Ngày 10/6/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chinh Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015 (Quyết định 888/QĐ-TTg) nhằm phát triển VNPT giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Đề án tái cơ cấu, ngành, nghề kinh doanh chinh của VNPT là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; thương mại, phân phối các sản phẩm thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.
NHẬN DIỆN NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN MỤC TIÊU SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH
Tính riêng năm 2013, tổng doanh thu mà các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng góp cho nền kinh tế đạt 174.200 tỷ đồng, riêng hai tập đoàn VNPT và Viettel đã đóng góp hơn 25.000 tỷ đồng, tương đương 14,8%. Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), năm 2013, tổng doanh thu viễn thông của Việt Nam ước đạt 9,9 tỷ USD. Tổng số thuê bao điện thoại đạt 105 triệu thuê bao, trong đó di động chiếm 93%. Việt Nam đã có hơn 31 triệu người sử dụng Internet, tổng số thuê bao Internet băng rộng (xDSL) đạt hơn 5,17 triệu thuê bao; tổng băng thông kết nối Internet trong nước đạt 613,8 Gb/s và tổng băng thông kết nối Internet quốc tế đạt 549 Gb/s.
Năm 2013, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Bưu chinh Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước đạt 119.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 102,53% so với năm 2012. Nộp ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 7.894 tỷ đồng, đạt 107,89% kế hoạch, bằng 100,47% so với năm 2012. Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn ước đạt 9.265 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 179,09% so với năm 2012. Trong đó, riêng VinaPhone và MobiFone đóng góp khoảng 71.000 tỷ đồng. Điểm cần lưu ý là so với năm 2012, MobiFone và VinaPhone đã đóng góp 66.379 tỷ đồng trong tổng doanh thu 130.390 tỷ đồng của VNPT.
Trong giai đoạn 2005 - 2013, MobiFone có mức tăng trưởng trung bình về doanh thu 23%/năm và lợi nhuận 6%/năm và chiếm 32% thị phần thông tin di động trên thị trường. Doanh thu riêng năm 2013 của MobiFone đạt 41.000 tỷ và lợi nhuận đạt 6.000 tỷ (Biểu 1).
Với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm, giai đoạn 2008 - 2013, VinaPhone đã đạt doanh thu 117.000 tỷ đồng, trong đó riêng 2013 là gần 30.000tỷ đồng. Hiện VinaPhone có trên 31 triệu thuê bao di động, là mạng có tỷ lệ thuê bao trả sau lớn nhất. Giá trị và tỷ trọng doanh thu của các dịch vụ phi thoại, đặc biệt là các dịch vụ dựa trên nền công nghệ 3G ngày càng cao. Tính đến cuối 2013, VinaPhone đã cung cấp trên 90 dịch vụ loại này, chiếm trên 55% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây (2012-2013), tốc độ tăng trưởng của VNPT có xu thế chậm lại, bộc lộ nhiều bất hợp lý về mô hình tổ chức và cơ chế quản lý, khiến sức cạnh tranh suy giảm (Bảng 1). Do đó, tái cơ cấu VNPT trở thành yêu cầu bức thiết nhằm hướng đến sự đổi mới, đồng thời để củng cố, tổ chức lại một thị trường viễn thông có môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, sau khi tách khỏi VNPT, chuyển biến đầu tiên tác động tới thị trường viễn thông sẽ là việc VinaPhone và MobiFone từ "anh em một nhà“ chuyển sang thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau, không còn dùng chung hạ tầng và đồng bộ trong các kế hoạch đầu tư, kinh doanh. Đây sẽ là khác biệt lớn nhất và tạo ra chuyển biến mới của thị trường viễn thông. Trước mắt, việc chia tách mối quan hệ "liên thủ“ giữa VinaPhone và MobiFone sẽ làm hạn chế phần nào khả năng cạnh tranh của 2 nhà mạng này trước mạng di động nắm thị phần khống chế là Viettel. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, về lâu dài việc chia tách này sẽ giúp VinaPhone và MobiFone chủ động về chiến lược kinh doanh và có động lực phát triển tốt hơn. Việc dùng chung hạ tầng truyền dẫn và kết nối liên mạng giữa VinaPhone- MobiFone về cơ bản cũng có thể chuyển đổi sang thành các hợp đồng kinh tế song phương, đảm bảo quyền lợi mỗi bên để cùng nhau phát triển. Về tổng quan, mối quan hệ Vina-Mobi sẽ trở thành đối tác nhiều hơn là đối thủ trên thị trường viễn thông.
Trong vai trò đối tác, MobiFone sẽ được lợi nhiều hơn so với trước đây, bởi không còn phải theo cơ chế "xin-cho" của tập đoàn VNPT mà chuyển sang thỏa thuận hợp tác. Đơn cử như việc roaming thuê bao của MobiFone sang VinaPhone ở vùng sâu vùng xa, nơi số trạm BTS của MobiFone khá ít, hiện các thuê bao trả sau của MobiFone cũng vẫn chỉ dùng được sóng của VinaPhone để thoại và nhắn tin, chứ không thể kết nối Internet, dù là kết nối GPRS hay EDGE, mặc dù thuê bao VinaPhone ở cùng vị trí có thể dùng kết nối 3G rất tốt. Trong khi đó, các dịch vụ roaming hiện nay trên thế giới đều hỗ trợ kết nối dữ liệu chứ không chỉ đơn thuần là thoại và tin nhắn. Nếu theo cơ chế thỏa thuận hợp tác, MobiFone hoàn toàn có thể ký hợp đồng kinh tế để thuê bao của mình roaming cả kết nối dữ liệu sang mạng VinaPhone, chứ không bị hạn chế như hiện nay.
Về lâu dài, việc tách khỏi VNPT sẽ giúp MobiFone hoạt động chủ động và hiệu quả hơn, không mất thời gian chờ tập đoàn phê duyệt dự án đầu tư hay kế hoạch kinh doanh (về bản chất là để đồng bộ với hoạt động kinh doanh của VinaPhone), nên sẽ nhanh nhạy với thị trường hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Công ty TNHH VNPT-VinaPhone được thành lập theo Đề án tái cơ cấu VNPT cũng sẽ hợp nhất các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ viễn thông của VNPT để tăng cường hiệu quả hoạt động, dựa trên việc hợp nhất mảng kinh doanh dịch vụ của các công ty như VinaPhone, VDC, VTN, VTI. Công ty VNPT-VinaPhone do vậy sẽ phải vận dụng mọi năng lực và thế mạnh vốn có về dịch vụ viễn thông của VNPT để trụ vững và theo kịp "cuộc đua tam mã“ của thị trường di động, tránh bi tụt hậu. Đây là nhiệm vụ sống còn, bởi doanh thu của VinaPhone vẫn đang đóng vai trò chủ đạo trong tổng doanh thu của cả tập đoàn VNPT.
Tác động lớn nhất tới thị trường viễn thông từ việc tái cơ cấu VNPT sẽ là làm tăng áp lực cạnh tranh, khi cả VinaPhone và MobiFone sẽ đều hoạt động độc lập và tập trung vào cuộc đua của thị trường, chứ không còn vừa chạy vừa chờ nhau như trước. Điều này cũng hứa hẹn thị phần của VinaPhone và MobiFone sẽ có sự cải thiện tốt hơn, và cũng không ngoại trừ khả năng tổng thị phần của 2 nhà mạng này sẽ vượt qua Viettel trong thời gian tới.
Một thách thức khác đối với VNPT trong quá trình tái cơ cấu chính là việc giải quyết bài toán thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp (DN) do quá trình đầu tư ngoài ngành nhiều năm qua cũng như việc tổ chức lại các DN làm án kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Theo số liệu của VNPT, riêng khoản lỗ của 60 đơn vi thành viên là khoảng 1.600 tỷ đồng. Năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT giảm 37,3% so với năm 2011, còn 7,8%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm 47,3%, còn 8,4%; lợi nhuận trước thuế giảm 37,3% còn 5.458 tỷ đồng so với năm trước và giảm 3.832 tỷ đồng so với trước kiểm toán... Thậm chí một số đơn vi lỗ "đậm“ như Công ty Tài chính bưu điện lỗ 635 tỷ đồng, "ăn“ cả vào vốn chủ sở hữu 127,5 tỷ đồng; Vinasat 1 khai thác từ nám 2008 - 2011 lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến 329 tỷ đồng; Vinasat 2, nếu khai thác tốt vẫn lỗ 62 - 130 triệu USD, tương ứng 1.300 - 2.600 tỷ đồng... Việc Chính phủ đã chấp thuận cho bán cổ phần dưới mệnh giá sẽ là cơ hội thuận lợi cho VNPT khi phải xử lý những DN làm án thua lỗ, kể cả cho giải thể, phá sản các đơn vị thành viên.
Theo Bộ TTTT, sau khi đề án tái cơ cấu được duyệt thì nguyên tắc hoạt động của VNPT sẽ dựa trên việc cân đối hài hòa 3 yếu tố khách hàng - người lao động với hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, VNPT là thương hiệu quốc gia, đã được khẳng định và có sức lan tỏa lớn không chỉ trong nước mà còn cả với quốc tế. Sau khi tổ chức, sắp xếp, cơ cấu lại, VNPT cần hướng đến mục tiêu tổng quát là cung cấp đa dạng, đồng bộ các dịch vụ CNTT - TT với chất lượng cao, giá thành hợp lý, trên cơ sở cạnh tranh theo đúng yêu cầu của thị trường và của người dùng. 5 nhóm dịch vụ mà VNPT sẽ đẩy mạnh kinh doanh là dịch vụ di động, băng rộng, dịch vụ giá trị gia tăng CNTT, dịch vụ truyền thông, công nghiệp viễn thông - CNTT, lấy khách hàng làm trung tâm.
ThS. Lê Thị Ngọc Diệp
(còn nữa)