Tận dụng sức mạnh của công nghệ số, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một cuộc thay đổi nền tảng với sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Bối cảnh
Theo các dự báo về tăng trưởng trong năm 2022 của các tổ chức kinh tế toàn cầu đều cho thấy sự sụt giảm mạnh của các nền kinh tế mạnh trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, nền kinh tế của Việt Nam vẫn được dự báo là một điểm sáng kinh tế trong khu vực.
Theo đó, tính đến thời điểm tháng 9/2022, cả Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực các nước Đông Nam Á trong năm 2022, với mức tăng lần lượt là 7,2% và 6,5%.
Theo Statista Digital Market Outlook, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 72 triệu vào năm 2022, tăng thêm 3,4 triệu người so với năm trước, chiếm 73% tổng dân số. Trong số này, 52 triệu người Việt Nam đang sử dụng TMDT, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Chi tiêu hàng năm cho TMĐT là 12,4 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động nền kinh tế số và TMĐT
Trong những năm gần đây, sự phát triển của nền kinh tế số đã gây ra các sự thay đổi đáng kể từ sản xuất, phân phối cho đến tiêu dùng. Những thay đổi này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, thúc đẩy sự đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Hơn nữa, công nghệ số đã giúp nền kinh tế tăng cường khả năng chống chịu đối với những tác động hoặc cú sốc như đại dịch COVID-19 và các tác động suy giảm của kinh tế thế giới. Vì vậy, sự phát triển kinh tế số đã trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và là mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong những năm tới.
Tận dụng sức mạnh của công nghệ số, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua một cuộc thay đổi nền tảng với sự bùng nổ của lĩnh vực TMĐT. Các số liệu từ Google, Temasek và Bain and Company cho thấy giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ và vững chắc, đạt khoảng 14 tỷ USD vào năm 2022, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Và theo những dự báo, tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục tăng lên đến 37% mỗi năm trong 3 năm tới, đưa giá trị giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam lên mức 32 tỷ USD. Với vị trí thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang thể hiện sức hút với những tiềm năng phát triển không giới hạn của lĩnh vực TMĐT.
Nền kinh tế TMĐT đã mang đến nhiều cơ hội kinh doanh, việc làm và đóng góp cho xã hội. Theo báo cáo kinh tế Internet Đông Nam Á 2022 từ Google, Temasek và Bain & Company, các nền tảng TMĐT đã giúp hơn 20 triệu người bán và 7 triệu nhà hàng phát triển hoạt động kinh doanh trực tuyến. Nhờ đó, đã có hơn 160.000 việc làm với kỹ năng cao và 30.000 công việc hỗ trợ được tạo ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. TMĐT đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.
Nền kinh tế TMĐT đang phát triển, các doanh nghiệp (DN) tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bằng cách tăng tương tác với người dùng hiện có và tăng giá trị đơn hàng. Ngành hàng tạp hoá cần tăng cường quảng bá để thu hút khách hàng mới. Nhiều nhà bán lẻ TMĐT thực hiện các giải pháp kinh doanh thân thiện với môi trường. Các sàn TMĐT sử dụng công nghệ để hiểu nhu cầu mua sắm thực tế của khách hàng và gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ.
Các công nghệ áp dụng tại các nền tảng TMĐT
Trên thế giới và ở Việt Nam, các nền tảng TMĐT lớn như Lazada, Tiki, Shopee đang tập trung cho tự động hóa, công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ người dùng được tốt hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ AI cũng là một xu hướng phát triển khác đối với ngành TMĐT Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nếu cá nhân hóa là một khía cạnh quan trọng trong việc tăng lợi nhuận kinh doanh thì AI cho phép thực hiện việc cá nhân hóa cửa hàng trực tuyến, và là một trong những xu hướng công nghệ TMĐT mới nhất.
Với sự lên ngôi và gia tăng ứng dụng AI, cuộc chạy đua của các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Google hay sự dân chủ hóa trong việc tiếp cận AI do sản phẩm ChatGPT của hãng khởi nghiệp Open AI mang lại, việc ứng dụng các Conversational AI (AI hội thoại) đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực TMĐT như: phát triển trợ lý giọng nói để cung cấp kết quả tìm kiếm phù hợp, phát triển chatbot hỗ trợ khách hàng mua hàng 24/7 và ứng dụng AI trong hoạt động marketing và quảng cáo để tăng tính trực quan và phát triển các nội dung tiếp thị.
Theo báo cáo Reputa 2022, các sàn TMĐT ở Việt Nam đã nâng cao uy tín nhờ cải thiện trải nghiệm mua sắm, đặc biệt là tốc độ giao hàng và hệ thống cung ứng vững chắc trong mùa dịch. Các sàn TMĐT cũng tập trung vào việc làm hài lòng khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi, minigame và các chiến dịch sale hàng tháng vào các ngày đặc biệt. Các sàn TMĐT cũng sử dụng hình ảnh của những người có ảnh hưởng lớn để tăng hiệu quả truyền thông. Giá cả hợp lý, chất lượng hàng hóa tốt, đa dạng, đóng góp cho hoạt động xã hội, tốc độ giao hàng, chất lượng giao hàng cũng là các yếu tố quan trọng được khách hàng quan tâm.
Ngoài ra, trải nghiệm thanh toán và giao diện cũng góp phần vào trải nghiệm của khách hàng trên sàn TMĐT. Lazada là một trong những sàn TMĐT đầu tiên có tính năng Quản lý trải nghiệm khách hàng (CEM) nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng cho nhà bán hàng và đối với người mua, đề xuất giá trị của Lazada nằm ở chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý và miễn phí vận chuyển.
Công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm của Lazada
Lazada là đơn vị tiên phong trong việc mở ra xu hướng shoppertainment (mua sắm giải trí) tại thị trường TMĐT Việt Nam từ năm 2018, với nhiều hoạt động độc đáo nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm thú vị cho người tiêu dùng (NTD).
Bằng việc ứng dụng công nghệ trên LazLive - kênh livestream chính thức của mình, Lazada đã tăng gấp hơn 2,5 lần số lượt người xem, số lượng đơn hàng mua qua livestream và doanh số bán hàng thông qua kênh livestream chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/1/2022 đến 30/11/2022. Top 3 ngành hàng được ưa chuộng và mua sắm nhiều nhất trên livestream là bách hóa, hàng điện tử và mỹ phẩm và làm đẹp.
Thuật ngữ cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của NTD dù đã xuất hiện khá lâu nhưng tính ứng dụng của nó vẫn còn tương đối mới tại thị trường Việt Nam. Lazada vẫn đang được biết đến là một trong những DN đi đầu trong xu hướng này. Công nghệ AI được sử dụng để nhận diện và phân tích nhu cầu của từng khách hàng, từ đó gợi ý sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu của mỗi khách hàng.
Công nghệ thực tế ảo hỗ trợ cho trải nghiệm mua sắm trực tuyến thông qua việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm giác quan sâu sắc, kết nối với khách hàng thật hơn và tạo cho họ cảm giác được trải nghiệm sản phẩm thực tế như tại cửa hàng truyền thông. Nhiều đối tác thương hiệu thuộc LazMall - hệ thống gian hàng chính hãng đã ứng dụng công nghệ trải nghiệm sản phẩm trực tuyến (Virtual Try On - VTO) trên Lazada và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 3,1 lần và giá trị đơn hàng trung bình tăng lên đến 11%.
Tóm lại, Việt Nam được dự báo sẽ là một điểm sáng trong khu vực kinh tế toàn cầu trong năm 2023, với mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số và sử dụng TMĐT đang tăng lên nhanh chóng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực TMĐT.
Sự phát triển của nền kinh tế số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Với sự phát triển vượt bậc của TMĐT tại Việt Nam, Lazada đang cùng với các DN TMĐT khác tạo nên sức mạnh kinh tế mới, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước./.