Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

PV| 13/06/2022 14:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Phát biểu giải trình tại phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

"Việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2022 không ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu lạm phát. Thời gian qua, lạm phát tăng chủ yếu là do tăng giá hàng hóa. Trong 5 tháng đầu năm có 13 đợt tăng giá xăng dầu – tăng khoảng 49,9% (từ 7300 – 7900 đồng/lít) đã tác động đến tăng CPI khoảng 1,8 điểm %", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết, nhìn chung tín dụng tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục được củng cố, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vừa chống dịch, vừa nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao hơn khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Thời gian tới, áp lực lạm phát tăng cao là rất lớn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; xu hướng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước tiếp tục hồi phục, mở cửa các hoạt động dịch vụ, du lịch cũng gây áp lực lên mặt bằng giá.

Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; quyết liệt triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng

Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và đã đạt được những kết quả quan trọng, căn bản.

Cụ thể là, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, hệ thống các tổ chức tín dụng đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, năng lực tài chính, chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động; phát huy vai trò cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc huy động các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, được các tổ chức xếp hạng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phó Thủ tướng cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và bảo đảm an toàn của các tổ chức tín dụng, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định một số giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngân hàng.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai và áp dụng Basel II, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng; củng cố, kiện toàn mô hình và nâng cao năng lực tài chính Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Về kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 32 của Quốc hội và Nghị quyết số 01 của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.

"Đối với lĩnh vực này, vừa rồi có ý kiến nêu có siết chặt hay không? Theo tôi, cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không. Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, đối với những dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nợ xấu đã cơ bản được xử lý hiệu quả

Trả lời ý kiến của một số đại biểu băn khoăn về việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 có tác dụng rất rõ rệt trong xử lý nợ xấu, sau khi có Nghị quyết, nợ xấu đã cơ bản được xử lý hiệu quả.

"Dù trong Nghị quyết có vướng mắc khó khăn, nhưng những tồn tại hạn chế này chủ yếu xuất phát từ việc tổ chức thực hiện", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành rà soát, xem xét nghiên cứu việc tiến hành luật hóa việc xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu không kéo dài Nghị quyết này, một số quy định, chính sách trong đó sẽ không thể được đưa vào thực hiện trong thực tế, gây khó khăn cho xử lý nợ xấu, đặc biệt khi ngân hàng đối mặt với tác động của dịch bệnh COVID-19.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, ban ngành rà soát, xem xét nghiên cứu việc tiến hành luật hóa việc xử lý nợ xấu.

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thế giới đánh giá nước ta rất phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro. Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, khi thành lập tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn được tăng trưởng tín dụng nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải đứng trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng, chính sách tiền tệ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO