/2022. Tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1.148 triệu hóa đơn, trong đó: Hóa đơn có mã: 325 triệu hóa đơn và trên 822 triệu hóa đơn không mã.

Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Tính đến cuối tháng 8, có 864.829 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,94% tổng số DN đang hoạt động. Đã có 99% tổng số DN đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử; Tỷ lệ DN hoàn thuế điện tử đạt trên 99%.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì và đẩy mạnh triển khai hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 413 Chi cục Thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7 được vận hành thống nhất và hiệu quả. Tính đến cuối tháng 8, hệ thống đã tiếp nhận và trả lời được 4.304 câu hỏi.

116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile

Trong triển khai dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động và Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho Nhà cung cấp nước ngoài, ngành Thuế cũng đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Cụ thể, Tổng cục Thuế đã tích hợp việc nộp thuế điện tử trên ứng dụng eTax Mobile với 10 ngân hàng và sẽ tiếp tục mở rộng với các ngân hàng khác trong thời gian tới. Đến cuối tháng 8, đã có 116.643 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Tổng cộng đã có 60.188 giao dịch qua hệ thống ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 291 tỷ đồng.

Đối với hệ thống Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đối tượng này có thể gửi hồ sơ và tra cứu, nhận các thông báo của cơ quan thuế về mã số thuế, số thuế phát sinh theo tờ khai, mã khoản nộp thuế để đơn giản hóa thông tin về khoản nộp thuế, hỗ trợ cho NNT dễ dàng thực hiện nộp thuế bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Kết quả triển khai đến cuối tháng 8, đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế thành công.

Triển khai tích hợp hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối hệ thống tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để sử dụng mã căn cước công dân xác thực số định danh cá nhân và tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng Chính phủ.

Ngày 16/5/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng DVCQG có kết nối với CSDLQG về dân cư, tiến tới sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế.

Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 610 hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và 1.094 hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân không kinh doanh qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế giúp minh bạch, thống nhất thông tin quản lý và dùng chung dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nên đảm bảo việc định danh chính xác được thông tin người nộp thuế (NNT) là cá nhân, giảm thiểu sai sót trong quá trình NNT thực hiện TTHC, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Chiến lược xây dựng cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Trên thực tế, ngày 23/04/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số  508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đây là văn bản pháp lý quan trọng là kim chỉ nam để ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế hướng tới đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chiến lược đã đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Song song cải cách chính sách thuế, ngành Thuế xác định, sẽ tiếp tục xây dựng cơ quan thuế hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ của người dân và DN.

Đồng thời, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%; đến năm 2030, mức độ hài lòng của NNT với sự phục vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 95%.

Căn cứ nội dung Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng và hiện đang trình Bộ Tài chính phê duyệt Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược (được cụ thể hóa thông qua 10 Đề án theo các lĩnh vực then chốt của công tác thuế) và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 5 năm nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược thành các giải pháp, lộ trình thực hiện hàng năm theo từng lĩnh vực then chốt của công tác thuế để tổ chức triển khai thực hiện thành công Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Có thể khẳng định, Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030 thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong thực hiện cải cách, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo thống kê của ngành Thuế, tình hình kinh tế nước ta trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP Quý I tăng 5,03%, Quý II tăng 7,72% so với cùng kỳ, dự báo tốc độ tăng Quý III đạt khoảng 11%, kỳ vọng cả năm tăng 7,82%.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa, số hóa của ngành Thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO