Hợp đồng này là bước cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ Hợp tác chiến lược chuyển đổi số được hai bên ký vào tháng 10/2020.
Hai bên kỳ vọng, FPT sẽ đưa ra được lộ trình chuyển đổi số toàn diện cho Thiên Long trên ba khía cạnh: (1) Chiến lược và lộ trình chuyển đổi số với danh sách các sáng kiến số cần triển khai trong đó tập trung số hóa và tối ưu hóa vận hành, xây dựng nhà máy thông minh với những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo v.v.. (2) Chiến lược và lộ trình chuyển đổi hệ thống CNTT đáp ứng cho hoạt động vận hành hệ thống ứng dụng và trung tâm dữ liệu; (3) Chiến lược chuyển đổi nguồn lực con người đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết: "Chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) thay đổi, quản trị và vận hành tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn, thời gian sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn và vượt lên trên đối thủ. FPT sẽ cam kết đồng hành cùng cộng đồng DN để nắm bắt và nhanh chóng biến những cơ hội này thành hiện thực dựa trên những xu hướng công nghệ mới nhất".
Trước đó, FPT đã trở thành đối tác chiến lược tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho nhiều DN lớn trong các lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, hàng không, thủy sản, logistic… tại thị trường trong nước và quốc tế như MobiFone, Minh Phú, Vietnam Airlines, DPDgroup….
Phương pháp luận FPT Digital Kaizen được FPT đúc rút từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi số cho các DN lớn trên phạm vi toàn cầu. Phương pháp luận này được xây dựng dựa trên 3 nguyên lý cơ bản là "Nghĩ lớn - Khởi động thông minh - Nhân rộng thần tốc". Khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số, DN cần hướng tới một lộ trình tổng thể, toàn diện trong vòng 3-5 năm dựa trên sự căn chỉnh phù hợp, cân bằng giữa chiến lược kinh doanh, mục đích, tầm nhìn và sứ mệnh.
Sau khi có chiến lược, DN cần "bắt đầu thông minh" từ những sáng kiến số để giải quyết những vấn đề thiết yếu sống còn, độ khả thi cao và khả năng đem lại kết quả cụ thể trong không quá 3 tháng. Các sáng kiến số khi hiệu quả phải có khả năng triển khai nhanh chóng trên quy mô lớn toàn DN.
Các DN sản xuất được xem là một trong những DN sớm nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và là những DN đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, Covid-19 đã tạo ra cú hích thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi số của các DN này.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước thời điểm Covid-19, có tới 58% DN sản xuất ứng dụng công nghệ số, trong khi con số này của các DN phi sản xuất chỉ là 41%. Còn trong giai đoạn Covid-19, có tới 36% các DN sản xuất đã bắt đầu hoặc có ý định ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.