Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để “xanh hóa nền kinh tế”

PV| 04/06/2022 09:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Chủ trương xanh hóa nền kinh tế Việt Nam luôn cần song hành cùng tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, môi trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt:  Để xanh hóa nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng công nghệ cao.Phấn đấutỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt

Chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch.

Để đạt được các mục tiêu trên, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm. Các chính sách, cơ chế, giải pháp của Việt Nam thời gian qua được tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0.

Hiện Việt Nam đã ban hành 8 luật chuyên ngành về khoa học và công nghệ. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup ecosystem) đã hình thành và phát triển nhanh, đa dạng, gồm 79 cơ sở ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp, 40 tổ chức tăng tốc khởi nghiệp, 138 trường đại học có không gian sáng tạo dành cho sinh viên khởi nghiệp, 291 khu công nghiệp, 4 khu công nghệ cao quốc gia...

Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập, để phát triển một nền kinh tế xanh, Việt Nam rất cần tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.

Việt Nam xác định tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045, tương ứng tỉ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% vào năm 2030 và 40% năm vào 2045.

Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó xác định, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Có thể nói, chủ trương xanh hóa nền kinh tế Việt Nam luôn cần song hành cùng tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, môi trường với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến từ AI, Blockchain, IoT... trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ thông minh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Chris Payton (Vietnam Gas/Energy Science Group): Có một hệ thống quản lý điện quy mô toàn quốc là rất quan trọng

5 năm trước, vấn đề năng lượng tái tạo thuộc công nghệ và chiến lược tăng trưởng năng lượng xanh ở Việt Nam,  rất đơn giản khi chỉ xoay quanh việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng gió và mặt trời. Nhưng lúc này là vấn đề về cơ sở hạ tầng, trong đó có truyền tải điện năng. Điều này phải được quản lý qua chính sách.

Ông Chris Payton

Ông Chris Payton

Lưu trữ năng lượng là điều mà Việt Nam có thể làm rất nhanh về mặt chính sách. Ví dụ ở bang California, năm 2021 có hơn 220 dự án điện mặt trời được cấp phép, trong đó 95% là dự án điện mặt trời đi kèm lưu trữ. Trong khi 5 năm trước con số này rất thấp.

Có rất nhiều loại công nghệ lưu trữ năng lượng như tích lũy thủy năng, pin, khí nén, lưu trữ dưới dạng nhiệt... Mỗi loại đều có ứng dụng trong kinh tế và mức độ thương mại hóa khác nhau. Hai loại phổ biến nhất là tích lũy thủy năng và pin. Hai loại này khác nhau nhưng bổ sung cho nhau. Lưu trữ điện bằng pin là lĩnh vực mà chính sách chủ động có thể nhanh chóng thay đổi môi trường và tầm nhìn năng lượng của Việt Nam.

Hệ thống lưu trữ bằng pin có thể được lắp đặt vào một mạng lưới có sẵn mà không tốn nhiều diện tích. Nó cũng có thể được triển khai ở nhiều vị trí trong mạng lưới như điểm phát điện, ở nơi người dùng cuối, trước hoặc sau đồng hồ... 

Có thể triển khai hệ thống lưu trữ điện ở nhiều nơi trong khắp mạng lưới nhưng nếu kiểm soát tập trung sẽ tốt hơn. Theo đó, một hệ thống quản lý điện có quy mô toàn quốc là rất quan trọng. Nếu lập ra một hệ thống này, có thể lập ra hệ thống quản lý phát thải carbon, giúp quản lý lượng carbon bị phát thải, khuyến khích các khu công nghiệp làm tốt và ngăn ngừa các khu chưa tốt. Hệ thống cũng có thể thu thập dữ liệu thống kê quốc gia.

Việc lưu trữ năng lượng sẽ tiếp sức cho năng lượng mặt trời và khuyến khích các dự án mới trên quy mô lớn trong tương lai. Nhưng để đảm bảo tính ổn định của lưới điện, không nên phó mặc cho việc khuyến khích tư nhân. Lưới điện phải được cấp ngân sách trung ương và quản lý trung ương vì nó mang tính chất chiến lược./.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để “xanh hóa nền kinh tế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO