Hà Nội hướng tới hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công trên mạng
Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu đổi mới hoạt động các điểm tiếp nhận thủ tục hành chính theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ người dân thực hiện bằng phương thức trực tuyến, phấn đấu tiếp nhận và trả kết quả trên môi trường điện tử đối với 100% thủ tục hành chính.
Thúc đẩy việc triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ, TP. Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) - một cơ quan hành chính ngang cấp sở trực thuộc UBND Thành phố. Ngày 4/10/2024, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND, chính thức thông qua Đề án và quyết định thành lập TTPVHCC này.
Theo đó, ngày 24/10/2024, UBND TP. Hà Nội đã công bố Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTPVHCC TP. Hà Nội. Quyết định nêu rõ TTPVHCC TP. Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND TP. Hà Nội thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Trung tâm cũng đóng vai trò đầu mối trong việc tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp và giải quyết các TTHC (đối với những thủ tục được ủy quyền), đồng thời trả kết quả cho người dân và doanh nghiệp (DN).
Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham mưu và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS), nhằm phục vụ người dân và DN theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố.
Trụ sở làm việc chính thức của Trung tâm đặt tại số 197, phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại Trung tâm đang hoạt động tạm thời tại tầng 1, 10, 11 của Tòa nhà Liên Cơ, số 258 đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, cho đến khi trụ sở tại phố Nghi Tàm hoàn thiện và đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất để đưa vào hoạt động.
Nhằm thúc đẩy việc triển khai các TTHC trên môi trường điện tử, Trung tâm sẽ phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan để rà soát, đánh giá, thiết kế lại quy trình nội bộ thực hiện TTHC để tổ chức thực hiện trên môi trường điện tử; rà soát, đánh giá phê duyệt danh mục TTHC, chuẩn hóa mẫu đơn, tờ khai, thiết lập biểu mẫu điện tử; tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình bộ phận một cửa truyền thống
Kế thừa và phát huy những kết quả, ưu điểm của cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, TP. Hà Nội tiếp tục rà soát và sắp xếp lại 677 bộ phận một cửa trên toàn Thành phố, đảm bảo tinh gọn, thông suốt, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Việc cải tổ được thực hiện theo hướng "phi tập trung ở cấp Thành phố", lấy "cấp huyện làm trung tâm" và hướng về cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tối ưu hóa phương án phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC.
Đồng thời, Thành phố cũng đặt mục tiêu khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình bộ phận một cửa truyền thống, tháo gỡ các điểm nghẽn và giải quyết tình trạng ách tắc trong xử lý TTHC, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng. Những vấn đề này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh và chỉ số phát triển của Thành phố, do đó, việc cải tiến là cần thiết để đảm bảo hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế.
Một nội dung đáng quan tâm về TTPVHCC là việc tiếp nhận TTHC sẽ không phụ thuộc vào địa giới hành chính theo hướng đổi mới cách thức tiếp nhận TTHC. Điều này được thực hiện bằng cách chuyển từ phân chia bộ phận một cửa theo cấp, đơn vị hành chính sang mô hình theo khu vực, quản lý tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, trả kết quả đa ngành, đa lĩnh vực và không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Những mục tiêu này nhằm bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, tiếp nhận và giải quyết 24/7, tính từ địa điểm của người dân và DN đến điểm thực hiện TTHC. Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu việc giải quyết TTHC cần tránh quá tải cục bộ, tạo điều kiện theo dõi, giám sát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện TTHC kịp thời, hiệu quả.
Hướng tới hình thành một Trung tâm Phục vụ hành chính công trên không gian mạng
TP. Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC đạt tối thiểu 95%, trong đó 100% hồ sơ TTHC được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận Một cửa thống nhất, đồng bộ.
Đặc biệt, TP. Hà Nội yêu cầu đổi mới hoạt động các điểm tiếp nhận theo hướng chuyển dần sang hỗ trợ người dân thực hiện bằng phương thức trực tuyến, phấn đấu tiếp nhận và trả kết quả trên môi trường điện tử đối với 100% TTHC, Hà Nội đang hướng tới hình thành một TTPVHCC trên không gian mạng. Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/10/2024.
Tại Quyết định số 5579/QĐ-UBND ngày 23/10/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội điều động, bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội, đến nhận công tác tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội.
TTPVHCC TP. Hà Nội sẽ tổ chức hoạt động theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025 sẽ tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, ưu tiên triển khai các giải pháp đột phá trong việc đầu tư phát triển công nghệ, đặc biệt chú trọng vào xây dựng hạ tầng số và nền tảng số.
Trung tâm sẽ sử dụng đội ngũ chuyên gia và nhà khoa học để hỗ trợ quá trình này. Tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và hạ tầng số, Trung tâm sẽ nghiên cứu thí điểm việc tiếp nhận các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành Thành phố, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/2/2025.
Giai đoạn 2 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1/4/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Trong giai đoạn này, Trung tâm dự kiến sẽ thành lập 30 chi nhánh, bố trí linh hoạt các điểm tiếp nhận TTHC phù hợp phạm vi hoạt động. Chi nhánh là đơn vị trực thuộc, được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp lại Bộ phận Một cửa thuộc UBND cấp huyện. Điểm tiếp nhận là bộ phận trực thuộc Chi nhánh (không tổ chức bộ máy) có nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả một số TTHC cấp huyện, cấp xã; trực tiếp giải quyết đối với một số TTHC đang được ủy quyền cho công chức cấp xã.
Giai đoạn 3 sẽ diễn ra từ ngày 1/7/2025 trở đi. Đây là giai đoạn hoàn thiện tổ chức bộ máy của Trung tâm theo hướng thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính, tiếp nhận TTHC phi địa giới hành chính và là đầu mối duy nhất cung cấp dịch vụ công trên toàn địa bàn Thành phố./.