Truyền thông

Đột phá từ chính sách và nguồn lực nhằm hiện đại hóa hệ thống cảng biển Việt Nam

P.V 07:40 18/10/2023

Các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ sẽ được huy động. Đây được xem là "đòn bẩy" quan trọng để hiện đại hóa hệ thống cảng biển Việt Nam tương xứng với tiềm năng.

Ưu tiên đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng cho 29 dự án cảng biển

Trong 10 năm qua, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Các Hiệp định Thương mại tự do đã và đang triển khai sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6-2,1 lần. Năm 2050 dự kiến sẽ gấp 4,1-4,8 lần so với hiện tại.

h5-1607570770927.jpg
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư hơn 31 nghìn tỷ đồng 29 dự án cảng biển.

Để bắt nhịp với xu hướng phát triển và nhu cầu ngày càng cao của vận tải đường biển, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam trong Quy hoạch lần này được hoạch định phù hợp các quy định của pháp luật, lợi thế điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển kinh tế của từng địa phương, từng vùng; có phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối cảng biển đến các chân hàng để tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các Bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện.

Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông Vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện 29 dự án cảng biển với hơn 31 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, dự án có nhu cầu vốn lớn nhất là đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn khoảng 8.000 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực cho công tác lập quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách.

Cùng với đó, chú trọng cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải công cộng (hệ thống luồng hàng hải, các công trình đèn biển, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải, quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, các công trình phụ trợ) theo lộ trình quy hoạch phát triển cảng biển được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư cảng biển và các hạ tầng liên quan tại khu vực.

Nhanh chóng đưa Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển vào thực tiễn

Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch gồm: nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch; nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hàng hải; nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng.

cang.jpg
Việt Nam sẽ thực hiện nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải 2015.

Về việc hoàn thiện hệ thống văn bản, sẽ thực hiện nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải 2015 theo lộ trình và theo trình tự, thủ tục quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải; tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan.

Đồng thời, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai lập các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển để triển khai phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hàng hải liên quan khác trong thực tiễn...

Chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm: thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm nguồn lực tài chính; bảo đảm quốc phòng - an ninh; cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các quy hoạch.

Các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đột phá từ chính sách và nguồn lực nhằm hiện đại hóa hệ thống cảng biển Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO