Diễn đàn

Gỡ các “nút thắt” để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển

Anh Minh 22/12/2023 07:15

Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, có nhiều thách thức mà Việt Nam cần giải quyết để đón đầu cơ hội này, từ nền chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi và đặc biệt là đảm bảo về nguồn nhân lực.

Tóm tắt:
- Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia nước ngoài.
- Kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam:
+ Tập trung xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái bán dẫn, trong đó cần tìm ra trọng tâm, phiên bản
chipset mà Việt Nam mong muốn.
+ Đào tạo thêm 50.000 kỹ sư của Việt Nam càng sớm càng tốt.
- Phương án giải bài toán cung ứng 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn.

Dù đang thực hiện đề án phát triển 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu thực hiện đào tạo tuần tự là mỗi kỹ sư 4 năm sau tuyển sinh mới đưa vào làm việc thì sẽ có thể không theo kịp nhu cầu.

Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia nước ngoài

Tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn diễn ra tại NIC cơ sở Hòa Lạc vừa qua, hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều khẳng định tiềm năng to lớn cũng như nỗ lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), nhận định Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và Việt Nam đã sẵn sàng trở nên quan trọng hơn nữa.

Theo ông, nhiều ký kết hợp tác MoU mới liên quan đến lĩnh vực bán dẫn đã diễn ra giữa Mỹ và Việt Nam, giữa các công ty và trường đại học. Điều này đang khuyến khích và cũng báo trước những mối quan hệ hợp tác mới thú vị. Chủ tịch SIA cho biết Mỹ đã rất nỗ lực để phát triển sản xuất, nghiên cứu và thiết kế chất bán dẫn cũng như quyết tâm nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Nhưng các cơ quan, tổ chức tại Mỹ cũng hiểu rõ rằng mọi nỗ lực nhằm giải quyết các rủi ro và lỗ hổng trong chuỗi cung ứng không thể thành công nếu không có sự hợp tác quốc tế.

“Mọi người đều hiểu phải hợp tác với bạn bè trên khắp thế giới để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn. Và đây chính là lúc Việt Nam bước vào”, ông John Neuffer nói. “Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ tất cả những điều này, từ làn sóng đầu tư mới, từ các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới. Thật ấn tượng khi Việt Nam đang phát triển chiến lược bán dẫn quốc gia của riêng mình”.

Ông Kim Huat Ooi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Products Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong ngành bán dẫn Việt Nam. Rất nhiều công ty đã đến Việt Nam để mở rộng kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực bán dẫn ở đây. Gần đây, các công ty như Samsung, Amkor đã công bố thiết lập cơ sở sản xuất. Việt Nam thực sự đã đầu tư mạnh mẽ cho ngành bán dẫn”.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam nhấn mạnh đến tăng trưởng lực lượng lao động bán dẫn. Ông cho biết: “Cơ sở của Intel ở TP. HCM chỉ có khoảng ba người nước ngoài liên quan đến hoạt động sản xuất. Còn lại, chúng tôi đã tuyển dụng nhân sự địa phương để quản lý nhà máy. Vì vậy, sự tăng trưởng to lớn về tài năng lực lượng lao động ở đây là điều rất đáng ghi nhớ”.

Ngoài nguồn lực, ông Kim Huat Ooi cho biết từ góc độ quốc gia, sự ổn định của hệ thống chính trị là một điểm mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam. Ông tin rằng “tiềm năng của Việt Nam còn tiếp tục phát triển”.

Vừa khai trương nhà máy công nghệ tại Bắc Ninh vào 11/10, ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam, cho biết lễ khai trương nhà máy chỉ là bước khởi đầu tại Việt Nam. “Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch, những vấn đề địa chính trị căng thẳng, là những lý do chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam”, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam nói.

Ngoài ra, ông cho biết những thuận lợi về cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh như giao thông đến sân bay, hay đến thủ đô Hà Nội, và cơ sở hạ tầng điện và nước ổn định, cũng như khả năng tiếp cận với nguồn nhân lực là những căn cứ để Amkor đầu tư vào Việt Nam.

ban-dan-2.png

Nhiều kiến nghị, đề xuất để thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam

Theo ý kiến của Tổng Giám đốc Tập đoàn Intel Products Việt Nam, tập trung vào chiến lược phát triển hệ sinh thái bán dẫn là điều Việt Nam nên làm. “Tôi nghĩ điều thành công đối với Mỹ hay châu Âu là một cấu trúc hệ sinh thái mạnh mẽ. Hệ sinh thái ngành bán dẫn rất đa dạng, từ sản xuất, thiết kế, nguyên liệu thô, phần cứng, phần mềm... Vì vậy, chính phủ cần cố gắng tìm ra trọng tâm, phiên bản chipset mà Việt Nam mong muốn. Việt Nam đang cố gắng thu hút những ngành công nghiệp nào, những công ty nào trong hệ sinh thái và có những chính sách khuyến khích nào để thu hút những công ty đó đến và làm việc? Nếu làm được điều đó thì tôi nghĩ, tương lai của Việt Nam sẽ rất tươi sáng”.

Cùng ý kiến với tập đoàn Intel, ông Changwook Kim, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group, cho rằng Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái phù hợp với các mối quan hệ hợp tác, tạo cơ sở khách hàng cho các công ty. “Tại sao TSMC lắp đặt cơ sở mới ở Nhật Bản, tại sao Samsung lại đặt xưởng đúc ở Mỹ, đó là vì họ gần gũi với khách hàng. Vì vậy, một điều rất quan trọng là Việt Nam phải suy nghĩ xem liệu có thể tạo cơ sở cho khách hàng cho các công ty hay không”.

Trong khi đó, ông SH Kim, Tổng Giám đốc Amkor Việt Nam, nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác với chính phủ, các chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông ổn định, chất lượng.

Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài đều đề cập đến thách thức nguồn nhân lực ICT nói chung cũng như nhân lực bán dẫn nói riêng. Ông GC Lee, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qorvo, công ty đã hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam từ năm 2005, cho biết họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng các kỹ sư R&D có trình độ. Ngoài ra, Qorvo cũng gặp phải những vấn đề về hệ sinh thái cho R&D, bao gồm các phòng thí nghiệm tin cậy, khả năng phân tích, công cụ giám sát... Đó là những điều rất quan trọng đối với cộng đồng bán dẫn.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cho biết toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đang gặp phải tình trạng thiếu nhân lực, điều này diễn ra trên cả toàn cầu. Vì vậy, ông John Neuffer cho rằng “kế hoạch đào tạo thêm 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn của Việt Nam là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn và tôi khuyến khích đạt được điều đó càng sớm càng tốt”.

Ông John Neuffer nói: “Cạnh tranh bằng tài năng là một bước đi rất thông minh” trong bối cảnh toàn cầu đang diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm thu hút nhà đầu tư.

Theo bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), tình trạng thiếu nhân tài bán dẫn toàn cầu ước tính sẽ tiếp tục trong ba năm tới và sẽ thiếu hơn 1 triệu nhân lực vào năm 2030, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất ở các khu vực như châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, bà Linda Tan cho rằng Việt Nam cần ít nhất 5.000 đến 10.000 kỹ sư mỗi năm. “Vì vậy, tôi nghĩ để Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu, điều quan trọng là đóng góp một nguồn nhân tài vững mạnh. Bằng cách đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao, Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đổi mới. Do đó, điều quan trọng đối với Việt Nam là phải theo kịp tiến bộ công nghệ và duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu bằng cách nhấn mạnh vào giáo dục. Từ đó, Việt Nam có thể nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và ngành công nghiệp mới”.

ban-dan-3.png

Ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, cho biết có 3 vấn đề mà các đối tác nước ngoài rất quan tâm khi đầu tư vào ngành bán dẫn Việt Nam. Thứ nhất là sự ổn định về chính trị, xã hội. Thứ hai là các chính sách ưu đãi và cái thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo thông tin của ông Vũ Hải Quân, Đại học Quốc gia TP. HCM gần đây đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu của châu Á trong lĩnh vực bán dẫn.

Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP. HCM có thể đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư chuyên môn sâu vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn và có khoảng 500 thạc sĩ cũng có chuyên môn sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Ngoài ra, trường sẽ cố gắng đào tạo, chuyển đổi và cấp chứng chỉ về ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế bán dẫn, đặc biệt là thiết kế bán dẫn, cho khoảng 15.000 kỹ sư. Ông Vũ Hải Quân cho biết đây là nhiệm vụ đã được đăng ký với Chính phủ.

Để làm được việc này, hiện nay, Đại học Quốc gia TP. HCM đang đào tạo các nhóm ngành có liên quan, như ngành điện tử, viễn thông, ngành kỹ thuật máy tính, ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu với điểm chuẩn đầu vào rất cao. “2-3 năm gần đây, nhóm ngành khoa học máy tính là nhóm ngành có điểm chuẩn đầu vào cao nhất. Những con số đó phản ánh chất lượng đầu vào đối với các cái kỹ sư trong tương lai”, ông Vũ Hải Quân nói.

ban-dan-1.png

Theo ý kiến của PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, chiến lược 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn của Chính phủ Việt Nam sẽ dựa trên tốc độ tăng trưởng của ngành này, tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, tốc độ phát triển của các doanh nghiệp nước ngoài để từ đó Việt Nam có những chiến lược chính xác, cụ thể nhằm thu hút người học, dịch chuyển người học cho các lĩnh vực cần thiết.

PGS. Huỳnh Đăng Chính đưa ra một số giải pháp để có nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn như tập trung phát triển mạng lưới doanh nghiệp, kết nối các khu kinh tế, các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp liên quan. Đặc biệt là kết nối mạng lưới này với các trường Đại học để các kỹ sư của Bách khoa và kỹ sư của các trường đại học công nghệ kỹ thuật có thể thực tập trong lòng của doanh nghiệp, tức là được đào tạo ở trong lòng doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc thiết lập mạng lưới các trường đại học để hỗ trợ nhau từ phòng thí nghiệm, đến chương trình đào tạo và chia sẻ thông tin nội sinh trong các trường với nhau. Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế, kết nối nhiều hơn với cả các trường Đại học trên thế giới.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT), Việt Nam đang thực hiện đề án phát triển 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn. Tuy nhiên, nếu thực hiện đào tạo tuần tự là mỗi kỹ sư bốn năm sau tuyển sinh mới đưa vào làm việc thì sẽ có thể không theo kịp nhu cầu.

Để giải bài toán này, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin và kỹ sư điện tử đông đảo với tổng số là 350.000 kỹ sư. “Nếu tập trung đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho đội ngũ này để năng lực của họ phù hợp ngay với các hoạt động sản xuất, chúng ta có thể đi khá nhanh”, ông Nghĩa nói. “Bên cạnh đó, chúng ta sẽ triển khai những biện pháp nâng cao năng lực thiết kế, hình thành các trung tâm phần mềm dùng chung hỗ trợ thiết kế. Tôi nghĩ khi chúng ta kết hợp năng lực tổng thể trên cả quốc gia, chúng ta sẽ có một đội ngũ tốt và năng lực thiết kế của Việt Nam sẽ tăng rất nhanh”.

Khi công nghệ tiếp tục định hình, tiêu chuẩn kỹ năng của ngành ngày càng tăng, nhu cầu về việc làm có giá trị cao sẽ được tạo ra. Việt Nam có thể tận dụng sự hợp tác quốc tế để tiếp cận kiến thức toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của chính mình và thúc đẩy đổi mới. Sự khan hiếm kỹ sư và kỹ thuật viên lành nghề là một thách thức lớn và là thách thức lớn cản trở sự phát triển của ngành.

Việc thu hẹp khoảng cách này đòi hỏi nỗ lực đào tạo cũng như nâng cao kỹ năng. Việt Nam nên tiếp tục hợp tác với các trường đại học, các công ty toàn cầu để đón đầu tiến bộ công nghệ và khả năng cạnh tranh. Điều này sẽ chuẩn bị cho lực lượng lao động Việt Nam trước những thay đổi tiềm tàng về kinh tế trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam cũng có thể mất đi những nhân tài hàng đầu vào các khu vực khác, hay nói cách khác, trong tương lai khi chất lượng cũng như số lượng nhân lực số đảm bảo, nhân lực CNCTT và bán dẫn Việt Nam sẽ không chỉ phục vụ trong nước mà còn cả khu vực và thế giới./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ các “nút thắt” để ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO