Hạ tầng TTDL và ĐTĐM: Định hình tương lai số tại Việt Nam

Ngọc Diệp| 14/06/2022 18:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đã và đang khẳng định tên tuổi của mình như một thị trường mới nổi và quan trọng về trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây (ĐTĐM) trên thế giới.

Thị trường TTDL và ĐTĐM tại Việt Nam: Xu hướng phát triển

Xu hướng chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ sau đại dịch, sự quan tâm của Chính phủ liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu, yêu cầu địa phương hóa dữ liệu, cùng nhu cầu về các công nghệ mới, tối ưu hơn cho hạ tầng số,… là các động lực khiến thị trường TTDL và ĐTĐM Việt Nam phát triển với tốc độ ấn tượng.

Theo đánh giá của Research And Markets, Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ TTDL toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế và số lượng các tổ chức, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu chuyển đổi hạ tầng lớn. Cũng theo báo cáo của tổ chức này, thị trường TTDL Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2021 và được dự báo sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trên 14,64% cho đến năm 2026.

Chia sẻ tại hội nghị "Data Center & Cloud Infrastructure Summit 2022 - Định hình tương lai số tại Việt Nam" diễn ra ngày 14/6, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho biết theo thống kê, trong hơn 10 năm qua (2010-2021) lưu lượng sử dụng dữ liệu tại Việt Nam đã tăng gấp 7 lần, số lượng thuê bao di động sử dụng dữ liệu từ 18,79 triệu năm 2010 đến nay là gần 100 triệu thuê bao. Lưu lượng kết nối trong nước tăng 40 lần về băng thông, lưu lượng kết nối quốc tế tăng 25 lần. Số lượng thuê bao Internet chiếm tới 75% tổng số hộ gia đình tại Việt Nam, tức là gần 20 triệu hộ gia đình đã có băng rộng cố định.

Theo ông Hoàng Văn Ngọc, đây là sự tăng trưởng rất lớn về mặt nhu cầu và kết nối, kéo theo đó là nhu cầu rất lớn về việc lưu trữ dữ liệu. Cụ thể, năm 2010, quy mô TTDL của các nhà cung cấp tại Việt Nam là khoảng 100 tủ rack thì đến hết năm 2021 con số này lên tới khoảng 10.000 tủ rack và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 18%/năm.

Có thể thấy, TTDL ngày càng có vai trò quan trọng trong hạ tầng TT&TT. Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT - Bộ TT&TT cho biết: Nếu trong thế kỷ 20 nền kinh tế toàn cầu được đặc trưng bởi dòng chảy vật chất như dòng chảy về hàng hoá, dịch vụ, con người,... thì đến thế kỷ 21 ngoài dòng chảy vật chất còn xuất hiện thêm dòng chảy vô hình gọi là dòng chảy dữ liệu. Nếu so sánh dòng chảy của các con sông được tạo ra bởi các hạt mưa ở đầu nguồn thì dòng chảy dữ liệu được tạo ra bởi các thiết bị IoT, thiết bị đầu cuối,... được truyền tải trên hạ tầng viễn thông giống như con sông và dòng suối vậy.

Nếu nước sông được lưu trữ tại các hồ, đập thì dữ liệu tại các TTDL được lưu trữ tại các hồ dữ liệu. Nước sông được xử lý để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, tưới tiêu trong nông nghiệp,... thì dữ liệu cũng được xử lý để đưa ra các dữ liệu sạch phục vụ người dân hay cung cấp nhiều tiện ích. Hệ sinh thái dữ liệu cũng được buôn bán, xử lý gán nhãn tạo ra công nghiệp dữ liệu lớn, thậm chí dữ liệu xuyên biên giới cũng cần bảo đảm an ninh như an ninh nguồn nước vậy.

Theo ông Trần Minh Tuấn, hạ tầng TT&TT mới sẽ bao gồm cả hạ tầng TTDL thay vì chỉ bao gồm các hạ tầng truyền thống như hạ tầng băng rộng, hệ thống thông tin vô tuyến, hệ thống cáp quang, tổng đài chuyển mạch,...

Tính đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 27 TTDL của 11 DN trong nước đầu tư, với 270.000 máy chủ trên khắp cả nước. Tổng số tủ rack sử dụng của Việt Nam là khoảng 18.000 - 20.000 tủ, chủ yếu là các tủ rack có mật độ công suất thấp.

Tốc độ tăng trưởng TTDL tại các khu vực phía Bắc năm 2021 là 46,48%, tại các khu vực phía Nam là 35,13% và tại khu vực miền Trung là 18,39%. Miền Bắc có tốc độ tăng trưởng TTDL lớn bởi vì có nhiều TTDL lớn của các bộ, ngành Trung ương, nhưng trong thời gian tới xu hướng này sẽ có sự chuyển dịch khi nhiều DN vừa và nhỏ chuyển lên đám mây. Khi đó sự bùng nổ về TTDL được kỳ vọng sẽ phát triển đồng đều ở cả 3 miền.

Hạ tầng TTDL và ĐTĐM: Định hình tương lai số tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng quan thị trường ĐTĐM tại Việt Nam

Còn về thị trường ĐTĐM, Việt Nam hiện có hơn 40 DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM thuộc 3 nhóm: nhóm các DN nước ngoài (Google, Amazon,...); nhóm các DN có quy mô lớn được đầu tư đồng bộ (Viettel, VNPT, CMC, FPT,...) và nhóm các DN nhỏ có quy mô cung cấp các ứng dụng và dịch vụ đặc biệt. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020, các DN Việt Nam mới chiếm khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ ĐTĐM trong nước (tương đương hơn 900 tỷ đồng), 80% thị phần còn lại do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp (Google, AWS, Microsoft Azure,...).

Chia sẻ về những xu hướng ảnh hướng tới sự phát triển của thị trường TTDL và ĐTĐM tại Việt Nam, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT cho biết có 3 xu hướng chính là: CĐS toàn dân và toàn diện; xu hướng phát triển 5G và điện toán biên và nhu cầu xây dựng TTDL phục vụ khu vực (digital hub).

Báo cáo xây dựng chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ TT&TT cũng đề ra định hướng phát triển TTDL và ĐTĐM trong thời gian tới. Theo đó, việc phát triển hạ tầng TTDL tập trung vào 3 nhóm chính: xây dựng hạ tầng TTDL mạng lưới phục vụ chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đặt các trung tâm số (digital hub) tại các trung tâm tài chính của khu vực và xây dựng đa dạng các loại hình ĐTĐM, gồm đám mây công cộng (public cloud), đám mây riêng (private cloud), đám mây lai (hybrid cloud) và đám mây cộng đồng (community cloud).

Ông Trần Minh Tuấn cũng cho biết thêm việc phát triển hệ thống TTDL được dự kiến chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 2021 - 2026 đầu tư hệ thống TTDL theo cách tập trung về địa điểm, đó là quy hoạch một số địa điểm trọng yếu để đảm bảo nguồn điện tốt, an ninh thông tin; giai đoạn sau năm 2030 tập trung các siêu (hyper) TTDL vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

Cần chủ động chiếm lĩnh thị trường TTDL và ĐTĐM trong nước

Khi so sánh quy mô thị trường Việt Nam với các nước trong khu vực, ông Trần Minh Tuấn chia sẻ thực tế thị trường TTDL của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn ở mức khá khiêm tốn, hiện nay đứng đầu khu vực Đông Nam Á là Singapore sau đó đến Malaysia, Indonesia. Số lượng TTDL ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6% tổng số TTDL trong khu vực.

Những thách thức đặt ra đối với thị trường TTDL tại Việt Nam đó là hệ thống cáp quang biển còn ít so với các nước xung quanh; khả năng tiếp cận thị trường của các DN viễn thông còn hạn chế, chưa chuyển đổi nhanh từ DN cung cấp dịch vụ truyền thông sang cung cấp các dịch vụ trên nền dữ liệu; cơ chế, chính sách trong việc đặt TTDL tại khu vực còn chưa thực sự mở.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Việt Nam cũng có những thuận lợi để phát triển thị trường TTDL, đó là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp CNTT; Việt Nam là quốc gia đông dân, mức sử dụng dữ liệu cao; sự thúc đẩy của nhà nước với việc đẩy mạnh CĐS dựa trên các nền tảng số vận hành trên môi trường đám mây và sự phát triển của 5G.

Trong khi đó, đối với ĐTĐM, các DN Việt Nam có lợi thế về hạ tầng kết nối và giá cả phù hợp. Một số thách thức khiến các nhà cung cấp trong nước chưa có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển như: chưa tạo được niềm tin của DN trong việc sử dụng dịch vụ đám mây; nhiều DN vẫn chưa thực sự hiểu rõ về ĐTĐM,... 

Báo cáo xây dựng chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu 70% thị phần dịch vụ ĐTĐM tại Việt Nam thuộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi các DN trong nước cần đảm bảo tối ưu về công nghệ, kỹ thuật, đồng thời đa dạng hóa dịch vụ nhằm tạo ra những lợi thế khác biệt trong từng dịch vụ đám mây được cung cấp, để thu hút và tạo niềm tin cho khách hàng. 

"Hãy cùng nhau cố gắng, để người Việt Nam định hình tương lai số của Việt Nam", CEO Viettel IDC nhấn mạnh./.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng TTDL và ĐTĐM: Định hình tương lai số tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO