Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp: giải quyết nút cổ chai của nông nghiệp Việt Nam

TH| 11/10/2022 17:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Vượt qua gần 350 giải pháp dự thi, "Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp" của Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời đã xuất sắc đăng quang tại Giải thưởng Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam (VDA) 2022.

Tại lễ trao Giải thưởng CĐS Việt Nam  ngày 9/10/2022, Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời (LTF) đã được vinh danh và nhận giải thưởng ở hạng mục "Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp CĐS tiêu biểu" với dự án "Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp" do LTF phối hợp với Ban Công nghệ thông tin của Tập đoàn Lộc Trời cùng xây dựng và phát triển. Đây là giải pháp đầu tiên và duy nhất từ một doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp được tôn vinh kể từ khi giải thưởng được tổ chức năm 2018.

Giải thưởng CĐS Việt Nam, được tổ chức thường niên dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và sự bảo trợ của Bộ TT&TT, nhằm tôn vinh các cá nhân, đơn vị có thành tựu, đóng góp quan trọng trong công cuộc thúc đẩy CĐS, phát triển công nghệ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

LTF với giải pháp "Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp" đã đăng ký dự thi, không ngại "thi đấu" với các đối thủ "nặng ký" cùng dàn kỹ sư công nghệ sừng sỏ từ các tập đoàn lớn tại hạng mục "Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp CĐS tiêu biểu". Gây ấn tượng với hội đồng chung khảo nhờ tính năng nổi bật, vượt qua gần 350 giải pháp, Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp đã xuất sắc "đăng quang" trong mùa giải lần này.

Tìm lời giải cho bài toán sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ

Nông sản Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo, đang ở vị trí quan trọng trên thị trường xuất khẩu thế giới. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với sản lượng hàng năm khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, bằng 30% của Ấn Độ, chiếm 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan công bố ngày 16/9, xuất khẩu gạo trong tháng 8/2022 đạt 718.000 tấn, tăng 23,2% so với tháng trước. Lũy kế tám tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu 4,79 triệu tấn gạo, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2021, là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu gạo hiếm thấy. Việt Nam hiện đang xuất khẩu gạo sang 29 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp các châu lục, nhiều nhất là châu Á và châu Âu.

Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu gạo bởi hai lý do. Thứ nhất là lượng sản xuất ổn định, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định trong nhiều năm nay do diện tích canh tác lớn, việc trồng và thu hoạch diễn ra quanh năm không bị ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết - đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, tiêu thụ nội địa luôn dưới 50% sản lượng sản xuất, do đó lượng gạo xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu thụ nội địa.

Thứ hai là chất lượng ổn định ở phân khúc cao, đồng thời giá thành thấp hơn so với các nước trồng lúa khác, nhờ vào nguồn nước thuận lợi, các giống lúa phù hợp, nông dân có kinh nghiệm trồng lúa nhiều năm và bắt đầu tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học để giảm giá thành sản xuất.

Dựa vào hai yếu tố này, Việt Nam được đánh giá cao nhất trong các nước xuất khẩu gạo hiện nay vì luôn đảm bảo nguồn cung ổn định 6 triệu tấn gạo hàng năm (chiếm gần 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới) với giá thành có thể cạnh tranh ở phân khúc cao.

Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, rời rạc. Kết quả là tình trạng nông sản chất đầy đồng, cần giải cứu thường xuyên diễn ra mỗi khi được mùa đang khiến cho nông nghiệp vẫn chưa thể bước qua tình cảnh "manh chiếu hẹp" của nền sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, và hệ quả là không tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước sản xuất nông nghiệp khác.

Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp của LTF ra đời đã góp phần giải quyết nút cổ chai trong quản lý tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Giải pháp đã giúp tiết giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, đảm bảo hiệu quả mùa vụ và hướng tới nâng cao đời sống cho hơn bà con nông dân liên kết với Lộc Trời.

Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp: giải quyết nút cổ chai của nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Giải pháp Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung vào loạt tính năng giúp quản lý dữ liệu lớn gồm thông tin nông dân, hợp đồng liên kết sản xuất, diện tích, tiến độ canh tác, thời gian thu hoạch, đơn hàng cung ứng vật tư/dịch vụ nông nghiệp và công nợ để LTF cùng các thành viên tập đoàn triển khai cam kết sản xuất lúa, nông sản với các đối tác, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ thị trường trong và ngoài nước. 

Giải pháp CĐS này là kết quả ban đầu cho những nỗ lực của Ban Công nghệ thông tin của tập đoàn và LTF trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin nông nghiệp đủ năng lực quản lý lượng tác vụ khổng lồ phục vụ hoạt động tổ chức sản xuất trên quy mô 1 triệu ha mùa vụ liên kết giữa Lộc Trời và hàng trăm ngàn hộ nông dân.

Đồng hành cùng nông dân phát triển bền vững

LTF là cánh tay đắc lực trong việc thực hiện cam kết của Tập đoàn Lộc Trời thông qua đội ngũ "3 cùng" với các kỹ thuật viên nông nghiệp dày dạn kinh nghiệm, kiến thức luôn được cập nhật và đầy nhiệt huyết, sát cánh và sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân liên kết với tập đoàn thông qua các hợp tác xã.

Với đội ngũ "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) hùng hậu gồm hơn 1.200 kỹ thuật viên nông nghiệp có khả năng xử lý các hoạt động mùa vụ khoa học và linh hoạt, am hiểu tập quán trồng trọt và khí hậu thổ nhưỡng địa phương cũng như sự gắn bó chặt chẽ, sát cánh cùng hơn 200.000 hộ nông dân đang liên kết sản xuất cùng tập đoàn, LTF đóng vai trò rất lớn trong việc triển khai sản xuất cung ứng các đơn hàng.

LTF đã làm việc với cán bộ khuyến nông, cán bộ trồng trọt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước để cùng triển khai kế hoạch liên kết sản xuất, cụ thể là giới thiệu về chuỗi liên kết sản xuất, quy trình quản lý mùa vụ, bộ sản phẩm xử lý mùa vụ và các ưu đãi của Lộc Trời đối với bà con nông dân, hợp tác xã khi tham gia liên kết với tập đoàn. Bên cạnh đó, các cán bộ khuyến nông, cán bộ trồng trọt cũng được đào tạo sử dụng phần mềm hệ thống thông tin nông nghiệp để cập nhật thông tin đồng ruộng, nông dân, dịch hại, truy xuất nguồn gốc… nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác cho bà con nông dân liên kết với Lộc Trời.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: "Chúng tôi rất tự hào khi giải pháp do LTF phối hợp với Ban Công nghệ thông tin của Tập đoàn xây dựng và phát triển đạt giải thưởng quốc gia, trở thành giải pháp CĐS tiêu biểu năm 2022. LTF là thành viên nòng cốt, đơn vị thay mặt Lộc Trời trực tiếp làm việc với nông dân trên vườn ruộng khắp cả nước nên đang được Tập đoàn đầu tư để từng bước hoàn thiện việc CĐS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chung và quản lý mùa vụ. Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp này là giải pháp nền tảng mà chúng tôi đang phát triển và ứng dụng để quản lý và triển khai các vùng nguyên liệu lớn, bền vững hướng đến nâng cao lợi nhuận và đời sống cho bà con nông dân cũng như thúc đẩy sự phát triển hiện đại và vững chắc của nền nông nghiệp Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp: giải quyết nút cổ chai của nông nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO