EVN phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025

Trường Thanh| 23/09/2021 16:53
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát hành văn bản điện tử, lập hồ sơ công việc trên môi trường mạng; số hóa các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh... là những đổi mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ điện.

Công tác CCHC luôn được đơn vị chú trọng và tập trung mọi nguồn lực triển khai

Theo EVN, những năm qua, công tác CCHC luôn được đơn vị chú trọng và tập trung mọi nguồn lực triển khai. Trong đó, EVN đã ứng dụng CNTT, góp phần vào đơn giản hóa các báo cáo định kỳ và cụ thể hóa các giải pháp thực hiện.

Cuối năm 2020, EVN đã triển khai "Hóa đơn tiền điện ứng dụng QR code" - ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện.

Theo đó, từ tháng 1/2021, EVN triển khai ứng dụng QR code theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cho tất cả khách hàng sử dụng điện. Mỗi khách hàng sẽ có một mã QR code, áp dụng trên toàn bộ hồ sơ khách hàng, trên hóa đơn tiền điện và thông báo tiền điện. Khi thực hiện thanh toán, khách hàng chỉ cần quét mã QR và nhập số tiền, giao dịch thanh toán sẽ hoàn thành rất nhanh, không cần khai báo thông tin người dùng. 

Trước đó, từ năm 2019, EVN đã đưa vào vận hành EVNPortal, các báo cáo gửi và nhận từ các đơn vị được thực hiện bằng các phần mềm dùng chung. Hiện chỉ còn 26 báo cáo thực hiện theo hình thức đính kèm file. 

Hiện nay, EVN đang hoàn thiện EVNPortal, nghiên cứu áp dụng công nghệ BI (Business Intelligence); đẩy mạnh áp dụng sử dụng chữ ký số, thực hiện họp trực tuyến, họp không giấy, vừa giảm chi phí vừa nâng cao năng suất lao động.

EVN và các đơn vị trực thuộc cũng đặc biệt chú trọng đến việc đơn giản hóa các thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng khi tiếp cận các dịch vụ điện năng theo phương châm 3 dễ (dễ tiếp cận, dễ tham gia, dễ giám sát) và "một cửa".

Đến nay, EVN đã cung cấp 100% dịch vụ điện tương đương Dịch vụ công cấp độ 4 (cấp độ cao nhất trong Dịch vụ công trực tuyến); cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử - mọi công đoạn đều thực hiện qua môi trường mạng, từ khâu yêu cầu dịch vụ tới ký hợp đồng, người dân không cần phải đến trụ sở Điện lực mà chỉ cần truy cập vào máy vi tính hoặc thiết bị smartphone có kết nối internet.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 - Ảnh 1.

Đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần quan trọng giúp EVN nâng cao chất lượng công tác kinh doanh và dịch vụ khách hang.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ CCHC vào cải cách hành chính

Hàng năm, Hội đồng thành viên Tập đoàn, Tổng Giám đốc đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về cải cách hành chính; trong đó, yêu cầu tăng cường sử dụng, khai thác triệt để tiện ích, thông tin từ các phần mềm dùng chung như E-office, EVNPortal, HRMS; thực hiện kết nối gửi/nhận trục liên thông văn bản/hồ sơ tài liệu giữa Tập đoàn với các đơn vị thành viên và ngược lại, giữa các đơn vị trong ngành với nhau qua Văn phòng điện tử (trừ văn bản mật).

Tập đoàn cũng yêu cầu lãnh đạo các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính, đồng thời, gắn kết quả cải cách hành chính vào việc đánh giá các chỉ tiêu hiệu quả, thành tích hàng tháng, thi đua, khen thưởng định kỳ, đột xuất...

Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, EVN còn khuyến khích phát huy trí tuệ tập thể của hơn 100 nghìn cán bộ công nhân viên (CBCNV) và người lao động trong việc đề xuất các ý tưởng cải cách hành chính. Tập đoàn và các đơn vị đã phát động phong trào tìm kiếm ý tưởng cải cách hành chính. Qua đó, khuyến khích sự nhiệt huyết, tinh thần yêu ngành, yêu nghề của CBCNV. Tính đến nay, đã có 3.129 ý tưởng, sáng kiến cải cách hành chính nội bộ được ghi nhận và triển khai áp dụng.

Riêng tại Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015 - 2020, đã có 214 giải pháp cải cách hành chính được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao sự hài lòng của khách hàng, sự tin tưởng của đối tác và sự đồng thuận của người lao động.

Với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế hiện đại, phát triển bền vững, hiệu quả, những năm tới, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào khâu cải cách hành chính; tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh,...

Tập đoàn Điện lực Việt Nam phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 - Ảnh 2.

EVN sẽ tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào khâu cải cách hành chính; tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.

EVN đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022

Đầu năm 2021, EVN đã phê duyệt Chương trình cải cách hành chính của Tập đoàn giai đoạn 2021-2025. Chương trình đặt ra mục tiêu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần xây dựng, phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững với công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; gắn kết chặt chẽ sản xuất, kinh doanh với ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025. 

Theo đó, EVN tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy quản lý trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam theo hướng tinh gọn, tập trung, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cải cách hành chính trong điều hành, lề lối làm việc tại EVN và các đơn vị…

Cùng với đó đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm dùng chung vào việc thực hiện công tác hành chính, văn thư lưu trữ tại EVN và đơn vị; thực hiện triệt để "Phòng họp không giấy"; triển khai áp dụng Digital Office trong toàn EVN theo kế hoạch được phê duyệt đảm bảo kết nối liên thông văn bản điện tử của EVN với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, đối tác ổn định, an toàn và bảo mật.

Xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số, tận dụng những ưu điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để gia tăng hiệu quả, tối ưu hóa chi phí trong hoạt động của quản lý; nâng cao độ tin cậy và chất lượng các dịch vụ điện lực. EVN đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022, đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động của Tập đoàn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
EVN phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO