Trong năm 2020, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý cho lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã xây dựng và ban hành 21 Thông tư. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTTTT ngày 03/01/2020 về việc bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cho các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của Việt Nam năm 2020; Chỉ thị số 18/CT-BTTTT ngày 31/3/2020 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; Chỉ thị số 66/CT-BTTTT ngày 30/9/2020 về tăng cường bảo đảm an toàn thông tin tại các điểm truy nhập WiFi Internet công cộng,...
Tập trung nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thiên tai
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ TT&TT trong công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã tập trung nguồn lực, triển khai như thiết lập truyền hình trực tuyến phục vụ công tác điều hành chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan.
Các DN đã nhắn tin tuyên truyền (16 đợt nhắn tin toàn quốc với hơn 20 tỷ tin nhắn); miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế và sử dụng ứng dụng Bluezone; thay đổi logo; cài đặt âm báo; vận động ủng hộ qua cổng 1407 (2,6 triệu tin nhắn ủng hộ gần 152 tỷ đồng), tăng 50% dung lượng data tất cả các gói cước khách hàng đang sử dụng và đăng ký mới với mức cước không đổi.
Các DN viễn thông cũng tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; tặng dung lượng data cho khách hàng cài đặt ứng dụng Bluezone,... góp phần nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ cũng đã chỉ đạo các DN viễn thông di động tổ chức nhắn tin cảnh báo người dân tại các khu vực ảnh hưởng thiên tai theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Bộ Y tế đến các thuê bao tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ (với tổng số hơn 112 triệu lượt thuê bao tương ứng với hơn 1,5 tỷ bản tin SMS). Đồng thời, để đảm bảo thông tin liên lạc, chất lượng dịch vụ cho người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng, Bộ đã chỉ đạo các DN viễn thông di động triển khai chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động giữa các mạng tại 03 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Đảm bảo sẵn sàng cho triển khai 5G
Bộ TT&TT cũng đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện (VTĐ), đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ đối với băng tần, xây dựng quy hoạch tần số đảm bảo sẵn sàng cho cho việc triển khai 5G.
Bộ đã chỉ đạo thực hiện thành công thử nghiệm cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị do DN trong nước nghiên cứu và sản xuất, sẵn sàng cho việc triển khai thương mại 5G bằng thiết bị Việt Nam.
Bộ cũng ban hành Bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G, phối hợp với các tổ chức, DN cơ bản xây dựng được phòng đo thiết bị trạm gốc 5G, phối hợp với ITU tổ chức khóa đào tạo cho 04 DN di động về triển khai IPv6 trên mạng 5G làm cơ sở để các DN viễn thông di động xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, thiết lập mạng, đánh giá, lựa chọn thiết bị đầu cuối, trạm gốc 5G đáp ứng với yêu cầu, đặc thù riêng của Việt Nam.
Bộ TT&TT đã tiến hành cấp phép cho các DN viễn thông (Viettel, MobiFone, VNPT) thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G. Ngay sau khi được cấp phép, các DN viễn thông đã khẩn trương thực hiện thử nghiệm trong tháng 11/2020 để đánh giá trước khi xem xét, triển khai diện rộng trong năm 2021.
Về thúc đẩy phát triển điện thoại thông minh, Bộ đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn DN, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối sang điện thoại thông minh (hỗ trợ các công nghệ mới 4G/5G với mục tiêu dừng công nghệ 2G/3G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.
Chuyển đổi IPv6 và tên miền ".vn" đều top đầu ASEAN
Thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 trên mạng Internet Việt Nam và Chương trình tư vấn hỗ trợ chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov). Tính đến 25/12/2020, tỷ lệ ứng dụng truy cập IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 45,86%, gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu và gấp 2-3 lần trung bình khối ASEAN với 34 triệu người sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 châu Á và thứ 10 toàn cầu, khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế.
Tên miền quốc gia .vn vượt mốc nửa triệu, đạt 516.699 tên miền, lần đầu tiên vượt qua tên miền quốc tế với tỷ lệ 50,6% / 49,4%, tiếp tục đứng số 1 ASEAN. Triển khai hệ thống máy chủ tên miền gốc DNS ROOT tại Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX giúp truy cập tên miền nhanh hơn 5-10 lần và giảm sự phụ thuộc vào kết nối quốc tế. Số lượng mạng thành viên kết nối Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX tăng trưởng cao, đạt 46 mạng thành viên, tỷ lệ tăng trưởng thành viên 38,1%.
Hoàn thành tắt sóng analog sau 9 năm
Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự (analog), hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất trên phạm vi toàn quốc từ 00 giờ ngày 28/12/2020, đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 và Quyết định số 310/QĐ-TTg ngày 14/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 2451/QĐ-TTg.
Theo đó, các đài truyền hình trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trên phạm vi cả nước trước ngày 31/12/2020. Chương trình đã thực hiện hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh cho khoảng hơn 1,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; góp phần quan trọng để Bộ TT&TT ban hành quy hoạch giai đoạn đầu băng tần 700 MHz nhằm phát triển thông tin di động 4G, 5G.
Công tác kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu được đẩy mạnh, góp phần đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến (phát hiện, xử lý 559 phát xạ vô tuyến điện bất hợp pháp; giải quyết can nhiễu cho 292 đài vô tuyến điện bị can nhiễu).
Bộ cũng chỉ đạo các DN viễn thông triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn và xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông.
Doanh thu đạt hơn 130.000 tỷ đồng
Với những nỗ lực, doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2020 đạt hơn 130.280 tỷ đồng (tăng hơn 0,3% so với năm 2019); thuê bao băng rộng (gồm cố định và di động) có sự tăng trưởng ấn tượng (tốc độ tăng trưởng hai chữ số), bình quân giai đoạn tăng trưởng 15%/năm (băng rộng cố định), 22%/năm (băng rộng di động) và tiếp tục duy trì đà tăng ổn định.
Đến nay, theo báo cáo của Bộ TT&TT, đã có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,81% dân số (trong đó, vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số).
Quốctế đánh giá cao những thành tựu của lĩnh vực viễn thông
Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên 67). Trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT&TT đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41. Năm 2019, theo tính toán của Bộ TT&TT (hiện ITU chưa công bố) thì điểm số của Việt Nam IDI của Việt Nam đạt 5,69 tương ứng với hạng 77 (ngang với Thái Lan), trong khi năm 2017 IDI của Việt Nam xấp xỉ 4,43, xếp hạng 108.
Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020 được Liên Hợp Quốc công bố ngày 10/7/2020, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 02 bậc so với năm 2018, trong đó Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc.