Động đất ở Đài Loan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chip toàn cầu như thế nào?
Trận động đất mạnh nhất ở Đài Loan trong 25 năm qua đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các công ty bán dẫn của hòn đảo này, làm tăng khả năng ảnh hưởng đến ngành công nghệ và có lẽ cả nền kinh tế toàn cầu.
Trận động đất mạnh nhất 25 năm rung chuyển Đài Loan
Theo Cơ quan thời tiết Đài Loan, trận động đất xảy ra vào lúc 7h58 phút giờ địa phương (tức 6h58 phút giờ Việt Nam), ở ngoài khơi bờ biển phía Đông vùng lãnh thổ này, với độ sâu chấn tiêu là 15,5 km. Hơn 25 dư chấn được ghi nhận sau động đất.
Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết hiện không còn mối đe dọa sóng thần từ trận động đất nói trên. Cơ quan địa chấn Philippines cũng đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần mà cơ quan này đưa ra sau động đất. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã đánh giá lại độ lớn của trận động đất, theo đó nâng lên mức 7,7, thay cho tính toán độ lớn ban đầu là 7,5. Nhật Bản ban đầu ban bố cảnh báo sóng thần đối với các đảo ở phía Nam nước này, song sau đó hạ cấp xuống mức "khuyến cáo". Theo JMA, trận động đất đã gây ra sóng thần nhỏ ở các khu vực thuộc tỉnh Okinawa ở phía Nam Nhật Bản.
Trận động đất mạnh đã khiến hơn 25 tòa nhà sụp đổ, ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương, trong đó phần lớn hậu quả vẫn chưa được xác định.
Hậu quả tiềm ẩn của vụ động đất là rất đáng kể bởi vai trò quan trọng của Đài Loan trong việc sản xuất chip tiên tiến, nền tảng của các công nghệ từ trí tuệ nhân tạo (AI), điện thoại thông minh cho đến xe điện. Công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới cho các khách hàng như Apple và Nvidia, đã tạm dừng một số dây chuyền sản xuất chip và sơ tán nhân viên.
Còn tập đoàn United Microelectronics Corp (đối thủ cạnh tranh với TSMC) - cũng tạm dừng máy móc tại một số nhà máy và sơ tán nhân viên tại các cơ sở ở thành phố Tân Trúc, Đài Nam.
Ảnh hưởng đối với ngành công nghệ?
Đài Loan là quốc gia sản xuất chất bán dẫn tiên tiến lớn nhất thế giới, bao gồm bộ xử lý trung tâm của những chiếc iPhone mới nhất và chip đồ họa Nvidia dùng để đào tạo các mô hình AI như ChatGPT của OpenAI. Tập đoàn chip khổng lồ TSMC của Đài Loan đã đạt được vị thế thống trị sản xuất chip bán dẫn toàn cầu, với tỷ lệ thực sự ấn tượng.
Theo Bloomberg, các nhà máy bán dẫn luôn "nhạy cảm" với thiên tai, như động đất, bởi một rung động duy nhất cũng có thể phá toàn bộ hệ thống sản xuất được chế tạo để hoạt động chính xác. Do đó, động đất có thể gây ra sự bất ổn trong sản xuất tại nhà sản xuất chip tiên tiến.
Đài Loan được đánh giá dễ xảy ra động đất do nằm gần giao điểm của hai mảng kiến tạo Á - Âu và mảng Philippines. Tuy nhiên, nơi đây cũng là nguồn cung cấp khoảng 80% - 90% chip cao cấp nhất cần thiết cho các ứng dụng tiên tiến như smartphone và AI.
Tác động đối với công nghệ AI là gì?
"Hệ thống an toàn của TSMC hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nhân viên nhà máy được sơ tán theo quy trình của công ty. Chúng tôi đang xem xét chi tiết về những tác động đã gây ra", người phát ngôn của TSMC, cho biết.
AI là lĩnh vực công nghệ nóng nhất ở thời điểm hiện tại và các nhà lãnh đạo từ Sam Altman của OpenAI đến Jensen Huang của Nvidia đã cảnh báo về tình trạng thiếu chip cần thiết để đào tạo các dịch vụ AI mới. Tất cả các đơn đặt hàng AI của Nvidia hiện đều được chuyển đến TSMC nên ngay cả những gián đoạn ngắn đối với sản lượng của TSMC cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể. Rất nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào việc công ty đã sơ tán nhà máy nào và bao giờ có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại.
Mặt khác, bất kỳ thiệt hại nào đến cơ sở hạ tầng năng lượng và hậu cần của Đài Loan cũng sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp các loại chip mới nhất. TSMC và các nhà sản xuất chip khác hiện cưa thông báo chi tiết về những tác động của trận động đất đã gây ra.
Tại sao lại sản xuất tập trung như vậy?
Việc sản xuất chip cực kỳ phức tạp và trong nhiều thập kỷ TSMC đã chọn tập trung các cơ sở sản xuất của mình ở Đài Loan để các kỹ sư có thể làm việc cùng nhau nhằm tinh chỉnh máy móc và chia sẻ chuyên môn của họ.
Tuy nhiên, các quan chức trong ngành và các chính phủ các nước từ lâu đã chỉ ra sự nguy hiểm của việc tập trung sản xuất chất bán dẫn tiên tiến thế giới trên một hòn đảo. Điều đó trở nên đặc biệt rõ ràng trong đại dịch COVID-19, từng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu.
Trước những lo ngại về an ninh quốc gia ngày càng tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra, chính phủ các nước Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã kêu gọi TSMC đa dạng hóa về mặt địa lý. Kết quả là TSMC hiện đang xây dựng các nhà máy chip ở Nhật Bản và Mỹ, nhưng những dây chuyền sản xuất đó sẽ cần thời gian để hoạt động.
Rủi ro khi xảy ra xung đột quân sự
Mới đây, Bloomberg Economics công bố báo cáo dự đoán về tác động có thể xảy ra của một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan - nước cung cấp nguồn bán dẫn hàng đầu thế giới. Theo đó, về tổng thể một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu./.