Hà Nội triển khai phong trào toàn dân phát hiện, phản ánh vi phạm ATGT
Hà Nội đang triển khai phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), mỗi người dân hoàn toàn có thể trở thành một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì mỗi người dân hoàn toàn có thể trở thành một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.
Phát hiện vi phạm giao thông, mỗi người dân có thể tương tác trực tuyến tới Công an Thành phố
Hiện nay, người dân hoàn toàn có thể chủ động phát hiện, ghi nhận, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các dấu hiệu hành vi vi phạm TTATGT. Cụ thể, như các hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng giờ quy định (bao gồm cả xe chở rác); xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc; ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mất ATGT cho người và phương tiện khác, mất trật tự, an toàn xã hội...
Khi phát hiện ra các dấu hiệu hành vi vi phạm trên, thì mỗi người dân có thể gửi tới đầu mối tiếp nhận là Công an Thành phố (qua các kênh tương tác trực tuyến như: số điện thoại của Phòng Cảnh sát giao thông: 024.3942.4451, tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”...).
Chủ động cung cấp thông tin để người dân nhận diện vi phạm, làm cơ sở để phán ánh
Cơ quan chức năng đã chủ động cung cấp thông tin về những vi phạm thường thấy đối với các phương tiện để người dân nhận diện như sau:
Thứ nhất: Xe ô tô khách chở quá số người quy định: trên xe ô tô (nhất là xe khách) có số người trên xe vượt quá số người được phép theo quy định áp dụng đối với loại xe đó (quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ; quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ; quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ; chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ) (đối chiếu theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ).
Thứ hai: Xe ô tô tải chở hàng quá khổ (chiều cao, chiều dài, chiều rộng của thùng xe), quá tải, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện (“cơi nới” thành thùng) chở vật liệu để rơi vãi, gồm:
Chở hàng quá khổ (được quy định cụ thể tại Điều 18, Điều 19 Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ), như: Quá chiều cao, quá chiều dài, quá chiều rộng (với những kích thước cụ thể).
Chở hàng quá tải: Trường hợp các xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...) chở cao hơn phân thành thùng xe... là có dấu hiệu vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng cho phép; hoặc các xe ô tô tải có trọng tải toàn bộ xe lớn hơn trọng tải cho phép trên đoạn đường có gắn biển P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe” vi phạm quá tải trọng cho phép của cầu, đường.
Xe tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện ("cơi nới" thành thùng): các xe tải có phân thành dọc theo chiều dài xe cao hơn điểm cao nhất của đầu xe; có các vết hàn gia cố ở thành thùng xe và chạy dọc theo phân thành xe, đuôi xe; xe có lắp thêm phần “bạt cánh” có khớp xoay gắn cố định chạy dọc theo thành thùng xe (có thể nâng lên khi chở hàng để be chắn hàng hóa)... là có dấu hiệu vi phạm “cơi nới” thành thùng xe.
Xe chở vật liệu để rơi vãi: Các xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng (đất, đá, cát sỏi...), hóa chất, chất thải trên thùng hở không có mui, bạt để che đậy, để rơi, vãi vật liệu, chảy nước thải, hóa chất xuống mặt đường.
Thứ ba: Xe ô tô đi vào đường cấm, ngược chiều: xe ô tô đi vào đường có biển báo cấm theo loại phương tiện hoặc cấm đi ngược chiều được quy định tại Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành, gồm: Biển số P.102 “Cấm đi ngược chiều”; Biển số P.103a “Cấm ô tô”; Biển số P.105 “Cấm ô tô và mô tô”; Hệ biển số P.106 “cấm xe ô tô tải”; Biển số P.107 “Cấm xe ô tô khách và xe ô tô tải”; Biển số P.107a “Cấm xe ô tô khách”; Biển số P.107b “Cấm xe ô tô taxi”; Biển số P.108 “Cấm xe kéo rơ-moóc”; Biển số P.108a “Cấm xe sơ-mi rơ-moóc” và các hệ biển trên có thêm Biển phụ S.508 “Biểu thị thời gian”
Thứ tư: Xe ô tô đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc: các trường hợp xe ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, trừ các trường hợp là xe được quyền ưu tiên theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Vận dụng công nghệ 4.0 trong bảo đảm TTATGT
Khi nhận diện được những vi phạm về TTATGT nói trên, mỗi người dân có thể phản ánh qua các kênh tương tác trực tuyến. Sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm, Công an Thành phố có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các trình tự về tiếp nhận và xử lý thông tin; thông báo trực tiếp cho lực lượng Cảnh sát giao thông địa bàn để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu người dân phản ánh hành vi vi phạm đang diễn ra) hoặc tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) và xử lý nghiêm theo quy định.
Đồng thời, Cơ quan Công an có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí tuyên truyền kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời phản hồi kết quả xử lý (đối với nguồn cung cấp thông tin đảm bảo xác định chính xác được danh tính); xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.
Chỉ đạo lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ bí mật về thông tin của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu; áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu.
Như vậy, mục đích của việc triển khai phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT của TP.Hà Nội hướng đến việc triển khai thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm TTATGT gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và bảo đảm TTATGT nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT…