Giải pháp nào để dịch vụ viễn thông tăng trưởng?

Lan Phương| 17/04/2021 16:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Tăng doanh thu từ các dịch vụ viễn thông là vấn đề được các cơ quan quản lý và nhà mạng luôn quan tâm, tìm lời giải để có thể đầu tư vào các mạng thế hệ mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Doanh thu thoại vẫn chiếm gần 1 nửa doanh thu của nhà mạng

Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Ban Công nghệ - mạng, Tập đoàn VNPT mới đây đã chia sẻ hiện nay, dịch vụ thoại vẫn chiếm doanh thu gần một nửa của các nhà mạng. Doanh thu dịch vụ di động của VNPT từ trước tới nay đều năm sau cao hơn năm trước nhưng trong năm vừa qua không tăng chút nào.

"Đây là bức tranh báo động trong bức tranh viễn thông của VNPT, cũng như có thể với các nhà mạng khác ở Việt Nam. Việc này sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai công nghệ mới bởi vì không có dòng tiền, lợi nhuận để đầu tư phát triển mạng thế hệ mới như mạng 5G", ông Yên cho hay.

Đặc biệt, ông Yên cũng nhấn mạnh, theo thống kê, hiện nay cước dữ liệu (data) di động ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất trên thế giới, chỉ bằng 30% so với mức cước data của Ấn Độ, quốc gia có mức cước thấp nhất thế giới.

Ông Yên cũng cho biết 5G là cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin di động (TTDĐ). Mỗi thế hệ TTDĐ đều có những sứ mệnh và trọng trách lịch sử. Mạng TTDĐ 5G có độ trễ thấp và độ tin cậy cao. Theo dự báo của Ericsson, cũng như của GSMA vào năm 2025, 5G sẽ chiếm khoảng 20% toàn bộ thuê bao TTDĐ thế giới. Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), để kinh doanh dịch vụ 5G, cần lưu ý 2 dịch vụ là kết nối massive IoT, dịch vụ IoT với độ trễ thấp và tin cậy cao.

Đề xuất giải pháp để dịch vụ viễn thông tăng trưởng - Ảnh 1.

Nhà mạng VinaPhone/VNPT phát sóng thử nghiệm thương mại mạng di động 5G tại tỉnh Bình Phước

Trong báo cáo mới đây, việc triển khai 5G thành công nhất trên thế giới là câu chuyện của Hàn Quốc. Sau khi triển khai mạng 5G, tất cả các nhà mạng Hàn Quốc đều có tăng trưởng về APRU, đặc biệt là có thể tăng tới 10 - 15%. "Điều này là điểm quan trọng cần chú ý khi chúng ta muốn triển khai 5G sớm. Điều kiện triển khai phù hợp, theo khuyến nghị của GSMA là APRU phải đạt khoảng 8 - 10 USD. So với điều kiện triển khai 5G này thì Việt Nam mới chỉ đạt 40% mức này", ông Yên cho biết.

Ông Yên cũng đề nghị cần phải có chính sách hỗ trợ, đồng hành của cơ quan nhà nước về tần số phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) viễn thông. Cơ quan quản lý cũng cần hạn chế nhập khẩu thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ 2G/3G, công bố thời điểm dừng công nghệ 2G, 3G.

Chia sẻ của ông Yên cũng được các nhà mạng khác và đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đồng tình tại sự kiện Mobile World 2021. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: "Các nhà mạng đang gặp áp lực về doanh thu đối với các dịch vụ viễn thông thuần túy do các dịch vụ OTT đang dần thay thế các dịch vụ thoại, nhắn tin truyền thống, trong khi các dịch vụ Internet cũng không tạo ra nhiều lợi nhuận do dịch vụ này ngày càng phổ biến, giá dịch vụ ngày càng giảm xuống".

Mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ và xây dựng mạng lưới theo hướng ảo hóa, hội tụ

Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, theo một khảo sát tại 64 công ty trên 40 quốc gia, 55,7% DN viễn thông sẽ dần hội tụ với các DN cung cấp dịch vụ nội dung và 8% DN sẽ hoạt động trong lĩnh vực cố định thuần túy, 23% DN hoạt động trong lĩnh vực di động và 7% các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung số.

"Như vậy, có thể nói các DN viễn thông truyền thống cần phải mở rộng mô hình hoạt động, kinh doanh tạo điều kiện mang lại nguồn thu mới là một nhu cầu tất yếu do đòi hỏi của thị trường cũng như bản thân DN viễn thông phải thay đổi", ông Nhã nhấn mạnh.

Theo đó, ông Nhã cho hay các nhà mạng cần nghiên cứu các dịch vụ viễn thông mới, tiên tiến như: Truyền thông bằng hình ảnh 3 chiều (HTC - Holographic type communications); Vận hành có cảm nhận từ xa thông qua Internet (TIRO) - Tactile Internet for remote operations); Hệ thống hiện diện thời gian thực (DT - Digital twins -), Công nghiệp IoT với điện toán đám mây (Industrial IoT (IIoT) with cloudification).

Những dịch vụ tiên tiến này yêu cầu của mạng lưới viễn thông phải đạt mức Terabyte, Megabyte hoặc hàng trăm Gigabit/s. Mô hình mạng lưới phải bao gồm những khả năng tính toán, điện toán đám mây, tích hợp giữa các mạng không dây, có dây vận hành với các dịch vụ điện toán biên cũng như các mạng về vệ tinh sẽ được kết hợp để cung cấp dịch vụ một cách thông minh và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Đề xuất giải pháp để dịch vụ viễn thông tăng trưởng - Ảnh 2.

Các yếu tố đóng góp hình thành mạng viễn thông năm 2030

Với nhu cầu cung cấp dịch vụ trong tương lai, Cục Viễn thông đề xuất mạng viễn thông, hạ tầng viễn thông phải phù hợp với xu hướng ảo hóa và hội tụ viễn thông - CNTT. Mạng viễn thông thế hệ mới phải đáp ứng dịch vụ điện toán biên, tương thích AI, kết hợp mạng vệ tinh, hệ thống truyền dẫn tốc độ cao để cung cấp được nhu cầu dịch vụ trong tương lai.

Tiếp theo, ông Nhã cũng cho biết các nhà cung cấp vệ tinh Việt Nam cần nghiên cứu hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh trên thế giới thì các chính sách để quản lý cũng như thúc đẩy các dịch vụ vệ tinh trong tương lai.

Thứ ba là thúc đẩy mạng viễn thông riêng ảo sẽ mang đến không gian mới cho các DN viễn thông cung cấp dịch vụ khi kết nối giờ đây không chỉ kết nối người-với-người mà kết nối máy-máy và người-máy. Đó là những khả năng, thị trường mới cho các DN viễn thông có thể khai thác cung cấp dịch vụ.

Việt Nam nên nghiên cứu, thử nghiệm Internet vệ tinh

Ông Lê Bá Tân, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel cho biết Việt Nam nên nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh bằng chùm vệ tinh quỹ đạo thấp.

Đề xuất giải pháp để dịch vụ viễn thông tăng trưởng - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Những vệ tinh tầm thấp chỉ làm 2 nhiệm vụ chính là quan sát trái đất từ xa và kết nối Internet. Do quãng đường di chuyển ngắn hơn, vệ tinh quỹ đạo thấp chỉ mất từ 1,5 - 2 tiếng đồng hồ để bay được một vòng quanh trái đất.

Ở thời điểm hiện tại, khoảng 77% khu vực nông thôn ở Việt Nam hiện đã có thể truy cập Internet. Tuy vậy, điều này cũng có nghĩa, khoảng 23% khu vực nông thôn ở Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận với dịch vụ này.

Theo ông Lê Bá Tân, để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam nên nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm để tăng độ phủ của Internet tới những khu vực xa xôi như miền núi, hải đảo.

Với diện tích chủ yếu là đồi núi, nhiều hải đảo, nước ta nên phát triển công nghệ chùm vệ tinh nhằm phủ sóng Internet tới những khu vực địa hình bị chia cắt. Đó cũng là lý do mà nhà mạng Viettel mới đây đã đề xuất việc nghiên cứu và thử nghiệm dịch vụ Internet vệ tinh. Hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm này nhằm đánh giá chi tiết tính khả thi của mô hình kinh doanh và các ưu điểm cũng như hạn chế của công nghệ.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc giảm chi phí phủ sóng Internet tới vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, công nghệ chùm vệ tinh quỹ đạo thấp còn thúc đẩy sự phát triển của hàng hải và hàng không.

Đây là những ngành kinh tế có tiềm năng và dư địa phát triển lớn ở Việt Nam nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ Internet. Chùm vệ tinh quỹ đạo thấp là giải pháp tiềm năng để tháo gỡ vướng mắc này.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để dịch vụ viễn thông tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO