Bùng nổ các công ty công nghệ Đông Nam Á
Thế giới cuối cùng đã nhận ra tiềm năng và sự thú vị của khu vực Đông Nam Á. Khu vực này đang bước vào một kỷ nguyên vàng với sự chuyển mình của các tập đoàn, liên tục cải thiện bằng những công nghệ tiên tiến và mô hình kinh doanh mới, và đại dịch COVID-19 cũng đã góp phần tăng tốc quá trình số hóa.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp công nghệ tại Đông Nam Á đang bùng nổ với hơn 200 DN khởi nghiệp. Gần 40 DN trong số đó hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), công nghệ tài chính (fintech) và phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) đã đạt được vị thế kỳ lân ở Đông Nam Á. Theo ước tính của Jungle Ventures, tổng giá trị của các DN số trong khu vực hiện nay đạt khoảng 340 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2025.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bloomberg, các công ty Đông Nam Á đã huy động được 4,9 tỷ USD thông qua các đợt IPO trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng IPO trong khu vực cũng đạt mức cao nhất lịch sử, dẫn đầu là Indonesia với 23 lần niêm yết.
Ngày 13/4, Grab công bố thỏa thuận phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Việc sáp nhập này đẩy giá trị của gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe này chạm mốc 40 tỷ USD, trở thành thương vụ liên quan tới công ty SPAC lớn nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, sau thương vụ hãng gọi xe công nghệ Gojek và hãng TMĐT Tokopedia được thành GoTo thì GoTo cũng có thể được định giá tới 40 tỷ USD.
Giá trị vốn hóa thị trường của Sea, một tập đoàn của Singapore niêm yết trên sàn chứng khoán New York năm 2017, đã tăng lên tới 187 tỷ USD, còn Bukalapak được coi là ngôi sao sáng trên thị trường chứng khoán Indonesia trong năm nay với màn IPO lớn nhất lịch sử quốc gia vạn đảo lên tới 1,5 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường gần 8 tỷ USD.
Ban đầu, các DN khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á hoạt động tại các thị trường ngách riêng của mình. Sea bắt đầu bằng kinh doanh trò chơi. Grab ra mắt năm 2012 với tư cách là một dịch vụ gọi taxi ở Malaysia. Gojek đã phát điện thoại thông minh cho những lái xe gắn máy ở Jakarta (được gọi là ojek), những người này có thể lên lỏi để vượt qua tình trạng tắc đường kinh hoàng của thủ đô Indonesia để mang các sản phẩm hoặc dịch vụ cá nhân được cung cấp trên nền tảng của Gojek đến với người tiêu dùng. Traveloka khởi đầu là ứng dụng chuyên về đặt vé máy bay còn Tokopedia là một nền tảng TMĐT. Tất cả DN này đã mở rộng từ đó và phát triển theo hướng trở thành "siêu ứng dụng".
Và rất nhiều người kỳ vọng rằng trong giai đoạn tới sẽ có nhiều startup ở Đông Nam Á trở thành siêu kỳ lân công nghệ (Decacorn - công ty khởi nghiệp có định giá hơn 10 tỷ USD).
TMĐT đang trên đà phát triển
Theo báo cáo của Facebook và Bain & Company, TMĐT sẽ tiếp tục tăng tốc ở Đông Nam Á, với mức tăng trưởng 85% so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức 115 tỷ USD. Đến cuối năm 2021, Đông Nam Á sẽ có khoảng 350 triệu người dùng số, bằng 80% tổng người dùng của khu vực này. Doanh số bán hàng dự kiến tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, đạt 254 tỷ USD vào năm 2026. Shopee, Lazada, GoTo và Bukalapak là những minh chứng về tiềm năng và cơ hội tăng trưởng phi thường của lĩnh vực này tại Đông Nam Á và họ vẫn đang trên đà tiếp tục phát triển.
Trong khi thành công ban đầu của TMĐT tại khu vực đến từ các DN tập trung vào bán lẻ như Shopee và Lazada, thì làn sóng tiếp theo đang xuất hiện thông qua TMĐT theo chiều dọc. Carro có trụ sở tại Singapore là một trong số ít những công ty nổi bật trong phân khúc thị trường ô tô cũ ở Đông Nam Á. Công ty gần đây đã gây chú ý sau khi huy động một vòng đầu tư khổng lồ do SoftBank dẫn đầu và đạt vị thế kỳ lân.
Carro sử dụng trí thông tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình mua ô tô từ đầu đến cuối của mình. Điều này bao gồm việc giới thiệu các tính năng và sản phẩm bổ sung như tài chính và bảo hiểm. Những công ty khác như Livspace, Pomelo, Zalora và Sociolla cung cấp các mặt hàng gia dụng, thời trang và chăm sóc cá nhân và huy động được hàng triệu USD tài trợ. Thành công của họ được củng cố bởi thực tế là sự mở rộng các danh mục sản phẩm và Đông Nam Á vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình thâm nhập bán lẻ trực tuyến.
Có thể thấy rằng, chỉ cần "bắt kịp" mức độ thâm nhập tương tự như Trung Quốc trong các phân khúc theo chiều dọc sẽ doanh thu từ TMĐT trong toàn khu vực sẽ tăng lên 4-5 lần.
Tiềm năng từ fintech và các dịch vụ ngân hàng số
Tại Đông Nam Á, tổng giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số (GTV) ước đạt 620 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Tuy việc chấp nhận ví điện tử đã gia tăng mạnh mẽ nhưng vẫn còn hơn 70% người trưởng thành ở Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng do các giới hạn về chi phí và địa lý khác nhau. Đây chính là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp fintech lấp đầy khoảng trống này.
Mô hình mua trước, trả sau (BNPL) được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng rất lớn tại Đông Nam Á, với tổng giá trị giao dịch của lĩnh vực này sẽ tăng gấp gần đôi chỉ trong một năm từ 270 triệu USD vào năm 2020 lên 445 triệu USD vào năm 2021, theo Tech in Asia. Các DN nổi bật bao gồm Kredivo có trụ sở tại Indonesia, công ty này đã phát hành cổ phiếu ra công chúng chỉ sau 5 năm thành lập. Đây cũng là công ty fintech lớn nhất ở Đông Nam Á sau khi niêm yết trên Nasdaq thông qua SPAC với mức định giá 2,5 tỷ USD.
Thị trường fintech giữa DN với DN (B2B), đặc biệt là các cổng thanh toán cho phép thương mại trực tuyến và xuyên biên giới, cũng trở thành một cơ hội ngày càng tăng. Xendit, một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số, cho biết họ xử lý hơn 65 triệu giao dịch mỗi năm với giá trị thanh toán là 6,5 tỷ USD. 2C2P, một nền tảng thu tiền trực tuyến, cung cấp một loạt các dịch vụ như cổng thanh toán, thẻ công ty, ví số và các dịch vụ chuyển tiền, đã đạt được doanh thu hơn 100 triệu USD vào năm 2020 và đang tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong khu vực.
Thúc đẩy số hóa SME
Các DN vừa và nhỏ (SME) được coi là xương sống của nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á, chiếm hơn 90% tổng số DN trong khu vực và đóng góp hơn 40% GDP. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hơn 65% SME hiện có ý định số hóa hoạt động của họ để có nâng cao hiệu quả kinh doanh và phục hồi sản xuất. Các DN khởi nghiệp công nghệ có thể cung cấp nhiều giải pháp để giúp các SME số hóa hoạt động và thu hẹp khoảng cách tăng trưởng đáng kể.
Moglix của Ấn Độ, một nền tảng mua sắm B2B phục vụ hơn 500.000 SME ở châu Á, đã huy động được 120 triệu USD trong vòng Series E trong năm nay. Điều này khiến Moglix trở thành công ty thứ 12 tại thị trường lớn thứ hai thế giới đạt được vị thế kỳ lân trong năm nay. Trong khi đó, KiotViet, công ty cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng trọn gói, giá cả phải chăng cho hơn 110.000 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam, đã huy động 45 triệu USD vào đầu tháng 9 vừa qua. GudangAda, một nền tảng thị trường dành cho người bán buôn, cũng đã thông báo rằng họ đã hoàn thành Series B trị giá hơn 100 triệu USD hồi tháng 7.
Chuỗi cung ứng số và logistics của bên thứ ba
Với những lợi thế về vị trí địa lý, Đông Nam Á có nhiều cơ hội để mở rộng mô hình TMĐT, vận hành dịch vụ logistics và giao hàng tận nơi. Điều này đã thúc đẩy sự gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba, những người đảm nhiệm việc xử lý việc phân phối, lưu kho và giao hàng chặng cuối trên khắp các quốc gia và khu vực.
Theo Insight Partners, lĩnh vực này sẽ tạo ra doanh thu cho khu vực hơn 55 tỷ USD vào năm 2025. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này đang ở mức cao nhất lịch sử - hơn 30 thương vụ đã được công bố vào năm 2020 với tổng giá trị lên tới gần 750 triệu USD. Một số DN nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm Waresix và J&T Express của Indonesia, Ninja Van của Singapore và kỳ lân công nghệ đầu tiên của Thái Lan Flash Express.
Tất cả chỉ mới bắt đầu
Bất chấp sự tăng trưởng ấn tượng và các khoản đầu tư lớn vào đây, theo các chuyên gia Đông Nam Á mới chỉ đang bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo.
Kể từ năm 2015, các nhà đầu tư mạo hiểm, nhóm công ty công nghệ (bao gồm Alibaba và Tencent, cũng như Google và Softbank) cũng các cựu binh Wall Street (như KKR, gã khổng lồ đầu tư tư nhân) đã rót tổng cộng 26 tỷ USD vào khu vực này (Theo Dealogic). SPAC của Grab được chống lưng bởi nhiều thế lực khác, trong đó có BlackRock, hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới (cùng với Fidelity và T. Rowe Price Group). Một số khoản đầu tư có thể để lại dư vị đắng nhưng với tiềm năng của khu vực, nhiều nhà đầu tư vẫn có cơ hội gặt hái những thành công ngọt ngào.
Với các giao dịch mới và việc mở rộng niêm yết ở Hoa Kỳ được công bố thường xuyên hơn, Đông Nam Á vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại và sự xuất hiện của nhiều kỳ lân hơn trong tương lai đang đến gần./.