Là thủ đô của Tiểu vương quốc Dubai và là thành phố đông dân nhất của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), thành phố Dubai đã có một bước chuyển mình ngoạn mục từ một làng chài nhỏ thành một trong những đô thị giàu có nhất thế giới chỉ trong vài thập kỷ. Ngày nay, Dubai được biết đến với những tòa nhà chọc trời - bao gồm cả tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa với chiều cao 828 m, gồm 162 tầng - các bến cảng, bãi biển và khách sạn sang trọng với hơn 3 triệu người dân sinh sống.
Dubai cũng là thành phố nổi tiếng thứ 29 trên thế giới đối với những cư dân siêu giàu, sau khi hơn 2.000 cá nhân có giá trị tài sản cao chuyển đến tiểu vương quốc này trong 6 tháng đầu năm 2021.
Chưa dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, cơ sở hạ tầng và sự gia tăng dân số, chính phủ Dubai đang đặt cược lớn vào các dự án và công nghệ thành phố thông minh (TPTM) với mục tiêu biến Dubai trở thành "thành phố hạnh phúc nhất trên trái đất".
TPTM nhất thế giới
Sự bùng phát dịch COVID-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, được dự báo sẽ có những tác động đáng kể đến sự phát triển của cả thế giới. Cùng với những thách thức chính sách cấp bách trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các vấn đề như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh chóng và chuyển đổi số, cùng với các vấn đề khác, vẫn nổi bật trên khắp thế giới.
Các thành phố trên khắp thế giới vẫn đang chạy đua để nắm bắt công nghệ, từ camera giao thông thông minh và dịch vụ taxi công nghệ đến xử lý rác thải, giám sát ô nhiễm và sử dụng WiFi miễn phí… Các TPTM không đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ mới mà còn phải đảm bảo rằng công nghệ đó thực sự cải thiện cuộc sống của người dân. Chúng ta hãy cùng xem xét một số dự án TPTM hàng đầu ở Dubai nhằm giải quyết các nhu cầu ngày càng tăng của người dân và thách thức về biến đổi khí hậu.
Năm 2021, chính phủ Dubai đã khởi động Chiến lược Dubai thông minh (Smart Dubai Strategy), bao gồm hơn 100 sáng kiến thông minh (sẽ hoàn thành vào năm 2028) và 1.000 dịch vụ thông minh trên toàn thành phố để cải thiện các dịch vụ của chính phủ cũng như giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn.
Điều này bao gồm số hóa và tự động hóa tại các đồn cảnh sát, theo đó người dân có thể nộp phạt và báo cáo tai nạn nhanh chóng mà không cần gặp các sĩ quan cảnh sát. Đồng thời, đầu tư các nguồn lực để phát triển năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng công cộng và giao thông bền vững (trong một số trường hợp là không người lái), ví dụ, thành phố đã bắt đầu xây dựng các tòa nhà chỉ sử dụng máy in 3D. Các dự án thông minh này đều tận dụng các công nghệ mới như truyền thông 5G, đám mây và phân tích dữ liệu lớn, in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), IoT và blockchain.
Điểm nhấn thứ hai đối với mô hình TPTM của Dubai là hướng tới áp dụng công nghệ blockchain vào nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm biến Dubai trở thành thành phố blockchain đầu tiên trên thế giới. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu mang lại kết nối nhanh hơn và năng suất cao hơn trên tất cả các lĩnh vực như một cách để khuyến khích và đảm bảo các mối quan hệ kinh doanh và đối tác tại UAE và trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn nữa.
Việc sử dụng dữ liệu cũng có thể cung cấp các dịch vụ được cá nhân hóa và hiệu quả hơn cho cả người dân, doanh nghiệp và khách du lịch - Dubai là thành phố được ghé thăm nhiều thứ tư trên thế giới vào năm 2018 sau London, Paris và Bangkok.
Theo trang web chính thức của Chiến lược Dubai thông minh, "Dubai có khả năng tiết kiệm 5,5 tỷ dirham (gần 1,5 tỷ USD) hàng năm chỉ cho việc xử lý tài liệu" bằng cách số hóa và áp dụng công nghệ blockchain. Thành phố là nơi có phòng thí nghiệm AI đầu tiên kết hợp với IBM, sử dụng công nghệ AI và máy học để cải thiện việc cung cấp các trải nghiệm và dịch vụ của chính phủ và thành phố. Nó cũng hoạt động theo hướng giúp cộng đồng và các doanh nghiệp tận dụng công nghệ này để vận hành và hoạt động tốt hơn. Ví dụ, AI đang được sử dụng để theo dõi mức độ mệt mỏi và căng thẳng của tài xế xe buýt để giúp giảm thiểu rủi ro và số vụ tai nạn trên đường.
Một mục tiêu chính khác trong Chiến lược Dubai thông minh là biến Dubai thành một thành phố không tiền mặt và không giấy tờ bằng cách tự động hóa và số hóa các khía cạnh khác nhau của cuộc sống đô thị, có thể là giao thông vận tải, thanh toán hóa đơn hoặc các giao dịch của chính phủ, từ đó tiết kiệm 1.000.000 cây xanh. Hiện nay, tất cả các thủ tục và giao dịch bên trong, bên ngoài Chính phủ Dubai hiện đã được số hóa 100% và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số toàn diện của chính phủ.
Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng của UAE Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum, cho biết: "Việc đạt được mục tiêu này đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong hành trình số hóa cuộc sống ở mọi khía cạnh của Dubai - một hành trình bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo và tập trung vào tương lai".
Ông nói: "Thành tựu này cũng củng cố vị thế của Dubai với tư cách là thủ đô kỹ thuật số hàng đầu thế giới và vị thế hình mẫu trong việc thiết kế các hoạt động và dịch vụ của chính phủ nhằm nâng cao mức độ hạnh phúc của người dân. Giai đoạn mới trong hành trình kỹ thuật số của Dubai sẽ cho phép và trao quyền cho các chính phủ trong tương lai đáp ứng kỳ vọng của người dân về một TPTM phát triển mạnh và mang đến cho họ những cơ hội mới cho sự thịnh vượng, phát triển bền vững và hạnh phúc".
Chiến lược Dubai không cần giấy tờ được thực hiện trong 5 giai đoạn liên tiếp, mỗi giai đoạn thu hút sự tham gia của một nhóm khác nhau trong các cơ quan của Chính phủ Dubai. Vào cuối giai đoạn thứ năm, chiến lược đã được thực hiện đầy đủ trên tất cả 45 cơ quan chính phủ trong tiểu vương quốc. Các đơn vị này cung cấp hơn 1.800 dịch vụ kỹ thuật số và hơn 10.500 giao dịch chính. Sự hợp tác và tích hợp giữa các đơn vị tham gia cho phép tự động hóa các quy trình và dịch vụ cung cấp cho khách hàng, cắt giảm tiêu thụ giấy hơn 336 triệu tờ, tuyên bố cho biết thêm. Chiến lược này cũng giúp tiết kiệm hơn 1,3 tỷ Dirham (350 triệu USD) và hơn 14 triệu giờ lao động cho Chính phủ Dubai.
Một công nghệ thông minh đáng chú ý khác đang được triển khai trên toàn thành phố là cây "Cây cọ thông minh (Smart Palm)" cao 21 foot (khoảng 6,5m) sử dụng năng lượng mặt trời, không chỉ cung cấp bóng râm mà còn cung cấp Wi-Fi miễn phí với phạm vi phát sóng đến hơn 100m. Nó còn có tổng cộng 8 cổng sạc để người dùng có thể thoải mái cắm sạc cho thiết bị khi nghỉ chân. Ngoài ra, trên trụ đèn có tính năng camera an ninh và nút gọi khẩn cấp. Hiện có hơn một trăm thiết bị Smart Palm đang được lắp đặt tại các bãi biển và công viên của thành phố.
Một trong những dự án hàng đầu đáng chú ý của thành phố là Dubai-Abu Dhabi Hyperloop (còn được gọi là Virgin Hyperloop). Dự án trị giá 6 tỷ USD sẽ xây dựng một hệ thống tàu điện siêu tốc chạy trong đường ống chân không nhờ hệ thống điện từ. Hệ thống này giúp cắt giảm đáng kể thời gian vận chuyển, dự kiến thời gian di chuyển giữa Dubai và Abu Dhabi từ 1 giờ sẽ giảm xuống chỉ còn 12 phút.
Giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu
Dubai có kế hoạch cắt giảm 30% lượng khí thải carbon vào cuối năm 2030 như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm đạt được mức độ trung tính carbon vào năm 2050 ở UAE, do đó, các dự án TPTM đang thực hiện đóng vai trò rất quan trọng.
Hoàng thân Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum muốn biến Dubai trở thành thành phố có lượng khí thải carbon nhỏ nhất trên thế giới và đặt mục tiêu thành phố sẽ cung cấp 75% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Dubai hiện đang yêu cầu các tòa nhà mới lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, các hệ thống vận hành sử dụng ít đèn chiếu sáng và bộ điều nhiệt khi không hoạt động. Một dự án phát triển nhà ở mới cũng đã được khai trương gần đây, có tên là "Thành phố bền vững" có khả năng tái chế nước và chất thải và tạo ra nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ.
Mặc dù đạt được những bước tiến lớn trong các sáng kiến thông minh và bền vững nhưng thành phố Dubai vẫn còn phải đối mặt những thách thức do biến đổi khí hậu. Do mực nước biển dâng nhanh, nhiều dự án và cơ sở hạ tầng vẫn được xây dựng ngay trên mực nước biển, nhiều dự án bất động sản tiếp tục mở rộng dọc theo bờ biển, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và triều cường./.