Hợp nhất hai Bộ để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, quản lý báo chí số tốt hơn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chủ trương hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển.
Ngày 9/12/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước Quý IV năm 2024 với sự tham dự của đại diện các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) các Bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội nghị.
Các lĩnh vực TT&TT phát triển mạnh mẽ
Tại hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Bộ TT&TT đã thông tin về tình hình phát triển các lĩnh vực TT&TT.
Theo đó, lĩnh vực Bưu chính có doanh thu đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 8% so với Quý 3/2024, tăng 20% so với Quý 4/2023. Lũy kế doanh thu bưu chính ước cả năm 2024 đạt 71.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2023.
Lĩnh vực Viễn thông, tính đến tháng 10/2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,4%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt 98,4 thuê bao/100 dân tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2023 (84,8 thuê bao/100 dân).
Lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Tỉnh Bình Định đã đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện nhiệm vụ triển khai nền tảng “Trợ lý ảo”; xây dựng số hóa về công tác bảo tồn và phát huy võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Về triển khai ứng dụng công nghệ số, TP. Hồ Chí Minh triển khai App Công dân số, Kiosk Y tế thông minh, tại Bình Thuận là nền tảng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Bình Dương nền tảng CĐS, Đăk Lăk thực hiện chiến dịch cao điểm nâng cao hiệu quả dịch vụ công, Hà Giang triển khai nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu, Ninh Bình là Datafest 2024.
Về lĩnh vực Chính phủ số, đến hết 30/11/2024, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình của cả nước đạt 45,79% (mục tiêu 2024: 50%, năm 2025: 80%), trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 63,47%, khối tỉnh đạt tỷ lệ 18,54%. Đã ban hành “Khung triển khai DVCTT” để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập DVCTT toàn trình (Văn bản 4338/BTTTT-CĐSQG ngày 14/10/2024).
Về ban hành chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp (DN) thực hiện DVCTT, 100% địa phương đã ban hành chính sách về phí, lệ phí, trong đó có 4 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn phí, lệ phí (Hà Nội, TP. HCM, Vĩnh Long và Quảng Nam), 57 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí. Có 15/63 tỉnh đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương càn sớm ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.
Về lĩnh vực ATTT, trong tháng 11/2024, tổng số lỗ hổng bảo mật là 6.069 lỗ hổng, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2023 (4.146 lỗ hổng). Trong đó, số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng (mức 9 - 10) là 688 lỗ hổng, tăng 37,6% so với cùng kỳ tháng năm 2023 (500 lỗ hổng).
Về lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, ngày 19/9, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị chia sẻ phương pháp đo lường kinh tế số sử dụng mô hình kinh tế lượng với các địa phương. Theo đó, Bộ TT&TT đã hướng dẫn các địa phương đo lường tỷ trọng kinh tế số/GRDP trực tuyến tại địa chỉ: https://kinhteso.ptit.edu.vn.
Về phát triển thương mại điện tử (TMĐT), nhiều Sở TT&TT đã phối hợp, hỗ trợ DN phát triển nền tảng TMĐT, kết nối, quảng bá sản phẩm. Ví dụ, Đà Nẵng phát triển nền tảng CĐS Make in DaNang, đề xuất tổ chức hội thảo kinh tế số; TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn DN tham gia đào tạo về CĐS, Cần Thơ góp ý đề xuất đầu tư dự án “Chợ gạo online”, Cao Bằng công bố nền tảng công dân số, Bạc Liêu thực hiện kế hoạch hỗ trợ DN hiện diện trực tuyến.
Về lĩnh vực Công nghiệp công nghệ số, trong 11 tháng đầu năm 2024, ước tính giá trị xuất khẩu phần cứng điện tử đạt 122,299 tỷ USD tăng trưởng 16,45% so với cùng kỳ năm 2023; Tổng doanh thu công nghiệp ICT đạt 146 tỷ USD tăng 17,98% so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số DN công nghệ số đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2024 khoảng 501 DN; tổng số DN đăng ký thành lập và hoạt động đạt 53.041 DN.
Các địa phương nhanh chóng ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số, thực hiện đo lường kinh tế số
Thông tin thêm về tình hình phát triển lĩnh vực viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số, hiện 55/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai phát triển hạ tầng số.
Các địa phương cần phải nhanh chóng ban hành kế hoạch để phát triển hạ tầng số địa phương.
Về chính phủ số, Thứ trưởng nhấn mạnh trọng tâm là hồ sơ DVCTT toàn trình. Vai trò của CĐS cũng là ở thúc đẩy DVCTT. Các bộ, ngành, địa phương cần hết sức quan tâm thúc đẩy tỷ lệ DVCTT toàn trình. Hiện vẫn còn 5 địa phương có tỷ lệ DVCTT toàn trình thấp, trong đó có TP. HCM, Hà Nội.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương về ATTT, đo lường kinh tế số. Hiện mới có 21 địa phương triển khai đo lường phát triển kinh tế số. Các địa phương cần thúc đẩy đo lường kinh tế số bởi muốn thúc đẩy kin tế số thì phải đo lường được.
Tập trung, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024.
Về tỷ lệ DVCTT toàn trình, Bộ trưởng đã cho biết Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã đề ra các mục tiêu. Giờ là lúc thực hiện việc “quản” mục tiêu, không quản cách làm nữa. DVCTT toàn trình năm 2025 đối với địa phương là phải 70%, Bộ, ngành là 85%. Mục tiêu này sẽ được "văn bản hóa" gửi các địa phương để phấn đấu năm 2025, Việt Nam kết thúc chính phủ điện tử (CPĐT) chuyển sang chính phủ số. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) Bộ ngành, địa phương cũng phải được hoàn thành.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Nghị quyết về CĐS, các địa phương sẽ tham vấn Bộ TT&TT về mục tiêu thúc đẩy CĐS. Đầu mối là Viện Chiến lược TT&TT.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phụ trách các lĩnh vực phải tổng hợp kinh nghiệm của các địa phương CĐS, triển khai hạ tầng số, phát triển DN số, quản lý mạng xã hội, phổ cập chữ ký số, đo lường tốc độ mạng di động, kinh tế số… thành công để phổ biến cho các địa phương khác.
Bộ trưởng cũng chia sẻ việc các nước hiện nay không nói về giãn cách số/khoảng cách số (digital devide) nữa. Nói về giãn cách số hiện nay là nói đến bền vững mạng (resilient). Việt Nam đang tốt hơn Mỹ về độ bao phủ sóng, tốc độ nhưng bền vững mạng còn thấp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh địa phương cần quan tâm đến tăng tốc độ Internet di động, như nếu có thể tăng từ 40 Mb/s lên 44 Mb/s, thì GDP của địa phương cũng sẽ tăng.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, Việt Nam đã đi trước về AI dùng riêng. Nói về AI cần phải AI cá nhân, tổ chức, địa phương. ChatGPT là độc quyền hoá AI. CEO Nvidia Jensen Huang trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua cũng đã nói Việt Nam phát triển AI riêng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, AI dùng riêng thì không còn gì lo ngại. Nếu không “xây” AI riêng thì không bao giờ có AI. Dùng AI chung thì AI của 8 tỷ người giống nhau, không có ý nghĩa và có thể bị thao túng bởi thuật toán.
Hợp nhất hai Bộ để thúc đẩy chuyển đổi số
Cũng tại Hội nghị đề cập về chủ trương hợp nhất hai Bộ TT&TT và Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là sự hợp nhất nguyên trạng hai Bộ. Nhiều Bộ, ngành cũng đang thực hiện hợp nhất tương tự.
Hai Bộ TT&TT và KH&CN có nhiều điểm chung như CĐS cần hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, cần KH&CN trong đó có công nghệ số.
Việc hợp nhất hai Bộ sẽ tốt cho đất nước. Trước đây, Bộ KH&CN tập trung quản lý nhà nước về nghiên cứu KH&CN cơ bản. Trong khi đó, Bộ TT&TT quản lý nhà nước các DN công nghệ số phát triển ứng dụng AI, IoT, dữ liệu lớn… Hợp nhất là cơ hội để hai ngành hợp nhất phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, gốc gác hai Bộ đều là công nghệ. Việc phát triển công nghệ cũng là CĐS, phát triển DN cũng là CĐS, KHCN cũng có nội hàm CĐS. Ngành TT&TT đã phát triển cho đến ngày nay là trong nhiều năm đã CĐS. Báo chí hiện nay cũng là báo chí số, truyền thông số… cũng là công nghệ.
Bộ trưởng nhấn mạnh các đơn vị cần nhìn nhận thức việc hợp nhất hai Bộ là một việc tốt để cộng hưởng, thúc đẩy CĐS quốc gia tốt hơn.
Bộ trưởng cho biết việc hợp nhất các Bộ, ngành cơ bản là giữ tên các Bộ, ngành. Một số đơn vị có chung nhiệm vụ sẽ được hợp nhất và như vậy sẽ cộng hưởng và mạnh lên. Việc hợp nhất sẽ được tổ chức để hoạt động tốt hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt, yêu cầu hợp nhất để tốt hơn, các cán bộ cần cần nhận thức, thông suốt, nhìn vào khía cạnh tích cực để tập trung làm việc, lo việc chung. Đồng thời, trong thời gian này, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, công việc không được trễ, không được để cơ quan, tổ chức vào cảnh "chợ chiều"./.