Đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bình Minh| 04/07/2022 09:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Quyết định 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2017-2021) ban hành ngày 21/6, Đề án đã đạt được nhiều kết quả từ Trung ương đến địa phương, góp phần thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Nhà sinh hoạt cộng đồng khu vực xã Ba Khan, huyện Mai Châu, Hòa Bình nơi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhiều người DTTS. (Ảnh: Bình Minh)

Đáng chú ý, tại Trung ương, 25 hội nghị, lớp tập huấn; 6 hội thảo đã được tổ chức liên quan đến thực hiện Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS&MN" (sau đây gọi là Đề án); Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp xây dựng và phát sóng 40 chương trình truyền hình, 32 chương trình phát thanh tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định pháp luật, chính sách dân tộc cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

11 mô hình phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tại cấp xã được xây dựng đã tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; ký cam kết toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn xã; đối thoại chính sách pháp luật với người dân; phổ biến pháp luật trên loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cấp xã trong việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Các địa phương cũng ghi nhận kết quả tích cực trong thực hiện Đề án, nổi bật với 348.061 hội nghị, lớp tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; 17 hội thảo với 1.530 người tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời tổ chức 831 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự. Chưa kể, có tới 36.487 chương trình truyền hình được xây dựng và phát sóng, 95.679 chương trình phát thanh được truyền thanh để nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, 188 mô hình điểm ở các xã, thôn, bản được xây dựng và nhân rộng để đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS…

Để tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, bao gồm cả chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ DTTS đã có khoảng 148.055 tin, bài, nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận, kết nối, chia sẻ với thông tin pháp luật, chính sách dân tộc. Việc thông tin tuyên truyền đảm bảo chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, giúp người dân vùng DTTS&MN sử dụng khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật về chính sách dân tộc.

Đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án, theo Ủy ban Dân tộc, sau khi Quyết định 1633/QĐ-TTg được ban hành, công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đã được triển khai có hệ thống, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với mục tiêu của Đề án. Qua đó, đã và đang đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội tại vùng đồng bào DTTS&MN.

Đề án đã giúp cán bộ, người dân vùng DTTS bước đầu hiểu, nhận thức đúng đắn, đầy đủ quy định pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Từ đó, thực hiện pháp luật một cách tự giác, hạn chế dần tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, góp phần phát huy hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và còn xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào đối với pháp luật. 

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, Đề án cũng bước đầu xây dựng được tài liệu hướng dẫn kỹ năng về phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động để áp dụng chung, thống nhất cho các địa phương; từng bước xây dựng được các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống các DTTS. Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động cho đồng bào DTTS ngày càng quan tâm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó có sự lồng ghép nguồn lực với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan. Trong khi, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng DTTS&MN ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Góc độ xã hội học, chuyên gia cho rằng hiệu quả của Đề án là một hoạt động xây dựng cộng đồng người DTTS&MN hòa nhập cùng cộng đồng xã hội chung. Thực hiện pháp luật, chủ trương chính sách như người dân khác, vùng miền khác trong xã hội. Đồng thời, giảm dần các rào cản, hủ tục lạc lậu, bất bình đẳng, không còn phù hợp tại cơ sở. Qua đó, cũng giúp thúc đẩy bình đẳng với an sinh xã hội như: Phụ nữ DTTS&MN cũng có các quyền cơ bản như các phụ nữ khác và tham gia các công việc trong xã hội, làm chủ như nam giới...

Một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện Đề án:

- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đảm bảo nội dung tuyên truyền, phổ biến bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực phù hợp với từng vùng miền.

- Lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp đơn giản, dễ hiểu, trọng tâm, gắn với những tình huống phát sinh trong thực tế đời sống hàng ngày và tập quán, văn hóa của đồng bào DTTS; ứng dụng công nghệ thông tin nhất là mạng xã hội trong tuyên truyền cho đối tượng đặc thù; thời lượng tuyên truyền hợp lý, mỗi đợt tuyên truyền tối đa 3 – 4 chủ đề; tăng cường tập huấn, phổ biến địa bàn xã, thôn, bản để thu hút đông đảo người dân tham gia.

- Lựa chọn những cách làm, mô hình thu hút được nhiều người dân tham gia, lấy người dân làm trung tâm; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên am hiểu văn hóa, tập huấn, tâm lý và chú trọng hơn đến báo cáo viên biết tiếng DTTS, có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với trình độ, nhận thức của đối tượng đặc thù...

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng và an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO