Truyền thông

Ứng dụng công nghệ số tạo đột phá cho ngành Hải quan Việt Nam

Nguyễn Nhàn 09:18 22/11/2024

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được coi vừa là động lực mang tính quyết định, là chìa khóa dẫn đến thành công của cải cách hiện đại hóa ngành Hải quan trong thời gian vừa qua.

Tự động hóa các thủ tục hải quan cốt lõi

Theo báo cáo tổng kết ngành của Tổng Cục Hải quan 6 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan đã thực hiện hoàn toàn thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử (E-Declaration), với 100% thủ tục cơ bản đã được tự động hóa.

Tất cả các Cục Hải quan và Chi cục Hải quan đều thực hiện thủ tục điện tử, với 99,65% doanh nghiệp (DN) tham gia.

hai-quan-so.jpg
Tổng cục Hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh. (Ảnh: Vneconomy)

Ngành Hải quan cũng đã đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử (E-payment). Cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử.

Với Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, DN có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, qua bất kỳ phương tiện nào có kết nối Internet. Điều này không chỉ đảm bảo thông tin nộp tiền được xử lý kịp thời và chính xác mà còn giảm thời gian nộp thuế, cho phép thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, từ đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan. Nhờ vậy, tỷ lệ thu ngân sách qua phương thức điện tử đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.

Ngoài ra, ngành Hải quan đã triển khai ứng dụng CNTT một cách toàn diện trong tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, bao gồm: giám sát quản lý hải quan, quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, quản lý giá tính thuế, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, ngành đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra và giám sát hàng hóa, như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến và seal định vị điện tử để giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container.

Công tác giám sát quản lý hàng hóa tại các khu vực kho, bãi cảng, cửa khẩu, địa điểm đều được thực hiện tự động thông qua Hệ thống quản lý, giám sát hải quan (VASSCM) đã giúp loại bỏ các bước thao tác thủ công, cắt giảm việc sử dụng văn bản giấy trong quá trình xử lý nghiệp vụ, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và DN, góp phần giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong năm 2024, ngành Hải quan tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô mình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Chú trọng thực hiện chuyển đổi số

Cùng với ứng dụng mạnh mẽ CNTT, ngành Hải quan đã chú trọng thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Tổng cục Hải quan đã thành lập bộ máy tổ chức và huy động nguồn lực trong toàn Ngành để triển khai thực hiện nội dung này.

Đặc biệt năm 2024, ngay từ đầu năm Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/ĐU ngày 10/01/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CĐS của Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Chỉ thị số 381/CT-TCHQ ngày 24/01/2024 về việc đẩy mạnh CĐS, cải cách hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2024 - 2025.

chuyen-doi-so-nganh-hai-quan-da-co-nhung-buoc-tien-dai-20231005171442.jpg
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Hồng Vân

Tại Trung ương, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS với Trưởng ban là Phó Tổng cục trưởng và thành viên là các Cục trưởng, Vụ trưởng các đơn vị nghiệp vụ và các cục hải quan tỉnh, thành phố lớn để thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chỉ đạo CĐS trong toàn Ngành.

Để thống nhất nhận thức và hành động, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành đầy đủ chương trình, kế hoạch CĐS trong toàn Ngành, cụ thể: Kế hoạch CĐS ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch CĐS năm 2023 để cụ thể hóa các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành Hải quan số; đến năm 2030 hoàn thành Hải quan thông minh. Tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị.

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng đã mời nhiều hãng công nghệ, hải quan các nước tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc trao đổi, trình bày về CĐS và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực hải quan. Trong số 214 thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình cho 133 thủ tục và cung cấp DVCTT một phần 61 thủ tục.

Về kết nối Cơ chế Một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan cho biết, đến nay, Việt Nam trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; Trao đổi chính thức tờ khai hải quan với Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines. Việt Nam cũng đang tiếp tục phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước ASEAN còn lại để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch của ASEAN.

Tại hội thảo giới thiệu yêu cầu bài toán và quy trình nghiệp vụ phục vụ xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 24/10/2024, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng nhấn mạnh, đến nay, đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan. CĐS trong ngành Hải quan là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức, phương pháp làm việc của cơ quan Hải quan trong bối cảnh mới.

Tổng cục Hải quan đang tiếp tục triển khai dự án “Mở rộng cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 3” đáp ứng triển khai Nghị định quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (đảm bảo tương thích với việc triển khai Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số tạo đột phá cho ngành Hải quan Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO