Để chuyển đổi số đến với mọi người dân

Ngọc Anh| 20/07/2022 15:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Thời gian qua, tổ công nghệ số cộng đồng ở một số địa phương đã được thành lập, hoạt động nhằm tiếp cận người dân, thúc đẩy chuyển đổi số xuất phát từ người dân.

Cả nước hiện có 45/63 tỉnh, thành phố đã thành lập, thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, với 39.631 tổ và gần 200 nghìn thành viên tham gia. Có thể nói tổ công nghệ số là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở, là lực lượng giúp chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Để chuyển đổi số đến với mọi người dân - Ảnh 1.

Người dân ở các địa phương được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, từng bước xóa ranh giới khoảng cách số.

Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số và tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số. Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân.

Nhiều người dân ở các địa phương được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, từng bước xóa ranh giới khoảng cách số. Tại các địa phương, cơ bản tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân; Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ, tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương bước đầu đã đạt kết quả tích cực, từ chuyển đổi nhận thức dẫn đến hành động mạnh mẽ hơn. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.

Nền móng phát triển chuyển đổi số như hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển nền tảng số, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, an toàn thông tin cũng đã được chú trọng. Tuy nhiên, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cần đi vào thực chất hơn, sát với nhu cầu của người dân, làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hằng ngày.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã biên soạn các tài liệu để hướng dẫn cho tổ công nghệ số cộng đồng và cho người dân, gồm hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp - phích để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Các tài liệu này tiếp cận người dân theo hình thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người và kết hợp các hình thức phù hợp đặc thù của địa phương. Ngoài ra, có hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các video hoặc tệp âm thanh để tuyên truyền, hướng dẫn gián tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Các tài liệu này được phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở của xã, phường, các phương tiện truyền thanh khác của địa phương hoặc gửi qua các kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân.

Ðể tổ công nghệ số cộng đồng tiếp cận các tài liệu hướng dẫn nhanh nhất, tiện lợi nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp các tài liệu và đưa vào khóa bồi dưỡng "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể dễ dàng truy cập vào khóa bồi dưỡng này mọi lúc, mọi nơi bằng cách sử dụng ứng dụng Zalo và quét mã QR kèm theo để truy cập tài liệu khóa bồi dưỡng.

5 Thông điệp quan trọng của Chính phủ để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới:

Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai: Nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.

Thứ ba: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư: Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số; Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại; Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để chuyển đổi số đến với mọi người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO