Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm - nhìn từ những mục tiêu lớn

CT| 03/08/2022 10:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiết giảm hàng tỷ đồng

Nhờ áp dụng các đề tài về cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng, trong nhiều năm qua hoạt động sản xuất của Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi năm, hội đồng sáng kiến của Công ty tiếp nhận hàng chục ý tưởng, sáng kiến kỹ thuật. Nhiều sáng kiến cải tiến chi tiết các thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất đã được triển khai, ứng dụng trong thực tiễn có giá trị làm lợi cao, tiết kiệm chi phí, làm lợi cho Công ty khoảng 16,2 tỷ đồng.

Các đề tài cải tiến trọng tâm của Công ty tập trung vào việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng; xây dựng phương pháp chứng nhận năng lực và trình độ người kiểm hàng; giảm số cổng kiểm tra trên hệ thống cổng chất lượng; đào tạo và áp dụng 7 công cụ quản lý chất lượng trong giải quyết lỗi chất lượng; cải tiến phương pháp thống kê, phân tích dữ liệu, trực quan hóa báo cáo chất lượng: xây dựng sổ tay các lỗi của sản phẩm khăn; giảm tỷ lệ đứt sợi thưa ngang tại phân xưởng dệt; cải tiến layout kho – thiết lập sơ đồ khu vực kho thành phẩm; cải tiến môi trường làm việc tại khu phân xưởng Dệt; xây dựng hệ thống duy trì 5S3S…

Hiện nay, Tổng Công ty đã đầu tư tự động hóa mọi quy trình. Nhiều máy móc dây chuyền hiện đại đã được trang bị, thay mới tại các nhà máy, bộ phận. Tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý liên tục sáng tạo và đổi mới, lan tỏa đến toàn thể cán bộ, công nhân viên. Công tác đào tạo chuẩn hóa nhân lực ở từng vị trí được chú trọng.

Từ những kết quả mà Tổng công ty CP Phong Phú đạt được đã cho thấy chương trình cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm triển khai thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất lớn cho các doanh nghiệp. Nhờ nâng cao năng suất, chất lượng, doanh nghiệp không chỉ tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm mà thông qua đó còn tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều năm Chính phủ đã triển khai chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020. Sau 10 năm thực hiện, có đến 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc nâng cao nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp. Cụ thể, 98% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của mô hình tốt nhất trong đào tạo năng lực thực hiện mô hình, có nghĩa việc hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện mô hình của các đơn vị tư vấn tốt.

Công tác đào tạo chuẩn hóa nhân lực ở từng vị trí tại Tổng công ty Phong Phú được chú trọng

Công tác đào tạo chuẩn hóa nhân lực ở từng vị trí tại Tổng công ty Phong Phú được chú trọng

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Một trong những nội dung đáng chú ý, doanh nghiệp là đối tượng giữ vai trò trung tâm, còn Nhà nước có vai trò khuyến khích, tạo lập môi trường và các hệ sinh thái để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng…

Nhiệm vụ của Chương trình được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các nội dung khả thi của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 và chủ trương của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. So với giai đoạn 2011-2020, Chương trình đã điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, bổ sung mới 4 nội dung và loại bỏ 5 nội dung liên quan đến ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm (do các nội dung này đã đưa vào triển khai tại các chương trình khác). Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia trong giai đoạn 2021-2030 thực hiện với 4 nhóm nhiệm vụ chính sau:

Một là, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia thông qua xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia. Bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, và thúc đẩy hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương. Ảnh minh họa

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đã đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của các sản phẩm chủ lực địa phương. Ảnh minh họa

Hai là, tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện các hoạt động ứng dụng mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; phát triển hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KH&CN, hoạt động nghiên cứu chung.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp thu công nghệ, nâng cao công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, khai thác cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, chuyên gia công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ.

Bốn là, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ vào vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm mở rộng các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh trong các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Bổ sung nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Chương trình còn thực hiện các nhiệm vụ triển khai định kỳ nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ như tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nhu cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, hỗ trợ xây dựng mạng lưới tư vấn kết nối tự động; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu; tổ chức hoạt động truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.

Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp là nội dung quan trọng trong việc thực hiện những bước đi cụ thể của quá trình phát triển KH&CN đất nước. Đặc biệt, trước những thay đổi nhanh chóng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần thích ứng nhanh và tận dụng tốt lợi thế từ nền tảng công nghệ hiện đại để đổi mới, tối ưu hóa sản xuất, tăng năng suất và hoạt động hiệu quả. Hy vọng rằng với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, Chương trình sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm - nhìn từ những mục tiêu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO