Định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia: Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới

Lan Phương| 19/02/2021 12:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT là dịp nhìn lại những thành tựu nổi bật trong năm 2020, tổng kết lại chặng đường 5 năm 2016 - 2020 và định vị trong giai đoạn mới với sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.

Một số thành tựu ICT nổi bật trong năm 2020 và 5 năm

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2020, tất cả gần 60.000 các đơn vị trong ngành, trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành đã làm việc ngày đêm, góp phần vào sự phát triển đất nước.

Năm 2020, lĩnh vực bưu chính có tổng doanh thu dịch vụ bưu chính đạt hơn 35.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 2,4 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp (DN) bưu chính đang hoạt động là 555 DN; tổng doanh thu của các DN bưu chính là 56.500 tỷ đồng. Tỷ trọng doanh thu của DN bưu chính trong GDP là 0,93%.

Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới, định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Việt Nam công bố nền tảng chuyển đổi số cho cơ quan báo chí và Trung tâm xử lý tin giả

Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2020 đạt hơn 130.280 tỷ đồng (tăng hơn 0,3% so với năm 2019); tổng nộp NSNN 42.124 tỷ đồng. Thuê bao di động đạt 135,53 thuê bao/100 dân, trung bình thế giới là 105 thuê bao/100 dân. Bộ TT&TT đã thúc đẩy, dẫn dắt các DN viễn thông đầu tư nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm 5G với thiết bị sản xuất trong nước. Hiện nay, các DN trong nước đã sản xuất được thiết bị 5G (thiết bị đầu cuối, thiết bị truy nhập vô tuyến) như Viettel, Vinsmart…, đã triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G, chuẩn bị cho triển khai thương mại vào năm 2021. Việt Nam trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu. Thứ hạng viễn thông Việt Nam đã nâng 31 hạng, từ 108 năm 2018 lên 77 năm 2020.

Về ứng dụng CNTT, xếp hạng chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2020 tiếp tục tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia; Triển khai mạnh các nền tảng phục vụ phát triển CPĐT. Đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản dưới dạng điện tử được trao đổi trên toàn quốc đạt 90,81%; tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 tăng khoảng 3 lần, từ 10,76% năm 2019, lên trên 31% vào tháng 12/2020.

Về CĐS quốc gia, đã có 30 bộ, tỉnh ban hành đề án, kế hoạch CĐS; Ra mắt khoảng 40 nền tảng số Make in Vietnam, giúp DN, người dân thực hiện CĐS; Triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, có trên 20 ứng dụng và hệ thống CNTT chính thức được sử dụng.

Về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), tổng doanh thu lĩnh vực đạt 1.914 tỷ đồng. Hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm an toàn an ninh mạng Việt Nam đạt tỷ lệ 91% chủng loại sản phẩm an toàn an ninh mạng đã do Việt Nam sản xuất, giải quyết bài toán phụ thuộc công nghệ, sản phẩm nước ngoài. Tỷ lệ doanh thu sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa so với sản phẩm nước ngoài năm 2020 đạt 47,3% (tăng 10,1% so với năm 2019). Một số giải pháp an toàn an ninh mạng của DN Việt đã được xuất khẩu và đánh giá cao.

Lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử Viễn thông (ICT), năm 2020 đánh dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam công bố chính thức về định hướng phát triển DN công nghệ số, chiến lược Make in Vietnam. Số DN công nghệ số tăng 28%, đạt gần 60.000 DN. Tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt 120.607 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng điện tử đạt 93,71 tỷ USD.

Trong cả giai đoạn 2016 - 2020, ngành TT&TT đã đạt được nhiều kết quả minh chứng bằng những con số thật sự ấn tượng, khẳng định tinh thần "Nói được là Làm được", góp phần tạo nên tự hào Việt Nam, nâng thứ hạng Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là, bưu chính tăng hạng từ thứ 57 lên thứ 49; ICT tăng hạng từ thứ 108 lên thứ 77; CPĐT tăng hạng từ thứ 89 lên thứ 86. Đặc biệt, an toàn, an ninh mạng tăng hạng đột phá từ thứ 100 lên thứ 50. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT tăng từ 780.000 lên hơn 1 triệu người.

Đặc biệt trong giai đoạn này, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử - viễn thông; đứng thứ 2 về sản xuất điện thoại và linh kiện, thứ 10 thế giới về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore. Đây cũng là 2 mặt hàng chiếm vị trí số 1 và 3 trong danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam trở thành ngành xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của nền kinh tế.

Các lĩnh vực ICT có sứ mệnh mới, lớn lao

Đánh giá những thành tựu của ngành TT&TT năm 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: trong một năm 2020 cả thế giới và đất nước khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, sự điều hành của nhà nước, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu trong đó có đóng góp đáng tự hào của ngành TT&TT và luôn tiên phong như truyền thống của Ngành.

Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới, định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Đây là thời cơ và cũng là cơ hội thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành TT&TT

Đứng trước thời cơ, vận hội mới, Phó Thủ tướng cho biết sứ mệnh lặp lại đối với Ngành khi thế giới nói về cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Theo đó, các DN viễn thông phải tiếp tục tiên phong CĐS. Các DN lớn về CNTT có bước tiến rất lớn, nhưng tới đây đứng trước thời cơ và đòi hỏi nếu không chuyển mạnh sẽ tụt hậu. Các DN bưu chính đã ý thức được và đang trong quá trình chuyển đổi rất mạnh mẽ sang DN công nghệ khi xây dựng bộ địa chỉ số quốc gia, tham gia vào các chương trình CNTT, CPĐT, cánh tay nối dài của chính quyền.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn cần triển khai nhanh 5G để nắm bắt cơ hội phát triển. Việt Nam đã triển khai mạng di động 2G nhanh so với thế giới, 3G đi vào top trung bình, 4G đi chậm, triển khai 5G đang đi nhanh nhưng đang là thí điểm.

Về công nghiệp CNTT, Phó Thủ tướng cho biết 30 năm trước, chúng ta mày mò làm tổng đài nhỏ, đến khi Viettel làm được trạm gốc, bây giờ Ngành đã làm được những thiết bị rất quan trọng. Việt Nam đã làm được điện thoại 5G. "Đây là thời cơ để Ngành thực hiện mơ ước của thế hệ đi trước là phát triển nền công nghiệp CNTT mạnh mẽ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, làm sao 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới có Việt Nam, khi đó, đây sẽ là thành công có dấu ấn rất lớn của ngành TT&TT. Phó Thủ tướng cũng cho biết chúng ta đã đẩy mạnh CĐS, CPĐT theo cách làm từ trên xuống, giờ đây qua thực tiễn, cần triển khai thêm từ dưới lên và triển khai tập trung vào chỗ khó khăn nhất như việc chúng ta đã triển khai kết nối đồng loạt từ cấp cơ sở 11.000 trạm y tế trong 2,5 tháng hay CĐS tại xã Yên Hoà, Ninh Bình. Đây là kinh nghiệm đã đúc kết và đến lúc phải làm.

"Khi nói về CPĐT và CĐS có 3 trụ cột gồm hạ tầng, nhân lực và dịch vụ số. Một khi toàn dân cùng ứng dụng công nghệ xã hội sẽ thay đổi hoàn toàn. Làm DVC là phải trực tuyến và mức độ 3, 4 hết. Đây là thời cơ và cũng là cơ hội thôi thúc có tính lịch sử đối với ngành TT&TT". Phó Thủ tướng cũng mong lãnh đạo các địa phương thực sự quan tâm đến CNTT. Bây giờ trách nhiệm của Bộ TT&TT về ứng dụng CNTT cũng quan trọng nhưng trách nhiệm, năng lực của địa phương còn quan trọng hơn. "Làm CPĐT hay chính phủ số không khó mà chỉ cần đồng lòng, quyết tâm và phải nhận thức rằng CNTT giúp minh bạch hơn với nhân dân, gần dân hơn, giúp chính phủ, chính quyền các cấp thực sự vừa quản lý tốt vừa phục vụ nhân dân".

Phó Thủ tướng cũng kêu gọi tất cả DN CNTT tham gia vào chương trình của Bộ TT&TT khởi xướng là cùng nhau tạo ra các nền tảng mở để toàndân, các tổ chức sử dụng để đi nhanh. "Sáng tạo ở Việt Namvàbằng lợi thế số đông để đi nhanh".

Tài nguyên của Việt Nam vô cùng lớn khi Việt Nam có gần 100 triệu dân, đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, đủ để có những bước nhảy vọt mạnh mẽ về CNTT. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng: "Muốn tận dụng CMCN thì nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT triệt để. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vào top những nước không chỉ ứng dụng mạnh mẽ CNTT mà còn cho ra nhiều sản phẩm không chỉ phục vụ trong nước mà có thể tham gia vào thị trường thế giới".

Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới, định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 3.

Lễ công bố chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS

Ngành TT&TT tiên phong dẫn dắt CĐS quốc gia

Trước những chỉ đạo tâm huyết của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những thành tích của quá khứ làm chúng ta vững tin tiến tới tương lai. Những chỉ đạo, định hướng của Phó Thủ tướng Chính phủ cho năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ được Bộ TT&TT lĩnh hội và cụ thể hóa vào chiến lược, các chương trình hành động. Bộ TT&TT nhận thức sâu sắc những tâm huyết, những chỉ đạo và khích lệ của Phó Thủ tướng đối với lĩnh vực TT&TT.

Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới, định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình.

Theo Bộ trưởng, "Ngành TT&TT chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như bây giờ. Và đây cũng là cơ may hiếm có để ngành TT&TT định vị lại mình".

Cụ thể những công tác cho các lĩnh vực quản lý của Ngành, Bộ trưởng nêu rõ: lĩnh vực bưu chính có sứ mệnh đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, bưu chính là nền tảng để hỗ trợ mọi cá nhân, mọi hộ gia đình có thể kinh doanh, có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, là nền tảng giúp người dân kinh doanh làm giầu, thoát nghèo.

Lĩnh vực viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi DN để giúp họ sáng tạo sản phẩm, trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số.

Lĩnh vực ứng dụng CNTT là sử dụng công nghệ số để CĐS, để thay đổi mô hình vận hành, để thực sự là một cuộc cách mạng giúp nhân loại di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số.

Bộ trưởng nhận định: CĐS là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện. Đột phá ở chỗ, thay vì làm dần dần, làm từng phần thì làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh. Đột phá ở chỗ, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ, càng dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ, việc dám thay đổi và áp dụng mô hình mới quan trọng hơn việc phát triển công nghệ. Đột phá ở chỗ, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và thành người đi trước. Đột phá ở chỗ, nơi nào khó khăn hơn, đói nghèo hơn thì ứng dụng hiệu quả hơn. Đột phá ở chỗ nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi DN nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người kinh doanh làm giầu. Đột phá ở chỗ, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu và qua đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng, và vì đi đầu thành công mà trở thành dẫn dắt nước khác. Và đó là tương lai của ứng dụng CNTT, tức là CĐS.

Đối với lĩnh vực ATTT, Bộ trưởng nhấn mạnh ATTT là bảovệsự thịnh vượng của Việt Nam trên không gianmạng, là xây dựng nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng giống như công nghiệp quốc phòng, là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, là trở thành cường quốc về an toàn, an ninh để bảo vệ đất nước trên không gian mạng.

Tiếp theo, nếu lĩnh vực công nghiệp ICT là Make in Vietnam, là phát triển các DN công nghệ số Việt Nam, là làm chủ công nghệ, là thiết kế, là sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, là giải bài toán Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển và từ đây đi ra chinh phục thế giới, là biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ, là tăng trưởng gấp 2 - 4 lần tăng trưởng GDP cả nước, là động lực, là lời giải đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Đối với báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao.

Bộ trưởng yêu cầu: "Nhiệm vụ của báo chí là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước".

"Năm 2021 là năm đầu tiên của một giai đoạn mới, không chỉ của Ngành mà là của đất nước và của cả thế giới. Năm 2021 không chỉ là một năm mới, mà còn là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng XHCN. Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, CMCN lần thứ 4, CĐS", Bộ trưởng nhấn mạnh.

CĐS là thời cơ, cơ hội để phát triển

Tham luận về tầm quan trọng của CĐS đối với địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết: Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bến Tre xác định phải ứng dụng mạnh mẽ KHCN, CĐS và CMCN 4.0 trong công tác quản lý điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, coi CĐS là cơ hội, thời cơ để đưa Bến Tre thành địa phương phát triển, trung tâm của khu vực về CĐS.

Bến Tre đã sớm tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TƯ ngày 20/10/2020 về CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án CĐS của tỉnh cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2851/QĐ-UBND ngày 08/10/2020, Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh (trên cơ sở kiện toàn BCĐ chính quyền điện tử tỉnh) do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, và đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.

Để thực hiện CĐS thành công, trong 03 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Bí thư Phan Văn Mãi cho biết tỉnh Bến Tre xác định chính quyền số hay CĐS trong hoạt động của chính quyền tỉnh Bến Tre phải tiên phong, đi trước, dịch chuyển toàn bộ hoạt động tương tác giữa chính quyền các cấp với người dân, DN lên môi trường số để kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là cung cấp toàn bộ TTHC lên môi trường mạng. 

Với tinh thần đó, Bí thư Phan Văn Mãi cho biết bằng nỗ lực của địa phương với sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Bộ TT&TT, các DN công nghệ, tỉnh Bến Tre đã cung cấp 100% TTHC phù hợp lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và là địa phương đầu tiên trên cả nước đạt được kết quả này, tạo dấu mốc quan trọng, lan toả tinh thần CĐS. Hiện tại, toàn bộ các DVC trực tuyến được 17 đơn vị cấp tỉnh; 09 huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn cung cấp phục vụ người dân và DN. Theo số liệu thống kê, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2020 của tỉnh trên DVC là 78.496 hồ sơ. 

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đã chia sẻ câu chuyện CĐS thành công ở xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình khi lấy người dân làm trung tâm. CĐS tại Yên Hoà đã có kết quả đáng ghi nhận như 100% văn bản chỉ đạo điều hành của xã được thực hiện trên môi trường mạng (trừ văn bản mật); Thiết lập kênh giao tiếp giữa lãnh đạo xã và nhân dân thông qua hệ thống tin nhắn, ứng dụng "Công dân số" cho người dân trong xã để phổ biến giáo dục, pháp luật; cảnh báo dịch bệnh, bão lụt, lịch sản xuất; cung cấp các dịch vụ hành chính công, phản ánh kiến nghị, tố giác tội phạm; Triển khai sổ liên lạc điện tử; quản lý thư viện; tuyển sinh; thanh toán không tiền mặt trong các trường học để phụ huynh học sinh dễ dàng nắm bắt tình hình học tập của con, em mình; Đã cài đặt 1.300 tài khoản Bluezone phòng chống dịch COVID-19; 1.509 thành viên tham gia nhóm "Yên Hoà hỏi - Bác sĩ trả lời", đã có 1.700 câu hỏi được bác sỹ tư vấn, giúp người dân được hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm thời gian, chi phí…

Hợp tác xã Yên Hoà đã đưa được một số sản phẩm như chạch sụn kho, chạch sụn sấy khô, chạch chiên, chuối tây sấy dẻo… lên sàn giao dịch. Đời sống người dân được cải thiện, sản lượng bán hàng tăng gấp 4 - 5 lần; thu nhập mỗi thành viên hợp tác xã tăng từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng lên 5 triệu đồng/tháng.

Theo Bí thư Nguyễn Thị Thu Hà, bên cạnh những kết quả cụ thể của xã Yên Hoà, thì kết quả to lớn, sâu sắc, có ý nghĩa chiến lược mà tỉnh thu được từ câu chuyện CĐS, đó là cấp uỷ, chính quyền tự tin hơn, có đường hướng, quyết tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, giải pháp thực hiện CĐS. Từ chỗ CĐS đề cập rất mờ nhạt trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, đến nay tỉnh đã xác định xây dựng chính quyền điện tử, CĐS là 1 trong 3 khâu đột phá, 1 trong 6 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là "Đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN; nâng cao năng suất lao động". 

Trao đổi cụ thể về kế hoạch CĐS trong năm 2021, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, đơn vị trực tiếp hỗ trợ các tổ chức, DN CĐS trên toàn quốc cho biết năm 2021 được xác định phải tăng tốc thực hiện CĐS trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, mọi tổ chức, DN và từng địa phương.

Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới, định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 5.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT

Theo đó, năm 2021 được xác định hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản CPĐT, cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 để chuyển sang xây dựng Chính phủ số; Hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trên phạm vi toàn quốc 02 CSDL quốc gia lớn là dân cư và đất đai trong năm 2021. Bộ TT&TT sẽ hướng dẫn, đôn đốc các bộ, tỉnh hoàn thành cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên mức độ 4 và phối hợp cùng các Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường để hỗ trợ các bộ, địa phương kết nối và khai thác sử dụng CSDL quốc gia về dân cư và đất đai ngay trong năm 2021.

Năm 2021, Bộ TT&TT thực hiện Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS. Bên cạnh những cam kết ưu đãi của các DN cung cấp nền tảng số trong chương trình, chương trình sẽ thường xuyên đánh giá hiệu quả, khảo sát nhu cầu của các DN vừa và nhỏ để liên tục điều chỉnh, đáp ứng mục tiêu đề ra. Bộ TT&TT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai Chương trình. Năm 2021, mỗi lĩnh vực ưu tiên CĐS quốc gia sẽ xác định ra những nền tảng quốc gia quan trọng để xây dựng và triển khai trên toàn quốc. Năm 2020, lĩnh vực Y tế, Giáo dục đã xác định các nền tảng quốc gia của mình, Bộ TT&TT sẽ phối hợp cùng các bộ ngành khác để cùng triển khai. 

Năm 2021, những nền tảng cốt lõi phục vụ kinh tế số, xã hội số cần phải tiếp tục hoàn thành, cụ thể: nền tảng nền tảng trên thiết bị di động; nền tảng thương mại điện tử, logistic; nền tảng thanh toán trên di động tiền. Mỗi người dân sẽ được xác định danh sách, xác thực thông qua thiết bị di động, thanh toán được thông qua di động tài khoản, tiến trình hoạt động thương mại, mua và bán hàng trên mạng. This nền tảng góp phần đưa ra cuộc sống người dân Việt Nam lên môi trường nhanh và an toàn hơn, đặc biệt là công việc giúp dân ở các vùng nông thôn, miền núi thoát nghèo.

Năm 2021, mỗi xã phổ cập 1 dịch vụ số cho người dân. Nếu thấy việc khám bệnh qua mạng tiện lợi hơn,  bán  hàng qua  mạng  thu  được  nhiều  lợi  nhuận  hơn,  người  dân  sẽ  tự  tìm  tòi để sử dụng, khám  phá  thêm  các  dịch  vụ số  khác;  cũng  giống  như  cách  mà  người  dân học nhắn tin qua ứng dụng hoặc  nghe  nhạc  trên  mạng.  Đây  sẽ là  cách  thức  phổ  cập dịch vụ số cho người dân trong thời gian tới.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến  lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Chính phủ xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 188 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó có thúc đẩy CĐS toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; Ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng, đẩy mạnh cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 3 và 4 và tích hợp thanh toán trên Cổng DVC quốc gia.

Quyết liệt triển khai nhiệm vụ 2021, ngày 11/01/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 01/CT- BTTTT, trong đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ triển khai cụ thể cho từng lĩnh vực quản lý của Bộ. Đây là bước chân Xuân đầu tiên của Bộ TT&TT trên chặng đường định vị ngành TT&TT với sứ mệnh dẫn dắt CĐS quốc gia.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Định vị sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia: Ngành TT&TT bước vào giai đoạn phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO