Truyền thông

Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho các sản phẩm Việt

P.V 08:25 18/10/2023

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng là bước ngoặt thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa của nước ta xuất đi các nước trong khối hợp tác này vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài, ảnh hưởng đến giá trị và tính bền vững của sản xuất.

Nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu riêng của Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong số những FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) mà Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán thì CPTPP là FTA có mức độ mở cửa thị trường cao nhất, xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

detmaydonyquynhtran2021-169245-9519-1898-1692455212.jpg
CPTPP đã góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, CPTPP đã góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Canada, Mexico có tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả giai đoạn dịch COVID-19. Riêng thị trường Peru có năm tăng trưởng lên đến 3 con số.

Quan trọng hơn, CPTPP đã giúp chúng ta có một vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tham gia các FTA khác. Thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador, Costa Rica và Uruguay. Tín hiệu này càng mở thêm cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới nhiều thị trường mới và nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt thường mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn tại thị trường các nước thành viên.

Ví như ngành công nghiệp, khoảng 95% giá trị xuất khẩu là của các tập đoàn quốc tế FDI có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày, hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao và rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng.

Nguyên nhân được cho là do doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thương hiệu tại các thị trường. Các doanh nghiệp thường tập trung vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nên việc nhận thức về vai trò của phát triển thương hiệu riêng chưa được quan tâm đúng đắn.

Ngoài ra, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề tiêu chuẩn chất lượng, năng lực chế biến và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Muốn xây dựng thương hiệu riêng tại các thị trường xuất khẩu, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần phải nghĩ đến tiêu chuẩn. Mỗi quốc gia đều có tiêu chuẩn riêng, nhưng về cơ bản là phải đảm bảo an toàn thực phẩm và những điều kiện thị trường yêu cầu, như sản phẩm xanh, sạch, thậm chí phải qua chuyển đổi số.

10_1_0.jpg
Việc xây dựng thương hiệu là yêu cầu bắt buộc để khẳng định vị thế của hàng Việt trên trường quốc tế.

Là doanh nghiệp có nhiều năm tham gia hoạt động xuất khẩu sản phẩm quế, hồi vào thị trường các nước CPTPP, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex chia sẻ, từ năm 2013, doanh nghiệp bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị vì đó là nhu cầu bắt buộc của thị trường. Đối với những thị trường khó tính trong CPTPP, doanh nghiệp không thể cứ nói rằng chất lượng sản phẩm rất tốt, trong khi không có chứng nhận.

“Doanh nghiệp dò dẫm xây dựng chuỗi giá trị từ việc đào tạo quy trình sản xuất cho người nông dân. Khi sản phẩm đảm bảo, doanh nghiệp đăng ký những chứng nhận quốc tế để có “giấy thông hành” giúp tiếp cận và bán được sản phẩm. Chuỗi giá trị góp phần nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm quế, hồi và gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế".

Cùng với đó, nhà xuất khẩu, nhà chế biến gắn trực tiếp với vùng nguyên liệu để làm việc trực tiếp với nông dân, từ đó, mới quản lý được sản xuất và như vậy mới đảm bảo được yêu cầu về chất lượng. Chất lượng mới gắn liền với yếu tố bền vững, truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành, Hiệp hội triển khai và tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị liên quan kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo ba cấp độ. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.

Tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp. Ở cấp độ quốc gia sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành; phát triển, bảo vệ các thương hiệu của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho các sản phẩm Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO