Khởi nghiệp đã trở thành xu thế chung của các quốc gia
Phát biểu tại ngày hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. KHCN phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, các doanh nghiệp (DN) và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng ĐMST. Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay.
Ở nước ta, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào ĐMST; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đều có các chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về ĐMST toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp. 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp.
Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho ĐMST, có số lượng bằng sáng chế bằng hoặc cao hơn kỳ vọng trước đây.
"Phong trào khởi nghiệp trong thế hệ trẻ đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập, môi trường pháp lý còn nhiều điểm vướng mắc, chưa tổng thể. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, DN, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp ĐMST chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với ĐMST, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục, đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng HS-SV.
Đẩy mạnh CĐS, phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN, ĐMST
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng KHCN, ĐMST; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các DN trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của KHCN, nhất là cuộc CMCN 4.0...
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, các nhà trường cụ thể hóa chủ trương của Đảng thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để thúc đẩy ĐMST trong thời gian tới.
Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường ĐH, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để HS-SV xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường.
Đồng thời, khuyến khích SV có những sáng kiến, ĐMST, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các DN khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội và cho chính bản thân gia đình mình.
Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT thúc đẩy chương trình CĐS trong giáo dục, gắn các hoạt động CĐS với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ KH&CN có giải pháp kết nối các Trung tâm hỗ trợ SV khởi nghiệp trong các trường ĐH với các Trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp Quốc gia; Phát triển mạng lưới kết nối tri thức và ĐMST toàn quốc, thu hút sự tham gia và tích cực khai thác nguồn tài nguyên vô tận của trí tuệ con người Việt Nam kết nối với quốc tế.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo; Đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; Xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; Tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn./.