Đưa tin về các đối tượng bị tổn thương tâm lý: Làm thế nào để họ không tiếp tục bị tổn thương?
"Đưa tin về các đối tượng bị tổn thương tâm lý" là hoạt động đặt ra vấn đề cấp thiết, đồng thời mang đến những giải pháp thiết thực để nâng cao nhận thức và kỹ năng của báo chí trong việc truyền tải các câu chuyện nhạy cảm.
Ngày 6/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Đưa tin về các đối tượng bị tổn thương tâm lý”. Sự kiện thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà báo kỳ cựu, các tổ chức quốc tế cùng đông đảo sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Tầm quan trọng của báo chí nhân văn
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Đức Toàn, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh: “Đưa tin về các đối tượng bị tổn thương tâm lý không chỉ đòi hỏi tính chính xác mà còn cần sự đồng cảm sâu sắc. Đó là trách nhiệm và cũng là thử thách lớn của báo chí hiện đại”.
Tại toạ đàm, bà Caroline, Chủ tịch nhóm G4 - tổ chức với hơn 20 năm kinh nghiệm bảo vệ các nhóm yếu thế, chia sẻ về sứ mệnh của G4 trong việc thúc đẩy báo chí nhân văn.
“Những câu chuyện không chỉ là số liệu mà phải là minh chứng thực tế. Nhà báo cần trò chuyện, lắng nghe và giúp nâng cao tiếng nói của các nạn nhân mà không gây tổn thương thêm cho họ”, bà Caroline khẳng định.
Góc nhìn từ các chuyên gia
Tọa đàm cũng ghi nhận những đóng góp quan trọng từ các diễn giả quốc tế. Bà Ramla Khalidi, từng là nhà báo trước khi tham gia Liên hợp quốc, chia sẻ kinh nghiệm từ cuốn sách “Có ai ở đây từng bị hiếp dâm và nói được tiếng Anh không?”.
Bà nhấn mạnh: “Nhà báo không chỉ là người đưa tin mà còn phải khuếch đại tiếng nói của những người yếu thế, truyền cảm hứng cho sự thay đổi tích cực”.
Đại sứ Na Uy trình bày về quy tắc pháp luật và đạo đức làm báo tại quốc gia này, bao gồm việc sử dụng các bộ quy tắc báo chí để đảm bảo tính nhân văn và tránh gây tổn thương. “Báo chí không chỉ phản ánh sự thật mà còn có trách nhiệm bảo vệ những người yếu thế trong xã hội”.
Trong khi đó, bài tham luận của Tiến sĩ Tạ Bích Loan mang đến góc nhìn sâu sắc về việc đưa tin các câu chuyện nhạy cảm, đặc biệt là những thảm họa thiên nhiên như bão Yagi.
“Chúng tôi không chỉ đưa tin nhanh mà còn phải đúng và chính xác, làm điểm tựa tinh thần cho cộng đồng”, Tiến sĩ Tạ Bích Loan chia sẻ.
Tiến sĩ Tạ Bích Loan đã cùng VTV sản xuất ra chương trình “Điểm tựa Việt Nam” ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua và để lại rất nhiều tổn thương tâm lý cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão.
Tiến sĩ Tạ Bích Loan cũng chia sẻ về những điều nên và không nên khi khai thác và đưa tin về những đối tượng bị tổn thương tâm lý, cung cấp cho sinh viên và các nhà báo trẻ những kiến thức cần thiết khi đưa tin về đối tượng bị tổn thương tâm lý.
Bà Hoàng Thu Huyền từ Hagar Vietnam cũng nêu bật tác động của sang chấn tâm lý đến các nạn nhân sau thảm họa thiên nhiên và bạo lực.
"Là những người làm báo, bạn không chỉ kể câu chuyện, mà còn chạm vào trái tim và khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong những người bị tổn thương. Hãy đồng cảm với nỗi đau của họ, bởi mỗi câu từ bạn viết ra có thể là hạt giống của sự chữa lành hoặc thêm gánh nặng cho một tâm hồn đã chịu nhiều đổ vỡ. Hãy để ngòi bút của bạn trở thành cầu nối giữa những trái tim tan vỡ và hy vọng phục hồi, giúp họ cảm nhận rằng họ không bị bỏ lại phía sau", bà Hoàng Thu Huyền chia sẻ.
Bà khuyến nghị: “Trong quá trình đưa tin, cần hết sức lưu ý để không vô tình kích hoạt lại tổn thương cho họ”.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh đóng góp những nghiên cứu so sánh quy ước báo chí Việt Nam và Na Uy, đặc biệt trong việc bảo vệ trẻ em. “Làm báo hay thì phải làm báo đúng. Nếu thiếu kiến thức, báo chí có thể vô tình gây hại lần nữa cho các nạn nhân”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Đồng hành và truyền cảm hứng cho sinh viên
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, tọa đàm mở ra không gian giao lưu sôi nổi giữa sinh viên và các diễn giả. Bà Leigh McCumber từ Đại sứ quán Canada đã trao tặng những phần quà ý nghĩa, khuyến khích sinh viên tiếp tục tìm tòi, học hỏi trong hành trình trở thành những nhà báo nhân văn.
Kết thúc tọa đàm, các diễn giả thống nhất rằng: Báo chí không chỉ đưa tin mà còn phải xây dựng lòng tin. Cách tiếp cận “không gây hại” (Do No Harm) cần được áp dụng triệt để, giúp truyền thông trở thành cầu nối của sự đồng cảm và thay đổi tích cực trong xã hội.
Tọa đàm là một dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp trong báo chí Việt Nam và quốc tế./.