Make in Vietnam

Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, Hội Nông dân ra mắt app vào tháng 12/2023

Nhật Minh 13/10/2023 18:55

Các ngân hàng, doanh nghiệp (DN) viễn thông và người nông dân cần đẩy mạnh việc phối hợp, hỗ trợ nhau để tạo ra các giá trị mới về kinh tế, trong đó có phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Và điều này cũng chính là một mục tiêu cao cả được hướng đến tại hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 13/10. Sự kiện nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân lần thứ 5 năm 2023.

Người nông dân là trung tâm của CĐS nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, việc chuyển đổi số (CĐS) thành công sẽ giúp cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của mọi ngành nghề, trong đó có nông nghiệp.

Việc người nông dân tham gia tích cực vào công cuộc CĐS cũng là một yêu cầu của chiến lược CĐS quốc gia. Và CĐS trong nông nghiệp cũng chính là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên, trong đó, người nông dân sẽ là trung tâm của CĐS.

Cũng theo ông Lương Quốc Đoàn, thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ cho người nông dân về vốn vay đầu tư sản xuất, cung ứng đầu tư đầu vào; mua bán trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện các chuyên trang về CĐS, kinh tế số trên Cổng thông tin, Fanpage của các cấp hội…

Hội Nông dân Việt Nam đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện App (ứng dụng) nông dân số và dự kiến ngày 15/12 sẽ chính thức ra mắt để hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân sử dụng”, ông Lương Quốc Đoàn cho biết.

screenshot-1560-(1).png
Ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh, người nông dân là trung tâm của CĐS nông nghiệp

Nối tiếp quan điểm của ông Lương Quốc Đoàn, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, thời gian qua, ngân hàng luôn tập trung, tích cực đẩy mạnh việc hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số cho mọi người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Cho vay đóng mới, nâng cấp tàu; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp...

"Việc mở rộng các chính sách cho vay đã góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc tính đến 30/6/2023 đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2022…”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cần có sự phổ cập thiết bị thông minh đến với mọi người dân nông thôn

Đại diện Bộ Công an, ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, bản chất cuối cùng của việc CĐS chính là phục vụ, mang lại lợi ích cho con người ngày một tốt hơn, và đây cũng là một cơ hội để nông dân Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, để đảm bảo các cơ hội, sự phát triển bền vững, các yêu cầu về CĐS phải dựa trên dữ liệu, đảm bảo an toàn dữ liệu và liên tục "đúng, đủ, sạch, sống". Đặc biệt, cần thực hiện triển khai đúng các yêu cầu, nội dung của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).

Và khi thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung của Đề án 06, người dân Việt Nam, trong đó có tầng lớp người nông dân sẽ hưởng nhiều lợi ích số, đồng thời, đến gần với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thông qua các công cụ số, nền tảng số phổ biến (VNeID, căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, nền tảng thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến…).

Cũng để đảm bảo ngày càng gia tăng các giá trị lợi ích và bảo vệ thành quả từ việc thực hiện CĐS, ông Vũ Văn Tấn cho rằng, chúng ta cần tích cực, thường xuyên đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ dữ liệu, nhất là các dữ liệu cá nhân của các công dân.

“Cần đảm bảo công tác an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân là an ninh quốc gia và chủ quyền trên không gian mạng được bảo vệ dựa trên hành động số hiệu quả”, ông Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.

Ông Vũ Văn Tấn cũng đưa ra đề xuất, Bộ TT&TT, NHNN tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an lành mạnh hóa dữ liệu về viễn thông, ngân hàng, tài chính, vì đây là nhân tố cốt lõi dữ liệu số của nền kinh tế số.

Cùng với đó, Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền về các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, lừa đảo để người dân, nhất là các vùng xâu, xa, kinh tế khó khăn biết, nâng cao cảnh giác, kịp thời phòng ngừa, tố giác tội phạm…

Ở quan điểm khác, bà Mai Thanh Bình, đại diện Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&T cho rằng, việc tạo ra các chính sách nhằm thúc đẩy tài chính số cho nông thôn là quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

screenshot-1559-(1).png
Bà Mai Thanh Bình nhấn mạnh đến việc quan trọng cần đảm bảo có sự phổ cập thiết bị thông minh đến với mọi người dân nông thôn.

Do đó, cần thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung được quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 và đảm bảo có thể chế số chuyển đổi từ: Môi trường thực sang môi trường điện tử; chữ viết, hình ảnh, âm thanh sang chữ ký điện tử, ký số; cơ sở hạ tầng vật lý sang hệ thống thông tin, phần mềm số…

Cũng theo bà Mai Thanh Bình, hiện nay, dân số nông thôn chiếm 62,4% dân số Việt Nam, đóng góp 11% GDP, nhưng thu nhập còn thấp. Do đó, để đạt mục tiêu năm 2030, cần tăng trưởng 20% hàng năm.

Và để làm được điều này, nhất thiết ngành nông nghiệp cần giúp người nông dân vượt qua các thách thức tồn tại hiện nay như: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, công nghiệp hóa hạn chế, phụ thuộc vào thời tiết…

Đưa ra giải pháp căn cơ, bà Mai Thanh Bình cho rằng nông nghiệp và người nông dân cần tích cực sử dụng, ứng dụng các công nghệ, nền tảng số mới. Đặc biệt, cần đảm bảo có sự phổ cập thiết bị thông minh đến với mọi người dân nông thôn. Đảm bảo mỗi hộ gia đình có một thiết bị thông minh, sau đó mỗi người trưởng thành có một điện thoại thông minh; ưu tiên các hộ nghèo, cận nghèo các thiết bị số thông minh qua Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, nhà mạng hoặc các nguồn lực xã hội khác.

Mặt khác cần đảm bảo: Cung cấp hệ thống cáp quang băng thông rộng đến từng hộ gia đình; an toàn an ninh mạng cho nông thôn; ưu tiên một số ngành, lĩnh vực nông thôn; xây dựng công dân số tại nông thôn…

“Đặc biệt, để tạo ra kinh tế số ở nông thôn cần ưu tiên, tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều dư địa, tiểm năng phát triển các mô hình kinh tế số; sử dụng các nền tảng số dùng chung; truyền thông mạnh mẽ về các nền tảng số và các câu chuyện thành công…”, bà Mai Thanh Bình nhấn mạnh.

Ngoài những ý kiến chia sẻ nêu trên, sự kiện còn nhiều nội dung thảo luận sôi nổi của các thành viên đến từ các hợp tác xã tiêu biểu trên cả nước chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay khi ứng dụng số hoá vào quá trình sản xuất, kinh doanh.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, Hội Nông dân ra mắt app vào tháng 12/2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO