Từng cá nhân, tổ chức chung tay CĐS thiết thực
Gửi lời chào mừng 10 năm Internet Day Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết sự phát triển Internet ngày nay ở Việt Nam có sự đóng góp không thể thiếu được của cộng đồng các doanh nghiệp (DN) cung cấp Internet từ những ngày đầu tiên, sau này vai trò của Hiệp hội.
Kỷ niệm 10 năm ngày Internet, nhưng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam sống cùng Internet đã được hơn 20 năm. "Hiện nay Internet không chỉ đơn thuần phục vụ yêu cầu công việc bộ phận ít người mà đã đến với mọi người. Nói về vai trò của Internet thì chúng ta hãy tưởng tượng nếu không có Internet sẽ như thế nào".
Phó Thủ tướng cho biết với sự nỗ lực của cộng đồng DN Internet Việt Nam từ những ngày đầu rất là khó khăn, ngày hôm nay Hiệp hội đã có những bước phát triển. "Tôi cảm thấy rất vui khi được lãnh đạo Hiệp hội chia sẻ tầm nhìn, tương lai của Hiệp hội. Đặc biệt không chỉ dừng lại ở cộng đồng hơn 100 DN chuyên cung cấp dịch vụ Internet mà chúng ta hướng tới, đồng hành cùng nhau mở rộng cộng đồng, đặc biệt là các DN non trẻ".
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết không chỉ đơn thuần coi người sử dụng là khách hàng của mình mà cùng nhau tạo nên hệ sinh thái, môi trường; tất cả không chỉ là kinh doanh mà cùng phát huy tiềm năng. Từng cá nhân, tổ chức chung tay để CĐS của Việt Nam phát triển một cách thiết thực.
Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, trong bối cảnh đại dịch COVID và những áp lực to lớn mà các chính phủ, DN, xã hội đang phải đối mặt, CĐS đang là minh chứng cho hướng đi đúng đắn đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số.
Với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế đã được thực hiện tốt, tạo ra những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Để tiếp tục tạo những kết quả đột phá, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh CĐS quốc gia cần gắn liền chặt chẽ với "tài nguyên đầu vào" là công nghệ số và dữ liệu số. Chủ đề "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa" được VIA lựa chọn rất phù hợp cho hội thảo ngày hôm nay.
Để xây dựng, tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho DN khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Trước hết, cần chuyển đổi nhận thức, xây dựng văn hóa về dữ liệu. Dữ liệu là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức, là nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, trích xuất ra giá trị mới, tạo ra các giá trị mới phục vụ xã hội".
Theo dự thảo về Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ TT&TT định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, mục tiêu đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ ở Việt Nam, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế. Điều này đảm bảo cho dữ liệu Việt Nam lưu trữ tại Việt Nam khi 80% dữ liệu hiện tại có thể nằm ở các nền tảng nước ngoài.
Bộ TT&TT đang chủ trì xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số đề cập đến các vấn đề dữ liệu từ quản lý, khai thác dữ liệu… tạo ra việc chia sẻ, sử dụng dữ liệu được bảo vệ.
Tiếp theo, Thứ trưởng cho biết phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Hạ tầng số chính là mạng Internet, hạ tầng băng rộng và IoT, hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng thiết yếu. Cần tập trung phát triển hạ tầng số, mạng Internet ở Việt Nam thật tốt, an toàn để có thể truyền tải an toàn, hiệu quả dữ liệu của chúng ta.
Thứ ba, để khai thác dữ liệu số trong kỷ nguyên dữ liệu hóa một cách hiệu quả, Thứ trưởng nhấn mạnh cần hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng.
Kinh tế Internet của Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á
Điểm lại những đánh giá về Internet Việt Nam, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết vào năm 2012, khi sự kiện hội thảo và triển lãm Internet Day Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề "Hướng tới tương lai", nhằm kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (ngày 19/11/1997), Việt Nam khi đó đã được WeAreSocial đánh giá là "thị trường thú vị nhất châu Á" trong một cuộc khảo sát về tình hình phát triển Internet, truyền thông xã hội, kỹ thuật số và điện thoại di động ở châu Á. Việt Nam khi đó, vào năm 2012 mới chỉ có khoảng 30,8 triệu người sử dụng Internet.
Đến nay, trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11, nền kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030… Việt Nam hiện nay vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu vẫn tiếp tục đổ vào. Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người.
Đại dịch COVID-19 là một yếu tố tác động và góp phần định hình lại nền kinh tế Internet của Việt Nam trong thời gian tới. Cũng theo báo cáo e-Conomy SEA 2021, trong thời gian đại dịch, nhiều người dùng có xu hướng thử nghiệm các dịch vụ số mới trong lĩnh vực giải trí, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là đào tạo trực tuyến. Điều này có thể thấy rõ trong xu hướng tìm kiếm của người dùng Internet tại Việt Nam trong công bố mới đây của Google Year in Search 2021.
Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông ngày nay, Chủ tịch VIA cho biết chỉ với một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối Internet, người dùng có thể tìm kiếm được mọi thông tin, dữ liệu của tất cả lĩnh vực trên môi trường mạng. Thông tin trên môi trường mạng là kho kiến thức khổng lồ phục vụ công việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
"Internet, mạng xã hội đã trở lên phổ biến và là nhu cầu không thể thiếu trong xã hội ngày nay, những tiện ích mà nó mang lại đã giúp cho con người rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian cũng như được tiếp cận với nền văn minh nhân loại", Chủ tịch VIA khẳng định.
Từ thực tế này, Chủ tịch VIA một lần nữa nhấn mạnh: "Dữ liệu trên Internet ngày nay đang trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả các DN vừa và nhỏ".
Từ 2019, Ủy ban Châu Âu đã xây dựng một Báo cáo nghiên cứu về vai trò quan trọng của nền kinh tế dữ liệu và đã xây dựng chiến lược cho nền linh tế dữ liệu (KTDL) theo dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 1,054 tỷ € và tỷ trọng kinh tế dữ liệu so với GDP của EU năm 2025 là 6,3%.
Tại châu Á, Hàn Quốc là một trong những đại diện điển hình cho mô hình phát triển KTDL. Với một thập niên kiên trì với chiến lược đổi mới sáng tạo thông qua tận dụng thành quả của công nghệ số, KTDL của nước này đã không ngừng phát triển và đạt quy mô lên đến lên khoảng 19.000 tỷ won (tương đương 16,81 tỷ USD) vào năm 2020 (con số này chưa tính đến giá trị tác động gián tiếp của ngành công nghiệp này với tổng thể nền kinh tế nói chung).
Nhìn chung, theo Chủ tịch VIA, KTDL đang trở thành một chủ đề hấp dẫn trong các thảo luận ở cấp độ quốc gia cho đến toàn cầu. Ngành công nghiệp dữ liệu là một hệ sinh thái bao gồm ba lĩnh vực: giải pháp dữ liệu; xây dựng và tư vấn dữ liệu và dịch vụ dữ liệu./.