Truyền thông

Hà Giang coi trọng phát triển KT-XH vùng đồng bào thiểu số, miền núi

TT 07/11/2024 09:31

Công tác dân tộc, nhất là phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có 19 dân tộc; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7%, sinh sống ở những địa bàn cốt yếu, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh. Bởi vậy, công tác dân tộc, nhất là phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được tỉnh ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Ngày 27/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Nghị quyết xác định, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, trọng tâm là tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương để phát triển KT-XH bền vững; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào DTTS&MN...

Theo UBND tỉnh Hà Giang, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang được phân bổ và giao dự toán ngân sách gần 7.600 tỷ đồng. Đến năm 2024, tổng vốn giao là hơn 3.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2024, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển hơn 1.800 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch; vốn sự nghiệp gần 1.800 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch.

Nhằm đảm bảo nguyên tắc, giải pháp đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, từ nguồn vốn trên, tỉnh Hà Giang đã, đang tập trung triển khai 14 nội dung, 11 tiểu dự án thuộc 10 dự án, tạo khởi sắc cho bức tranh phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN. Nổi bật trong đó, hỗ trợ đất ở cho 19 hộ, nhà ở cho 2.027 hộ, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho 962 hộ; hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 7.200 lao động vùng DTTS; hỗ trợ 929 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, 49 chuỗi phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS&MN tại địa bàn 127 xã, 119 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực I, II được đầu tư xây dựng, điển hình như: Đầu tư xây dựng, cải tạo 320 công trình giao thông nông thôn; 113 công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; 166 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; 32 công trình trường, lớp học đạt chuẩn; duy tu bảo dưỡng 220 công trình sau đầu tư; mở 215 lớp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS…

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch được tiếp vốn để phát triển khởi sắc hơn. Trong đó, 11 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS&MN được hỗ trợ đầu tư xây dựng; 2 địa bàn DTTS được hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống; 20 lễ hội của đồng bào DTTS được bảo tồn, phát huy; 355 thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS được đầu tư…

Ngoài ra, không ít nội dung hỗ trợ nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện, bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện như: Nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em…

Đồng Văn phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang, cách TP. Hà Giang 150 km về phía bắc, có 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 3 DTTS rất ít người là Pu Péo, Lô Lô và Cờ Lao.

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa thành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát với tình hình của địa phương.

Các chính sách được triển khai nghiêm túc, minh bạch, đúng đối tượng đã phát huy hiệu quả tích cực; đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ, ưu tiên.

3.jpg
Nhiều hộ dân xã Phố Cáo (Đồng Văn) được ở trong căn nhà kiên cố nhờ những chính sách hỗ trợ. (Ảnh: baohagiang.vn)

Trong giai đoạn 2020 - 2024, huyện đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 624 hộ với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn đã rà soát, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 1.126 hộ với tổng kinh phí trên 37,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, tạo sinh kế.

Đối với đồng bào DTTS rất ít người trên địa bàn huyện cũng được quan tâm, thụ hưởng các chính sách đặc thù. Trong đó, Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đã giúp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các thôn, bản của 3 DTTS rất ít người trên địa bàn huyện.

Nhiều dự án, mô hình được triển khai xây dựng như: 8 công trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ giống, vật tư sản xuất, hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào với tổng kinh phí thực hiện trên 22,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn hỗ trợ 6 hộ chăn nuôi bò sinh sản; hỗ trợ giống, vật tư sản xuất cho 106 hộ; hỗ trợ 82 hộ thực hiện 3 mô hình sản xuất; hỗ trợ 2 dự án bảo tồn nghề truyền thống; hỗ trợ duy trì hoạt động 5 đội văn nghệ thôn, mua nhạc cụ truyền thống…

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Dinh Chí Thành cho biết: Các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS được triển khai đã mang lại hiệu quả vô cùng thiết thực.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh và từ các nguồn lực xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đồng thời tích cực khuyến khích, hướng dẫn bà con sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy nội lực để tự vươn lên. Từng bước đưa vùng đồng bào DTTS phát triển đồng đều với các địa phương khác.

Xín Mần từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Nằm cách trung tâm TP. Hà Giang 150km, Xín Mần là huyện vùng cao, biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 7 vạn người thuộc cộng đồng 16 dân tộc, với 14.771 hộ dân, trong đó có 6.591 hộ nghèo. Hiện nay, 100% hộ nghèo là đồng bào các DTTS, vì vậy, huyện Xín Mần xác định việc triển khai các Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, từng bước nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã được hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt.

Theo ông Hoàng Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Chế Là, trước đây, những hộ nghèo, cận nghèo tại xã Chế Là không có điều kiện mua téc nước, thường sử dụng bể xi măng, chum, vại... để tích trữ nước sinh hoạt nên không đảm bảo vệ sinh.

Này nhờ có Chương trình MTQG 1719, nhiều hộ dân được hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt. Các bồn chứa đã giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, sử dụng nguồn nước ổn định, hợp vệ sinh, góp phần đảm bảo sức khỏe, cải thiện đời sống của người dân.

Để đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích, chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã Chế Là đã được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Với tổng kinh phí phân bổ cho giai đoạn 2021 - 2024 là 873 triệu đồng, xã đã phân công cán bộ phụ trách các thôn tiến hành khảo sát và đánh giá nhu cầu thực tế của các hộ dân trong xã, đặc biệt tập trung vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nước sinh hoạt. Tính đến tháng 9/2024, Chương trình đã hỗ trợ thành công cho 291 hộ/13 thôn trên địa bàn.

1.jpg
Nhờ có Chương trình MTQG 1719, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chế Là, huyện Xín Mần được hỗ trợ bồn chứa nước sinh hoạt. (Ảnh: baodantoc.vn)

Tại thôn Đại Thắng, xã Nà Chì, ngay khi có chủ trương của Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn để các hộ nghèo, cận nghèo xây dựng nhà ở theo Dự án 5, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhiều gia đình, trong đó có gia đình anh Hoàng Văn Hiếu nằm trong danh sách được hỗ trợ.

Niềm vui của anh Hiếu cũng là cảm xúc của nhiều hộ khó khăn trên địa bàn xã Nà Chì. Trong năm 2024, toàn xã có 37 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, có 20 hộ đăng ký xây mới, 17 nhà sửa chữa. Dự án hỗ trợ mỗi căn nhà xây mới 44 triệu đồng và 22 triệu đồng đối với các hộ dân sửa chữa nhà ở.

2.jpg
Ngôi nhà mới của anh Hoàng Văn Hiếu xã Nà Chì trong thời gian hoàn thiện. (Ảnh: baodantoc.vn)

Theo UBND huyện Xín Mần, chỉ tính riêng trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình MTQG: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 của huyện Xín Mần là 431.735 triệu đồng.

Trong thời gian qua, công tác giải ngân các nguồn vốn được UBND huyện Xín Mần chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 02/02/2024 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch các nguồn vốn năm 2024 với lộ trình, mốc thời gian cụ thể đối với từng nguồn vốn.

UBND huyện Xín Mần cũng thường xuyên quán triệt, đôn đốc tiến độ giải ngân thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc họp thường kỳ và chuyên đề, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết về tiến độ giải ngân.

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG đã và đang phục vụ hiệu quả đời sống Nhân dân ở vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy KT-XH ở các xã, bản đặc biệt khó khăn của huyện Xín Mần phát triển bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Hà Giang coi trọng phát triển KT-XH vùng đồng bào thiểu số, miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO