Kinh tế

Hướng tới mục tiêu chất lượng tăng trưởng

Hoàng Bích 01/10/2024 21:35

Các chuyên gia dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2024 có thể đạt 6,0%, dựa trên các yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu (từ 6,5% đến 7%), do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sự suy giảm cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6/2024. Trước đó, bất chấp thiệt hại từ cơn bão Yagi, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% năm nay. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng kỳ vọng tốc độ này của Việt Nam sẽ là 6,1%.

anh-1.10-2.jpg

Trong khi đó, trong Báo cáo Asian Economics Quarterly do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành, Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa với lạm phát theo chiều hướng thuận lợi hơn. HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam cho cả năm 2024 và năm 2025 ở mức 6,5%. Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm nay. Tăng trưởng GDP trong quý II/2024 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

HSBC nhấn mạnh xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ khu vực Châu Á trong năm nay. Tuy nhiên, các rủi ro với kinh tế Việt Nam vẫn cao, trong đó, xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế - có thể đi xuống nếu tăng trưởng toàn cầu không như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị kéo dài hoặc tranh chấp thương mại tăng. Cùng với đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp ì ạch cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, làm suy giảm sự ổn định tài chính. Áp lực tỷ giá có thể kéo dài khi chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng.

Trong ngắn hạn, ADB cũng nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rủi ro, gồm vấn đề về cấu trúc kinh tế, căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ tăng và thiên tai. Những yếu tố này có khả năng tác động đến xuất khẩu, sản xuất và việc làm. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cải cách sâu rộng hơn nữa và đảm bảo tăng trưởng xanh, toàn diện trong trung hạn. Đầu tư công và mở rộng an sinh xã hội cũng cần được đẩy mạnh. Khuôn khổ tài khóa, quy trình lập và tăng thu ngân sách trong trung hạn cần củng cố để hỗ trợ kế hoạch phát triển.

Trong những tháng cuối năm 2024, Việt Nam có thể gặp một số thuận lợi cho phát triển kinh tế do kinh tế thế giới có thể phục hồi tích cực hơn. Cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Các công nghệ mới (công nghệ số, AI,...) tiếp tục có những chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ, có thể giúp chuyển đổi đáng kể mô hình, hiệu quả kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt cơ hội. Bên cạnh đó khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,...) có thể được hoàn thiện hơn, qua đó giúp doanh nghiệp yên tâm với kế hoạch chuyển đổi, khai thác các cơ hội mới.

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề, khó khăn do áp lực lạm phát còn lớn. Đáng lưu ý, tác động từ tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng có thể gây ra lạm phát nếu không có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Khả năng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn chậm được cải thiện, ảnh hưởng đến khả năng đóng góp và hưởng lợi từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Nhận thức và năng lực chuyển đổi của doanh nghiệp để thích ứng với các xu hướng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) còn tương đối hạn chế và quá trình cải cách các quy định, điều kiện kinh doanh còn chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tận dụng cơ hội kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp.

Việt Nam đang hướng tới những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong giai đoạn đến năm 2025 và 2030 trong khi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Việc chuyển sang ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn - kể từ đầu năm 2024 đã góp phần mang lại những kết quả kinh tế - xã hội tương đối ấn tượng (cả về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút FDI, lạm phát...). Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vẫn tin tưởng và đồng thuận với các định hướng, giải pháp cải cách và điều hành phát triển kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện chất lượng tăng trưởng; sớm cụ thể hóa các giải pháp chính sách cho đổi mới sáng tạo gắn với cải thiện năng suất lao động; chính sách phải thực sự đặt cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, ở vị trí trung tâm. Tư duy kiến tạo đòi hỏi phải biến thể chế trở thành nguồn lực cho nền kinh tế, là chìa khóa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và đất nước.

Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế chính là một ưu tiên quan trọng. Xu hướng dịch chuyển đầu tư đã vàđang mang lại cơ hội cho Việt Nam tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng. Việt Nam cần cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đi kèm với khả năng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà cung ứng trong và ngoài nước; Sớm thực thi, các chính sách phù hợp với các xu hướng kinh tế quốc tế như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đa dạng hóa thị trường thông qua các FTA đang trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết, bởi xu hướng này cũng phù hợp với lợi ích và ưu tiên của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh tế thế giới đang và sẽ có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới mục tiêu chất lượng tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO